Trước "giờ G”: Iran quyết không khuất phục

Trước "giờ G”: Iran quyết không khuất phục
Ngày 27/4, một ngày trước hạn chót để Iran ngừng chương trình hạt nhân, Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad vẫn tuyên bố nước Cộng hòa Hồi giáo này "sẽ không khuất phục trước bất công và áp lực".
Trước "giờ G”: Iran quyết không khuất phục ảnh 1
 Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad

Trong khi đó Mỹ đã kêu gọi LHQ phải có hành động, còn giới quan sát đánh giá, việc Iran bị tấn công là không thể tránh khỏi.

Iran quyết không khuất phục

Trong một bài phát biểu trên truyền hình ngày 27/4, Tổng thống Iran nói: "Chúng ta sẽ không cúi đầu trước bất công và áp lực. Nếu chúng muốn tấn công vào các quyền của người Iran, chúng ta sẽ làm chúng bị sỉ nhục và hối tiếc.

Nhờ Đấng toàn năng, chúng ta đã là một quốc gia hạt nhân. Chúng ta muốn hòa bình và an ninh và chúng ta không đe dọa ai. Chúng ta sẵn sàng đối thoại về việc giải giáp các cường quốc, để củng cố hòa bình và an ninh".

Trong khi đó, người đứng đầu Cơ quan Năng lượng nguyên tử Iran, Phó Tổng thống Gholam Reza Aghazadeh đã có cuộc họp kéo dài 11 giờ đồng hồ với Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) tại Vienna, Áo về vấn đề này nhưng đã không đưa ra được một đề xuất nào.

Một nhà ngoại giao giấu tên cho biết, Phó Tổng thống Iran G. Aghazadeh "chỉ vòng vo quanh lập trường đã được công bố trước đây của Iran, mà không đưa ra một đề xuất mới nào", trong khi thời hạn chót ngày 28/4 mà LHQ đề ra để Tehran ngừng hoạt động làm giàu uranium đang đến gần.

Ông Aghazadeh đã gặp Tổng Giám đốc IAEA Mohamed ElBaradei, người sẽ trình báo cáo lên Hội đồng Bảo an LHQ vào ngày 28/4 về việc Iran có tôn trọng lời kêu gọi của Hội đồng Bảo an LHQ đình chỉ hoạt động làm giàu uranium và hợp tác đầy đủ với các thanh sát viên IAEA hay không.

Trước "giờ G”: Iran quyết không khuất phục ảnh 2
Ngoại trưởng Rice kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc "phải hành động"

Mỹ kêu gọi LHQ hành động

Trước tình hình này, Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice ngày 27/4 nói rằng Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc "phải hành động" nhằm đáp trả việc Iran không làm giảm bớt những quan ngại của cộng đồng quốc tế xung quanh các kế hoạch hạt nhân của nước này.

Phát biểu với các phóng viên bên lề Hội nghị bộ trưởng NATO tại thủ đô Sofia của Bulgaria, bà Rice nói: "Mỹ tin tưởng rằng để giữ uy tín, Hội đồng Bảo an tất yếu phải hành động". Bà Rice nói: "Tôi hy vọng chắc chắn Hội đồng Bảo an đã chuẩn bị để có một số hành động, tình hình khá rõ ràng là Iran sẽ không đáp ứng những yêu cầu này".

Phát biểu của bà đã nhận được sự ủng hộ của ngoại trưởng Pháp Philippe Douste-Blazy. Ông nói thế giới phải cho thấy “sự kiên quyết và đoàn kết” đối với vấn đề Iran. “Tình hình đang nghiêm trọng và rất đáng lo. Không có dấu hiệu cho thấy Iran làm theo các yêu cầu của cộng đồng quốc tế”, ông nói.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier đề xuất Mỹ và Iran có thể tổ chức các cuộc thảo luận trực tiếp về mâu thuẫn hạt nhân của nước Cộng hòa Hồi giáo Iran với phương Tây nếu Tehran đồng ý với đề nghị của Washington về cuộc đàm phán tình hình bạo lực ở Iraq.

Mỹ có thể buộc phải đánh Iran

Theo kế hoạch, trưa 28/4, Tổng giám đốc IAEA Mohamed ElBaradei  đệ trình lên Hội đồng bảo an LHQ và ban giám đốc IAEA bản báo cáo về việc tuân thủ của Iran đối với nghị quyết ngày 29/3 của HĐBA LHQ yêu cầu nước này ngừng hoạt động làm giàu uranium với hạn chót là ngày 28/4. Theo nhận định của giới ngoại giao, nội dung báo cáo này rất có thể là ''Iran không thực hiện các yêu cầu của Hội đồng bảo an LHQ''.

Trong bối cảnh căng thẳng đó, cựu Đại sứ Mỹ tại Ấn Độ Robert Blackwill cho biết, Mỹ có thể buộc phải tấn công Iran nếu Tehran vẫn khăng khăng cung cấp công nghệ hạt nhân cho các nước khác.

Phát biểu tại một cuộc hội thảo về quan hệ Ấn Độ-Mỹ tại New Dehli ngày 26/4, ông Blackwill nói, Mỹ cố gắng tránh sử dụng vũ lực với Iran, nhưng việc Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad hồi đầu tuần này cam kết hỗ trợ công nghệ hạt nhân cho các nước khác, kể cả Sudan, "đã khiến không còn mấy hy vọng về bất cứ lựa chọn hòa bình nào cho vấn đề này".

Nga và Trung Quốc vẫn phản đối trừng phạt Iran

Trong khi đó, Nga và Trung Quốc vẫn phản đối việc trừng phạt Iran và kêu gọi tất cả các bên nên kiềm chế. Tổng thống Nga Vladimir Putin nói IAEA nên tiếp tục giữ vai trò chủ yếu trong cuộc khủng hoảng này. “Chúng tôi tin IAEA vẫn giữ vai trò chính và không đặt gánh nặng này lên Hội đồng bảo an”, ông Putin nói.

Tại Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Qin Gang kêu gọi các bên bình tĩnh. “Chúng tôi hy vọng các bên liên quan có thể giữ bình tĩnh và hạ giọng để tránh làm tình hình thêm leo thang”, ông Qin nói. Theo ông, vấn đề vẫn có thể “được giải quyết thông qua đối thoại và các biện pháp ngoại giao, và đây là lựa chọn đúng đắn cho tất cả các bên liên quan”.

Theo VnMedia

MỚI - NÓNG