TT Sudan: Nguyên thủ quốc gia đương nhiệm đầu tiên bị truy nã

TT Sudan: Nguyên thủ quốc gia đương nhiệm đầu tiên bị truy nã
TP - Tổng thống Sudan Omar al-Bashir ngày 4/3 trở thành nguyên thủ quốc gia đương nhiệm đầu tiên bị truy nã sau khi Toà án Hình sự Quốc tế (ICC) ban hành lệnh bắt với cáo buộc ông phạm tội ác chiến tranh ở Darfur. 

Phát ngôn viên Liên Hợp Quốc (LHQ), bà Michele Montas, cho biết Chính phủ của ông Bashir đã trả đũa bằng việc trục xuất mười nhóm hoạt động nhân đạo khỏi vùng đất xung đột Darfur, tịch thu tài sản của họ.

Tuy nhiên, cũng theo bà Montas, các quan chức LHQ tại Sudan sẽ tiếp tục liên hệ với Bashir vì ông vẫn là Tổng thống nước này.

ICC, toà án trực thuộc LHQ ra đời năm 2002, cáo buộc Tổng thống Bashir, 65 tuổi, là tội phạm chiến tranh và phạm các tội ác chống lại loài người, nhưng không cáo buộc tội diệt chủng vì không đủ bằng chứng.

Cộng đồng quốc tế phản ứng khác nhau sau hành động của ICC có trụ sở tại The Hague (Hà Lan). Đại sứ Mỹ tại LHQ, bà Susan Rice, tuyên bố Mỹ ủng hộ hành động của toà án LHQ.

Theo quan chức LHQ, có tới 300.000 người thiệt mạng và 2,7 triệu người khác phải rời bỏ nhà cửa bởi những cuộc xung đột trong khu vực. Tuy nhiên, phía Sudan cho rằng chỉ có 10.000 người thiệt mạng. Trong khi đó, Trung Quốc yêu cầu Hội đồng Bảo an LHQ lưu ý lời kêu gọi từ các nước Arập, châu Phi và đình chỉ vụ án chống lại ông Bashir.

Trưởng công tố Moreno Ocampo thuộc ICC cho rằng ông Bashir có thể bị bắt nếu rời khỏi Sudan. Nếu bị bắt và phải ra toà, Tổng thống Bashir có thể đối mặt với bản án nặng nhất là tù chung thân.

Các nước Arập và châu Phi lo ngại lệnh bắt trên sẽ khiến toàn khu vực bất ổn, châm ngòi cho nhiều cuộc xung đột nữa tại Darfur và đe dọa thỏa thuận hòa bình mong manh để chấm dứt nhiều thập kỷ nội chiến giữa miền nam và bắc Sudan.

Một số nước châu Phi đe dọa sẽ từ bỏ tư cách thành viên của tòa án LHQ nhằm trả đũa lệnh bắt trên. Trong 108 nước thành viên ICC có 30 nước châu Phi.

Từ thủ đô Khartoum, Chính phủ Sudan lên án lệnh bắt giữ như một phần âm mưu của phương tây nhằm làm mất ổn định quốc gia dầu mỏ này. Vài ngàn người mang theo ảnh Tổng thống Bashir và chỉ trích hành động của ICC trong cuộc tuần hành tại Khartoum.

Trong khi đó, Tổng thống Bashir - người lên tiếng bác bỏ các cáo buộc - ngồi trên xe tuần hành qua thủ đô sau khi lệnh bắt được thông báo. An ninh được tăng cường tại nhiều đại sứ quán và một số nhà ngoại giao cũng như nhân viên cứu trợ không dám ra ngoài vì lo ngại hành động trả đũa chống lại phương tây.

Hành động của ICC được cho là tạo cơ sở trong việc buộc tội nhiều nguyên thủ quốc gia đương nhiệm khác, những người có thể đang là mục tiêu điều tra về các tội ác chiến tranh. Trong số này có cả lãnh đạo một số nước châu Phi khác và Israel.

Trước đây, Tổng thống Liberia Charles Taylor và Tổng thống Nam Tư Slobodan Milosevic từng bị toà án buộc tội khi đương nhiệm. Tuy nhiên, cả hai nhà lãnh đạo trên bị buộc tội bởi các tòa án tạm thời, trong khi ICC là tòa án thường trực.

Chiến tranh ở khu vực Darfur bùng nổ năm 2003 khi các nhóm người Phi than phiền việc họ bị phân biệt đối xử và nổi dậy chống lại chính quyền ở Khartoum do người Arập chiếm ưu thế.

D.H
Theo AP, Reuters

MỚI - NÓNG