Kỷ niệm 25 năm bình thường hóa quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ (12/7/1995 - 12/7/2020)

Từ thảm sát, đến những vuông đất trồng hoa

Quốc kỳ Việt – Mỹ nơi chiến trường xưa Quảng Ngãi. Ảnh: Văn Chương
Quốc kỳ Việt – Mỹ nơi chiến trường xưa Quảng Ngãi. Ảnh: Văn Chương
TP - Nhà báo Paul Schutzer, tạp chí Life từng để lại nhiều hình ảnh về những lính Mỹ khốn khổ, lội bùn ngập tới cổ khi đặt chân đến Quảng Ngãi vào năm 1965. Chiến tranh đi qua, mọi thứ rồi dần lắng đọng. Tròn 50 năm sau, năm 2015, một toán lính Mỹ xuất hiện ở Quảng Ngãi với quân phục chỉnh tề và đứng bên cạnh hai  lá cờ Việt - Mỹ, đánh dấu một chặng đường của sự hàn gắn, khi mà ký ức của một thế hệ vẫn chưa quên chiến tranh.

Vào một buổi sáng ngày 24/3/2015, đường phố Quảng Ngãi căng cờ, biểu ngữ kỷ niệm tròn 40 năm giải phóng tỉnh nhà thì có một toán lính Mỹ xuất hiện ngay tại trung tâm TP Quảng Ngãi. Chuyến thăm của Đoàn không lực Hoa Kỳ, thuộc chương trình Thiên Thần Thái Bình Dương (Pacangel) lần đầu tiên đến Quảng Ngãi. Có thể hình dung, hoạt động của chương trình Pacalgel giống như thanh niên Việt Nam tổ chức Mùa hè xanh tình nguyện.

 Toán lính này mặc áo xanh nhạt màu da trời, đầu đội mũ ca nô lệch, trên vai gắn biểu tượng không lực Hoa Kỳ. Nơi toán lính này đặt chân đến là Trung tâm phòng chống thiên tai nằm trên đường Hai Bà Trưng.

Từ thảm sát, đến những vuông đất trồng hoa ảnh 1 Trung tá Yoshimoto nhận bằng khen của UBND tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: Văn Chương

Trong bài phát biểu trước lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi nhân lễ trao tặng thiết bị trị giá 690.000 USD cho Trung tâm, bà Rena Bitter, Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TPHCM, nhấn mạnh: “Trung tâm này là cam kết của người dân chúng tôi với mối quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ và niềm tin của chúng tôi vào tương lai Việt Nam… Năm nay đánh dấu cột mốc khác, đó là kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ giữa hai nước chúng ta”.

Từ thảm sát, đến những vuông đất trồng hoa ảnh 2 Quân nhân Mỹ tại Trường tiểu học Bình Thanh Đông (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi). Ảnh: Văn Chương

Tròn 50 năm trước, một toán lính Mỹ đặt chân tới Quảng Ngãi từ hướng biển, nhà báo Paul Schutzer của Tạp chí Life đã bấm máy ghi lại hình ảnh những thanh niên Mỹ rời trực thăng vận HU 1 A để đặt chân xuống khu vực Mũi Ba Làng An (Cape Batangan), thuộc xã Bình Châu, huyện Bình Sơn.

Trong quá khứ, địa phương này có các làng Vân An, An Chuẩn, An Hải. Khu vực này được quân chủ lực Quảng Ngãi đặt một trạm y tế (Trạm phẫu thuật tiền phương A 100) ẩn sâu dưới địa đạo Đám Toái, khoét dưới lòng đất 5 mét, giống như Địa đạo Củ Chi. Sáng ngày  9/9/1965, lính Mỹ đã dùng thuốc nổ đánh sập địa đạo này, vùi lấp 66 y bác sĩ, thương bệnh binh đang điều trị tại đây. Địa đạo Đám Toái sau đó trở thành Di tích quốc gia, ghi lại tội ác của đế quốc Mỹ xâm lược.

Từ thảm sát, đến những vuông đất trồng hoa ảnh 3 Tấm ảnh của nhà báo Paul Schutzer, tạp chí Life chụp cảnh lính Mỹ khốn khổ khi đặt chân đến Quảng Ngãi vào năm 1965. Ảnh: Văn Chương

Ở Quảng Ngãi, hình ảnh toán lính Mỹ lần đầu tiên xuất hiện vẫn gợi lên những mảng màu tương phản trong ký ức và hiện tại. Đó là chiến tranh chết chóc, là những tên lính xọc lưỡi lê xuống thùng lúa, đốt một đống rơm bên lũy tre để tìm vi-xi lẩn trốn. Còn 50 năm sau, con cháu của những người lính thời trước quay trở lại. Công trình mà lính Mỹ sẽ tham gia vào hoạt động sửa chữa trong những ngày có mặt tại Quảng Ngãi đều nằm bên lũy tre làng xanh tốt. Tre vốn là biểu tượng cho lòng bất khuất, sự dẻo dai của người Việt Nam.

Những viên gạch hòa bình

Trung sĩ Lizarraga mặc bộ quân phục màu xanh cỏ úa, dáng người vạm vỡ và khá điển trai. Đứng bên cạnh một đống gỗ đang được các binh sĩ sử dụng cưa tay để cắt, khoan.  “Xin lỗi các nhà báo, đây là nơi chúng tôi đang xây dựng và sửa chữa, nhưng chúng tôi không đủ nắp che tai giảm tiếng ồn để các bạn sử dụng, tôi xin lưu ý, mọi người đi vào khu vực này luôn nhìn xuống đất kẻo dẫm đinh”, người lính này nói với các nhà báo vừa đặt chân đến thăm nơi lính Mỹ tổ chức hoạt động tình nguyện tại Trường tiểu học Bình Thanh Đông (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi).

Tôi nhủ thầm, ở Việt Nam, với những chiếc cưa, đục nhỏ xíu kia thì chả ai đeo nắp che tai chống ồn, hay sợ vì vướng víu vào một sợi dây. Nhưng nhớ đến cảnh các sĩ quan Mỹ dạy cho các binh nhì phải quen với bùn lầy, các loại rắn rết sau các lũy tre làng Việt Nam (trong bộ phim của “Bí mật cuộc chiến” của đạo diễn người Pháp là Darniel Costelle), thì mới hiểu được rằng, những thanh niên Mỹ đặt chân đến Việt Nam, họ sớm buông súng vì đầm lầy, núi cao, muỗi vắt, rắn rết trước khi chạm mặt với Vi-xi thoắt ẩn với khẩu AK 47, đầy quyết tâm và thiện chiến.

Một thầy giáo trong Trường tiểu học Bình Thanh Đông giới thiệu với Đại tá Casey, tùy viên quân sự Đại sứ quán Mỹ về một địa điểm từng xảy ra vụ chạm súng ác liệt giữa lính Mỹ và quân chủ lực ngay gần bên trường học. Casey là người nhiều năm công tác tại Việt Nam, tự học thêm tiếng Việt. Sau này, tôi cũng từng gặp Casey trong chuyến viếng thăm TP Đà Nẵng của tàu sân bay Mỹ USS Carl Vinson. Casey là người luôn không giấu được cảm xúc, khi đến thăm Trung tâm nạn nhân chất độc da cam của TP Đà Nẵng.

Quân nhân Mỹ làm tình nguyện đã gây ra sự chú ý. Tại góc trường tiểu học, một người lính xây một ô vuông bên ban công để học sinh trồng hoa. Hàng gạch chỉ 10 viên xếp dọc, nhưng người lính này có vẻ lúng túng vì hồ liên tục đổ xuống đất, mép hàng gạch hơi giống răng khểnh. Cho đến khi bị một vết xước chảy máu trên bắp tay, anh chàng này mới gọi một người chuyên xây dựng đến nhờ xây hộ. Một binh sĩ cho biết, việc xây dựng gặp khó khăn, vì đây không phải công việc mà chúng tôi thường làm ở Hawaii.

Việc đóng kèo gỗ, dựng nhà tạm, bắt ốc vít cột thì được các quân nhân Mỹ thực hiện thành thạo hơn việc xây dựng. Tôi nhớ lại, buổi gặp gỡ đầu tiên của các quân nhân Mỹ tại Quảng Ngãi. Trong số đông người đến dự, có nhiều nụ cười, vài nét mặt băn khoăn, có người còn đăm đăm với nỗi niềm gì đó trong sâu kín. Và những viên gạch xây dựng này giống như hành trình bình thường hóa quan hệ của một dân tộc. Những viên gạch đầu tiên chưa thẳng, cần có thời gian để nhìn thấy nhau ở sự chân thành.

Hoạt động tình nguyện của đoàn Không lực Hoa Kỳ tại Quảng Ngãi vào năm 2015 bao gồm: 55 hải quân, lính thủy đánh bộ, không quân của quân đội Mỹ phối hợp với 16 nhân viên quân sự Việt Nam, các bác sĩ của không lực Singapore, Thái Lan, Campuchia, thành viên Tổ chức Đông Tây Hội Ngộ. Hai năm sau, đoàn tiếp tục có mặt ở địa phương lân cận là tỉnh Quảng Nam, do viên Trung tá người Mỹ gốc Việt Trịnh Gia Vinh chỉ huy. Còn chỉ huy đoàn hoạt động tại Quảng Ngãi thì do Trung tá Yoshimoto, phụ nữ gốc Nhật. Bà có vóc dáng nhỏ nhắn như người Việt Nam. Hình ảnh vui mắt nhất là cảnh bà lên sân khấu để nhận chiếc Bằng khen của UBND tỉnh Quảng Ngãi về thành tích hoạt động tại địa phương.

Sau vài ngày thi công dưới nắng gắt, căn phòng để xe cho học sinh Trường Tiểu học Bình Thanh Đông được hoàn thành ngay sát lũy tre làng rậm rạp. Kết cấu gỗ để làm mái của ngôi trường này khá đẹp, bao gồm mái chữ A và mái bằng nối nhau. Hai quân nhân Mỹ là Hochstein, Dame tranh thủ chụp tấm ảnh lá cờ đỏ sao vàng trước ngày tổ chức bàn giao. Một trung úy trên ngực đeo đầy huân chương của không lực Hoa Kỳ cũng tranh thủ chụp ảnh chiếc áo có hình lá cờ Việt Nam với các bạn sinh viên. Trung sĩ Lizarraga trả lời phỏng vấn báo chí và cho biết, sẽ không bao giờ quên được chuyến đi đầy kỷ niệm ở đất nước Việt Nam.

Trong phim “Bí mật cuộc chiến” của đạo diễn Darniel Costelle đầy âm thanh của súng đạn. Nhưng nếu có dịp bấm máy những thước phim mới, chắc ông sẽ ngạc nhiên và dành nhiều lời bình về việc lính Mỹ quay trở lại Việt Nam, đi dưới lũy tre làng, vì sao họ tìm mua mũ tai bèo, mũ cối để làm kỷ vật khi quay về nước?

MỚI - NÓNG