Đại sứ - Trưởng Phái đoàn EU tại Việt Nam, Bruno Angelet:

Tương lai của EU rất xán lạn

Đại sứ - Trưởng Phái đoàn EU tại Việt Nam, ông Bruno Angelet, trong cuộc trả lời phỏng vấn báo Tiền Phong. Ảnh : Như Ý.
Đại sứ - Trưởng Phái đoàn EU tại Việt Nam, ông Bruno Angelet, trong cuộc trả lời phỏng vấn báo Tiền Phong. Ảnh : Như Ý.
TPO - Trò chuyện phóng viên Tiền Phong về những khó khăn và thách thức mà Liên minh châu Âu (EU) đã và đang phải đối mặt, Đại sứ - Trưởng Phái đoàn EU tại Việt Nam, ông Bruno Angelet tin tưởng rằng, “dù hiện tại còn nhiều khó khăn, song tương lai của EU sẽ rất xán lạn!

- Thưa ông, châu Âu đã trải qua một năm khó khăn với Brexit (Anh rời EU) và khủng bố. Điều này cho thế giới thấy một châu Âu bất ổn và chia rẽ. Và gần đây nhất là bầu cử tổng thống Mỹ, khi ông Trump trở thành tổng thống thì người ta lo ngại bóng dáng của chủ nghĩa dân tuý, dân tộc, bảo hộ có nguy cơ quay trở lại. Hơn nữa năm 2017 sẽ có bầu cử tại các nước trụ cột EU như Đức và Pháp, và đang có sự quan ngại về chủ nghĩa dân tuý sẽ ảnh hưởng tới các cuộc bầu cử này. Dường như các diễn biến nêu trên đang thách thức những giá trị mà châu Âu hằng theo đuổi trong suốt hơn nửa thế kỷ vừa qua. Ông nghĩ sao về điều này? 

Tôi nghĩ khi chúng ta nhìn vào EU và thảo luận về các vấn đề chính trị lớn, chúng ta phải nhìn vào bức tranh tổng thể, về lịch sử và địa chính trị của châu Âu, không chỉ về những điều "ở đây và ngay lúc này". Việc nhất thể hoá châu Âu giống như mực nước ở đại dương, có lúc triều cường, lúc triều thấp, những lúc nhanh chóng đạt thoả thuận và những lúc có bất đồng làm chậm lại quá trình nhất thể hoá. Nhưng ít khi có những quyết định rút lại hay làm lại những gì đã được thoả thuận.

Hãy xem lại những sự kiện quan trọng 20 hay 30 năm trước.  Những điều người ta nói về châu Âu trong những năm 80, họ gọi là Eurosclarosis (châu Âu bị xơ cứng), những năm 90 thì là Fortress Europe (Pháo dài châu Âu), đóng cửa biên giới, hướng nội. Cách đây 10 năm người ta nói kinh tế châu Âu trì trệ. Đã có lúc chúng tôi gặp những khó khăn lớn lao dẫn đến bất đồng về phương hướng tương lai. Và thường thì kết quả là có những dự án tiếp theo để cải thiện cách quản trị giữa các nước và thể chế. 

Lịch sử châu Âu trong vòng 2000 năm qua luôn là như vậy, lúc thăng lúc trầm. Chẳng có gì là mới đối với lịch sử châu Âu cả. Thực tế mới bây giờ là sự thay đổi sâu sắc và nhanh chóng của bối cảnh thế giới, và châu Âu không được chuẩn bị để đương đầu với chúng. 

Ví dụ như với thoả thuận Schengen, thoả thuận này ra đời vào những năm 80 với 5 thành viên (biên giới mở, không cần thị thực) với cùng cấp độ phát triển là Bỉ, Hà Lan, Luxemburg, Pháp, Đức. Sau đó vào những năm 90 thỏa thuận này được mở rộng sang gần như tất cả các nước EU. Sau đó nó được hợp nhất vào EU, chỉ trừ có Vương quốc Anh, Ireland vì họ không muốn. Với việc mở rộng mạnh mẽ năm 2004 của EU, thoả thuận bao gồm 25 nước nước (trừ Bulgaria và Rumania) với mức độ phát triển khác nhau, và kết quả là khu vực Schengen có biên giới mới hoàn toàn khác biệt. Lúc đó, biên giới của chúng tôi ổn định và an toàn. 

Nhưng 5 năm trở lại đây, môi trường xung quanh châu Âu trong đó có Địa Trung Hải và Trung Đông có nhiều khủng hoảng lớn tác động mạnh lên làn sóng di cư. Chúng tôi chưa được trang bị để đối phó với nó nên không kiểm soát được. Người dân châu Âu giờ đây lo lắng và thấy bất an. Tại sao lại vậy? Chúng tôi đã làm điều đó cách đây 20 năm và đã làm được. Nhưng môi trường đã thay đổi, EU mở rộng và có nhiều khủng hoảng lớn. Người dân lo lắng và lãnh đạo ứng phó bằng cách thiết kế các biện pháp mới để tăng cường kiểm soát bên ngoài. Đối với di cư thì bằng cách trước tiên là đầu  tư  thêm nhiều vào việc bảo vệ biên giới chung trong chương trình có tên là Frontex. Thứ hai là chúng tôi ký  thoả thuận với Thổ Nhĩ Kỳ để quản lý người di cư tốt hơn. Đó là để giảm số người di cư. 

Nhưng chúng tôi vẫn muốn giúp đỡ những người tỵ nạn. Vấn đề là chúng tôi phải phân biệt giữa người di cư và người tị nạn và bảo vệ họ. Chúng tôi đã có nhiều hoạt động để giúp người dân tại các vùng bất ổn, như cử phái bộ quân sự SOPHIA tới Lybia. 

Khủng hoảng lớn nữa là tài chính. Vào năm 2007 trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tài chính, nhiều người cho rằng đồng Euro sẽ bị sụp đổ. Nhưng bây giờ đã là 2016 và như chúng ta thấy, đồng tiền chung này vẫn được duy trì và Ngân hàng Trung ương châu Âu đã làm một việc tuyệt vời để giữ ổn định đồng Euro.  2008-2009 có 5 nước thành viên EU gặp khủng hoảng tài chính đó là Ireland, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Ý và Hy Lạp. Hiện giờ 4 nước đã ra vượt qua khủng hoảng. Hy Lạp đang đối diện với nhiều khó khăn lớn để đảm bảo ngân sách công lành mạnh và bền vững. Song tôi tin vấn đề này sẽ được giải quyết, Hy Lạp sẽ có tăng trưởng và việc làm trở lại.

Việc đàm phán cho quá trình rời Liên minh của Vương quốc Anh đúng là một việc khó khăn. 27 quốc gia thành viên của EU hiện rất gắn kết và biết rõ về một thực tế là sẽ không có thực đơn chọn món (A la cart) cho một nước thành viên đã quyết định ra đi. Nếu các bạn Anh Quốc của chúng tôi muốn vẫn là thành viên của thị trường chung thì họ phải chấp nhận và tuân thủ các nguyên tắc của  tự do lưu chuyển về hàng hoá, con người, dịch vụ và vốn. Về phương diện chính sách đối ngoại, có vẻ như chúng tôi chia rẽ, nhưng phải nhìn vào bức tranh tổng thể và lịch sử của châu Âu. 

Chúng tôi đoàn kết trong nhiều nguyên tắc then chốt như đã được thông qua trong Chiến lược Toàn cầu mới về đối ngoại của EU, trong đó nhấn mạnh về sự tự chủ chiến lược, về các chính sách ngoại giao và an ninh. Về phòng vệ thì vào tháng 12 năm 2016, các lãnh đạo của chúng tôi đã thông qua một chương trình trọn gói mới để tăng cường hợp tác trong phòng vệ và đầu tư vào thiết bị quân sự. Cách đây 5 năm chúng tôi chưa được trang bị nhưng bây giờ chúng tôi đang nỗ lực để chuẩn bị tốt hơn cho tương lai. Cũng có ý kiến khác nhau về sự tồn tại của các cơ quan/thể chế chung của EU, nhưng nhìn chung lãnh đạo và người dân châu Âu muốn cải thiện và duy trì các thể chế này.

- Báo chí châu Âu cho rằng, chính phủ Vương quốc Anh không thể kích hoạt Điều 50 vào tháng 3 năm 2017 và cần rất nhiều thời gian để nước này đàm phán rời EU. Một số còn nhận định chuyện này sẽ không xảy ra. Ông nghĩ thế nào về điều này?

Quan điểm, mục tiêu và phương thức cho việc này đã được dự tính, tuy nhiên chúng tôi tôn trọng quyết định của chính phủ Vương quốc Anh. Quá trình có thể sẽ gặp khó khăn nhưng ban lãnh đạo của Vương quốc Anh đã nói rằng Brexit là Brexit (Đã quyết ra đi là ra đi). Còn có xảy ra hay không và theo cách nào thì vẫn còn phải được các đối tác của chúng tôi từ Vương quốc Anh làm rõ hơn. 

Về mặt lịch sử, EU đã thường xuyên trải nghiệm những vấn đề phức tạp và chưa từng có trong tiền lệ, nhưng chúng tôi đã vượt qua và trở nên mạnh mẽ hơn. Tôi chỉ muốn nói với bạn rằng tôi tin rằng, mặc dù hiện tại còn nhiều khó khăn, song tương lai của EU sẽ rất xán lạn !

Xin cảm ơn ông!

MỚI - NÓNG
Chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh chỉ đạo giải quyết kiến nghị về sổ đỏ của 500 hộ dân Sóc Sơn
Chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh chỉ đạo giải quyết kiến nghị về sổ đỏ của 500 hộ dân Sóc Sơn
TPO - Về việc 500 hộ gia đình có nhu cầu cấp chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng nhiều năm chưa thể thực hiện do vướng điều chỉnh quy hoạch Sân bay Nội Bài, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh yêu cầu các cơ quan liên quan rà soát lại các quy định, sớm giải quyết theo hướng đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân.