Tương lai nào cho Libya?

Những bông hoa mùa xuân Ảrập chết người. Tranh: Kleine Zeitung (Áo)
Những bông hoa mùa xuân Ảrập chết người. Tranh: Kleine Zeitung (Áo)
TP - Cho đến thời điểm này, có thể khẳng định 100% ông Gadhafi đã chết, nhưng tương lai tươi sáng của Libya lại chưa có mấy phần trăm chắc chắn.

> Có thể mai táng Gaddafi trên biển giống bin Laden

Những bông hoa mùa xuân Ảrập chết người. Tranh: Kleine Zeitung (Áo)
Những bông hoa mùa xuân Ảrập chết người. Tranh: Kleine Zeitung (Áo).
 

Mặc dù trước tin về cái chết của ông Gadhafi, Tổng thống Mỹ Barack Obama, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và lãnh đạo nhiều quốc gia phương Tây tuyên bố, một trang sử mới “hòa giải, thống nhất và tự do” đã mở ra đối với quốc gia vùng Bắc Phi, nhưng những nguy cơ hỗn loạn không vì thế mà bớt đi.

Việc loại bỏ một nhà lãnh đạo được cho là “độc tài” không phải phương thuốc có thể chữa mọi chứng bệnh của xã hội Libya. Tất nhiên, có thể vẫn xuất hiện những thay đổi theo hướng mở rộng dân chủ, ổn định, nhưng thực tế lịch sử không ít lần chứng minh điều ngược lại.

Năm 1991, Mohammed Siad Barre, người cầm quyền với phong cách bàn tay sắt ở Somalia trong 22 năm, bị hạ bệ. Ông này chết sau đó 4 năm, khi đang lưu vong ở Kenya. Cái chết của ông Barre không khiến tình hình Somalia khá hơn, vì trớ trêu là sự ra đi đó đã tạo ra một khoảng trống quyền lực ở nước này, kéo dài cho đến tận bây giờ. Đó là tiền đề của các cuộc nội chiến dai dẳng giữa những bộ lạc, khiến Somalia chìm trong binh đao, loạn lạc.

Và đã có nhiều người lo ngại về một Somalia thứ hai xuất hiện tại Bắc Phi vì tình hình hiện nay có vẻ đang lặp lại những gì từng diễn ra ở Somalia. Libya chỉ bắt đầu tồn tại như một quốc gia thống nhất, hiện đại từ năm 1951. Nhưng những chia rẽ giữa các bộ lạc vẫn tồn tại, sự chống đối chính quyền Gadhafi vẫn diễn ra âm ỉ. Khi chính quyền của ngài đại tá nổi tiếng sụp đổ, chắc chắn nguy cơ chia rẽ là thứ đang dần lộ diện.

Các thành viên của Hội đồng chuyển tiếp quốc gia (NTC) từng nói rằng, cuộc chiến chống ông Gadhafi lẽ ra đã có thể thắng lợi từ lâu nếu Libya có thể xúc tiến nhiệm vụ được cho là rất khó khăn: xây dựng các bộ luật mới với tiêu chí mở rộng dân chủ.

Khi ông Gaddafi chết, các lãnh đạo mới của Libya dường như không còn kẻ thù chung để gắn kết, chung lưng đấu cật, để có thể cùng giải quyết các vấn đề trong xã hội Libya. Vài câu hỏi hóc búa mà không ít quan sát viên trên thế giới đã đặt ra về Libya:

Với những chiến binh cầm tiểu liên Kalashnikov hay súng phóng lựu lăn xả chiến đấu với quân đội của ông Gadhafi, chính quyền mới sẽ “sắp xếp” vị trí gì cho họ? Sau khi tiếng súng tạm tắt, ai sẽ là người được quyền kiểm soát các giếng dầu ở Libya, trong khi chưa thực sự xuất hiện những gương mặt, phe cánh đủ mạnh để thống nhất quyền lực ở quốc gia Bắc Phi?

Cũng phải thừa nhận một điều, trong 42 năm cầm quyền, bàn tay sắt của Đại tá Gadhafi đã kiểm soát khá tốt những “ngòi nổ chiến tranh” từ các lực lượng bộ lạc. Chính vì vậy, khi ông Gaddafi không còn, khi Libya đang chia rẽ, không ai dám chắc trong thời gian tới, “hòa giải, thống nhất và tự do” sẽ đến với quốc gia Bắc Phi.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG