Tương lai nào cho Syria sau đòn không kích của liên quân Mỹ, Anh,Pháp?

Tương lai nào cho Syria sau đòn không kích của liên quân Mỹ, Anh,Pháp?
TPO - Sau cuộc không kích chớp nhoáng của liên quân Mỹ-Anh-Pháp vào Syria, phần lớn dư luận đều có chung nhận định, cục diện chiến trường Syria thời gian tới có ổn định hay không, điều đó phụ thuộc rất lớn vào cách hành xử của Tổng thống Syria Bashar al-Assad và mức độ can dự của Mỹ và các đồng minh.

Nhìn nhận một cách khách quan thấy rằng, cuộc không kích của liên quân Mỹ-Anh-Pháp chủ yếu nhằm vào các mục tiêu bị tình nghi tàng trữ vũ khí hóa học. Hơn nữa, bản chất của cuộc tấn công do Mỹ phát động không nhằm loại bỏ chế độ Assad, không tìm cách xoay chuyển chiều hướng cuộc chiến về cơ bản đã được định hình.

Vì vậy, sau cuộc không kích cục diện Syria vẫn tiếp tục là sự tranh giành, giành giật quyền lực, địa bàn và ảnh hưởng trên các khu vực khác nhau của Syria giữa 4 thế lực chủ yếu gồm: hoạt động củng cố lực lượng của chế độ Assad với sự hậu thuẫn đắc lực và Nga và lực lượng thân Iran; lực lượng dân quân người Kurd do Mỹ hậu thuẫn; lực lượng phe nổi dậy do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn và lực lượng Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng còn sót lại.

Về cơ bản cán cân quyền lực giữa Nga và lực lượng quân chính phủ Syria với Mỹ và lực lượng phe đối lập do Mỹ hậu thuẫn không có sự thay đổi nhiều so với trước cuộc tấn công.

Các chuyên gia về Trung Đông cho rằng, cục diện Syria thời gian tới có ổn định hay không, điều đó phụ thuộc rất lớn vào cách hành xử của Tổng thống Assad và mức độ can dự của Mỹ và các đồng minh.

Nếu Tổng thống Syria Bashar al-Assad tiếp tục lựa chọn biện pháp mạnh để chiếm thêm các vùng lãnh thổ, cuộc chiến Syria sẽ tiếp tục chìm vào chiến tranh. Nếu ông Assad quyết định sử dụng vũ khí hóa học một lần nữa theo như cách diễn giải của Mỹ-Anh-Pháp, thì chắc chắn chính quyền Damascus sẽ phải hứng chịu những đòn đánh chí mạnh của Mỹ và liên quân.

Và ngược lại, nếu chính quyền Tổng thống Assad dừng lại các cuộc tấn công, và chứng minh được rằng họ thực sự không sử dụng vũ khí hóa học, thì cục diện sẽ ổn định hơn, các đợt giết chóc sẽ giảm tốc trong những tháng tới.

Như vậy, về mặt chiến thuật, cuộc không kích chớp nhoáng của liên quân Mỹ-Anh-Pháp không làm thay đổi cán cân quyền lực đã cơ bản được định hình tại chiến trường Syria.

Tuy nhiên, xét về mặt chiến lược, cuộc không kích này có thể làm thay đổi mọi thứ, đặc biệt là sự nhận thức của cộng đồng quốc tế, cũng như lòng tin mà Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn xác lập trước các đồng minh và dư luận quốc tế.

Không phải ngẫu nhiên mà Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong một bài phát biểu trước Nghị viện châu Âu (EP) hôm 17/4 đã khẳng định chắc nịch rằng, đòn tấn công chớp nhoáng của liên quân Mỹ-Anh-Pháp nhằm vào Syria không có nhiều tác dụng, ngoài việc phá hủy tiềm lực vũ khí hóa học, nhưng nó bảo vệ được danh dự của cộng đồng quốc tế.

Và đây chính là cái mà liên quân Mỹ-Anh-Pháp muốn đạt được trong cuộc không kích chớp nhoáng này.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đón mưa vừa mưa to ngắn ngày
Hà Nội đón mưa vừa mưa to ngắn ngày
TPO - Diễn biến khí tượng từ 19/3, không khí lạnh đã ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực Đông Bắc Bộ và Hà Nội. Trong 24 đến 48 giờ tới, các chuyên gia khí tượng nhận định khu vực Thủ đô tiếp tục có nền nhiệt giảm, trời rét, kèm theo đó cục bộ có mưa vừa đến mưa to.