Tuyên bố của Trung Quốc chưa có tiền lệ và vô căn cứ

Tuyên bố của Trung Quốc chưa có tiền lệ và vô căn cứ
TP - Có mặt tại hội thảo ngày 28-6, thượng nghị sỹ Mỹ Joseph Lieberman bày tỏ lo ngại trước những hành động gây hấn của Trung Quốc tại biển Đông.

> Thượng nghị sĩ Mỹ: Các lô dầu khí là của Việt Nam

Thượng nghị sỹ Joseph Lieberman
Thượng nghị sỹ Joseph Lieberman.

Hội thảo hai ngày về chủ đề biển Đông do Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và quốc tế (CSIS) tổ chức tại Washington D.C (Mỹ).

Thượng nghị sỹ Lieberman cho biết vài năm trước, không nhiều người ở Washington D.C quan tâm tới tình hình ở biển Đông, nhưng nay đã hoàn toàn khác.

Theo thượng nghị sỹ Lieberman, khi Trung Quốc theo đuổi chính sách gây hấn ở biển Đông trong khi thiếu một cơ sở luật pháp quốc tế rõ ràng, nước này đã tạo ra sự bất tín và khiến Trung Quốc ngày càng bị cô lập trong khu vực và trên thế giới.

“Tôi quan ngại trước những hành vi của Trung Quốc ở biển Đông. Tôi tin rằng Trung Quốc đang đẩy khu vực vào hướng đi sai lầm và phát đi một thông điệp rất đáng thất vọng về hình ảnh một siêu cường Trung Quốc trong tương lai sẽ như thế nào, cách mà Trung Quốc sẽ ứng xử với các nước láng giềng (khi Trung Quốc đã thực sự trở thành cường quốc) sẽ ra sao.

Những tuyên bố chủ quyền quá đáng tất nhiên tạo ra bầu không khí lo ngại và khiến các nước liên quan, như gần đây nhất là Việt Nam và Philippines, phải củng cố những tuyên bố chủ quyền của họ.

Hãy xem tin tức từ truyền thông Việt Nam và Trung Quốc trong những ngày gần đây. Có thể thấy rõ sự thiếu minh bạch, ví dụ đường 9 đoạn mà Trung Quốc tuyên bố, vẫn chưa được cải thiện”, ông nói.

Thượng nghị sỹ Lieberman cũng cho rằng, những nguyên tắc căn bản trong việc giải quyết tranh chấp phải được tất cả các bên công nhận. Bởi một số tuyên bố chủ quyền có dấu hiệu chồng lấn, các cuộc đàm phán song phương không thể giải quyết được những khác biệt.

Ông cho rằng, chỉ làm việc trên cơ sở đa phương và nên có trung gian, trọng tài độc lập thì tranh chấp ở biển Đông mới có thể được giải quyết toàn diện và công bằng.

Trước đề nghị của phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam bình luận về tuyên bố mời thầu 9 lô dầu khí mà phía Trung Quốc đưa ra mới đây, thượng nghị sỹ Lieberman cho rằng đây là một tuyên bố “chưa có tiền lệ” và “vô căn cứ” bởi theo luật pháp quốc tế, vị trí mà Trung Quốc mời thầu là vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

“Đây là hành động khá khiêu khích, để “trả đũa” việc tuần trước đó Việt Nam khẳng định chủ quyền bằng việc thông qua luật biển”, ông Lieberman nói. “Và việc này cần phải được chấm dứt”.

Thượng nghị sỹ Joseph Lieberman
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Kurt Campbell

Trước đó, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương Kurt Campbell cũng đến dự hội thảo và có bài phát biểu.

Mở đầu, ông Campbell tái khẳng định cam kết của chính phủ Mỹ trong việc hợp tác với các nước ở khu vực Đông Nam Á, không chỉ về quân sự và chính trị mà còn trong kinh tế, thương mại… Ông cũng nhấn mạnh chính phủ Mỹ phản đối việc sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực trong các tranh chấp lãnh thổ.

Mọi vấn đề phải được giải quyết trên cơ sở luật pháp quốc tế. Đồng thời, Mỹ coi tự do hàng hải là lợi ích rất quan trọng của Mỹ và cộng đồng quốc tế.

Xuân Thủy
Tổng hợp và lược dịch từ tài liệu của CSIS

Trung Quốc vi phạm Công ước LHQ về Luật biển

Trao đổi với Tiền Phong ngày 29 - 6, giáo sư khoa học chính trị Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ) Taylor Fravel (ảnh), nhấn mạnh việc Tổng Công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) mời thầu thăm dò và khai thác 9 lô trên biển Đông là vi phạm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) vì nó hoàn toàn không nằm trong Vùng đặc quyền kinh tế mà Trung Quốc có thể khẳng định chủ quyền.

Chuyên gia về Trung Quốc, GS Taylor Fravel
Chuyên gia về Trung Quốc, GS Taylor Fravel.

Ông Fravel khẳng định các lô mời thầu nằm trong Vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

GS Fravel dự báo sẽ khó có chuyện các công ty nước ngoài hợp tác với CNOOC và động thái trên mang nhiều tính “biểu tượng” hơn là thực tế.

Chuyên gia hàng đầu về các vấn đề Trung Quốc dự báo Bắc Kinh có thể sẽ không gia tăng các hoạt động tại các lô được mời thầu trên biển Đông.

Tuy nhiên, ông Fravel cho rằng việc Trung Quốc mời thầu tại 9 lô trên biển Đông sẽ làm gia tăng căng thẳng trong khu vực, gây rắc rối cho nỗ lực của các quốc gia muốn khẳng định chủ quyền.

Theo GS Fravel, động thái trên không chỉ thể hiện rõ ý đồ của Trung Quốc là muốn làm suy yếu những khẳng định chủ quyền của phía Việt Nam, mà còn nhằm thách thức các hoạt động bình thường của Việt Nam tại vùng biển này.

Về cách ứng xử của Việt Nam, GS Fravel cho rằng cần đi theo con đường ngoại giao và tranh thủ sự ủng hộ của ASEAN, cộng đồng quốc tế, nhất là các nước có ảnh hưởng như Nga, Ấn Độ và Mỹ.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG