Tuyển hậu, chọn phi và những đám cưới ly kỳ

Tuyển hậu, chọn phi và những đám cưới ly kỳ
TPCT - Nếu tuyển Hoàng hậu từ dân gian, quy trình được tiến hành cực kỳ chặt chẽ qua rất nhiều vòng tuyển loại với sự tham gia của các thái giám, nữ quan, cung nữ và cuối cùng là Thái hậu hoặc chính nhà vua.

Còn đối với nhà vua, nếu còn trẻ người non dạ thì sẽ được các cung nữ mang thân mình ra huấn luyện các kỹ thuật chăn gối trước khi kết hôn.

Tuyển hậu, chọn phi và những đám cưới ly kỳ ảnh 1
Vợ chồng Phổ Nghi

Theo truyền thống  Trung Quốc, nghi lễ  hôn nhân phải qua “lục lễ” (6 nghi lễ), bao gồm “nạp thái, vấn danh, nạp cát, nạp chinh, cáo kỳ, nghinh thân”. Quy định này bắt đầu từ thời nhà Chu và duy trì mãi đến gần đây.

Các đám cưới kiểu truyền thống thế này thường rất tốn kém. Lễ cưới của các hoàng đế thì càng xa hoa, lãng phí khủng khiếp.

Đám cưới của vua Minh Thần Tôn Chu Dực Quân, chỉ riêng trang phục đã tiêu tốn hơn 9 triệu lạng bạc; đám cưới của vua Thanh Đồng Trị Tải Thuần tốn hơn 20 triệu lạng…

“Đại hôn” cực kỳ tốn kém

Ở Trung Quốc xưa, Hoàng đế cưới vợ, gọi là “Đại hôn”. Đồng thời với Đại hôn là dùng kim sách, kim bảo để lập Hoàng hậu. Cùng lúc với lập hậu là tuyển từ 1 đến 4 phi. Nhưng không phải vị Hoàng đế nào cũng có Đại hôn như thế. Nếu lấy vợ trước khi lên ngôi thì sau khi ngồi vào ngai vàng chỉ làm lễ lập hậu chứ không cưới lại.

Kết hôn phải tính tuổi cả nam lẫn nữ, đối với Hoàng đế cũng vậy. Năm Vạn Lịch thứ 5, Hoàng thái hậu Lý Thị đã chọn được người sẽ làm vợ con trai bà là Minh Thần Tôn Chu Dực Quân. Quan Khâm thiên giám tính đi tính lại chỉ thấy có mỗi tháng 12 là “nghi gá thủ” (thuận lợi cho việc cưới xin).

Nhưng quan Đại học sỹ Trương Cư Chính lại bẩm báo: Sang năm Vua mới tròn 16 tuổi, nếu cưới vào tháng Chạp thì là “tảo hôn” và không đúng lễ. Nhưng nếu đợi đến tháng Chạp sang năm thì vua không chịu được, vậy biết làm sao đây?

Thái hậu suy nghĩ rồi tìm cách “trung dung”, quyết định tổ chức lễ kết hôn cho Thần Tôn vào tháng Hai sang năm. Đám cưới của Thần Tôn Chu Dực Quân cực kỳ xa xỉ: chỉ riêng trang phục đã tiêu hết 9 triệu lạng bạc, Thái hậu chi hết 24 triệu lạng cho việc sắm sửa vàng ngọc.

Tuyển hậu, chọn phi và những đám cưới ly kỳ ảnh 2
Phổ Nghi năm 17 tuổi

Quy trình chọn hoàng hậu, cung phi

Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương đặt ra quy định cho con cháu “Hoàng hậu xuất tự dân gian” - tức Hoàng hậu phải chọn người trong dân.

Trong thực tế thực thì quy định vốn “thân dân” này đã biến thành “nhiễu dân”. Quan lại các nơi phụng chỉ, nhất loạt thu gom con gái trăm họ tuổi từ 13 đến 16 mang về kinh thành, gây nên bao cảnh người cười kẻ khóc khắp nơi…

Hàng ngàn thiếu nữ trẻ đẹp dồn về kinh thành quả là vườn hoa muôn sắc. Trong số họ, nhiều người chưa kịp nhìn thấy Tử Cấm Thành thì đã bị thải hồi ngay từ vòng sơ tuyển.

Số còn lại, cứ trăm người thành một toán theo ngày sinh từ cao xuống thấp, xếp hàng vào cung để “tinh tuyển”. Các Thái giám lựa hết những người quá cao, quá thấp, quá gày, quá béo ra đưa về quê cũ. Số còn lại tiếp tục biên thành các tổ theo độ tuổi để vào tiếp vòng “nhất thẩm”.

Các thái giám xem xét kỹ từng cô gái. Họ ngắm nghía dung nhan, lắng nghe giọng nói, xem cẩn thận từ tóc, tai, trán, mi, mày, mũi, miệng, cằm, gò má, vai, lưng, đùi vế, cánh tay… chỉ cần một chỗ nào không ưng là “thải hàng” ngay.

Đến vòng “nhị thẩm”, các thái giám cầm thước đo kỹ chân, tay, eo, hông, ngực, bắt các thí sinh đi lại. Chỉ cần một số đo không đạt chuẩn, các bộ phận không cân xứng, phong thái, dáng đi không sang là bị loại thẳng thừng.

Vòng “tam thẩm” thì có các nữ quan và cung nữ già phụ trách. Các cô gái bị đưa vào phòng kín, cởi bỏ hết trang phục. Các nữ quan và cung nữ già sờ nắn ngực, xem chỗ kín, ngửi mùi hương, xoa nắn da... Các cô đạt yêu cầu sẽ được đưa vào cung nuôi dạy trong một tháng.

Trong quá trình họ tập làm quen với quy định trong cung, học lễ nghi, các nữ quan phụ trách sẽ xem xét những điểm hay điều dở về tri thức, tính cách tác phong từng người. Dĩ nhiên những cô nào khi ngủ nghiến răng, đánh “trung tiện”, nói mê, ngáy…đều bị loại ngay. Nếu không sau này “kinh giá” đâu phải chuyện chơi.

Sau bao vòng tinh tuyển, số còn lại không quá vài chục cô.

Đến vòng “chung thẩm”, Thái hậu tự mình lựa, cũng có khi Vua cũng đích thân đến chọn. Họ đặt danh sách trước mặt, gọi từng cô một vào. Các thí sinh đứng chứ không quỳ, trả lời một số câu hỏi về tên tuổi, gia cảnh, học vấn…

Các “giám khảo” vừa nghe vừa ngắm nghía, chọn ra một Hậu cùng một hoặc mấy Phi. Số còn lại thì ban cho các thân vương, quận vương, hoàng tử, hoàng tôn, hoặc giữ lại cung làm nữ quan, cung nữ…

Trước khi làm lễ Đại hôn, nhà vua được dạy dỗ cẩn thận về chuyện phòng the thông qua các bức tranh “Xuân cung”, các mô hình và cả bằng người thật, việc thật.

Theo sách “Vạn Lịch dã hoạch thiên” thì đời Minh trong Tử Cấm Thành có các pho tượng “Hoan hỉ phật” là mô hình để dạy chuyện phòng the cho các hoàng thái tử và tiểu hoàng đế. Đó là các tượng từng cặp trai gái đang giao hoan, trên thân tượng có lắp máy móc để khi nhấn nút tượng sẽ làm các động tác giao hoan. Ở đây có các “giáo viên” giảng giải, hướng dẫn cho các “học trò” hiểu cặn kẽ mọi vấn đề …

Sang đời Thanh thì chuyện giáo dục phòng sự cho các thái tử được mở rộng hơn với việc chọn ra các cung nữ xinh đẹp nhưng tuổi đã cứng làm “tư môn”, “tư trướng”, “tư tẩm” cho các thái tử, giúp họ làm cố vấn, tham mưu, thực tập chuyện chăn gối để tích luỹ kinh nghiệm.

Chưa lấy vợ đã có con

Trong lịch sử Trung Quốc cổ đại, đàn ông trong cung lấy vợ phần lớn trong độ tuổi từ 13 đến 17. Nhưng hầu hết các hoàng đế, thái tử trước khi kết hôn đều đã “lâm hạnh” với phụ nữ, có kinh nghiệm phòng the phong phú, thậm chí có con trước khi có vợ.

Ông vua Tấn Huệ Đế Tư Mã Trung kết hôn từ năm 13 tuổi, khi còn đang là Thái tử. Trước khi Tư Mã Trung lấy vợ, vua cha là Tấn Vũ Đế Tư Mã Viêm phái một nàng tài nhân ở hậu cung là Tạ Mai đến Đông cung “dùng thân mình dạy dỗ”, để Thái tử hiểu biết chuyện chăn gối thần diệu.

Trước khi rời khỏi Đông cung thì Tạ Mai đã mang thai rồi sau sinh hạ một bé trai. Mấy năm sau, khi Thái tử Tư Mã Trung thấy một đứa trẻ quanh quẩn trong cung của Tấn Vũ Đế lấy làm lạ mới hỏi thì Vũ Đế mới bảo đó chính là con trai của Thái tử, Trung rất lấy làm lạ.

Một trường hợp khác là Nguỵ Văn Thành đế thời Bắc Nguỵ kết hôn năm 17 tuổi, nhưng đã “lâm hạnh” đàn bà khi mới 13 tuổi và 14 tuổi đã làm cha.

Vậy các Hoàng đế, tiểu hoàng đế trước khi kết hôn được phép quan hệ tình ái với những ai?

Xét lịch sử các đời đều không thấy có quy định cụ thể và cũng không thể quy định được, nó hoàn toàn phụ thuộc vào hứng thú của cá nhân các hoàng đế.

Đối với những thanh niên ít tuổi ấy, chuyện phòng the khiến họ căng thẳng, họ được dẫn dắt chứ không bị cấm kỵ. Trạng thái đó rất dễ dẫn đến xung động tình dục khi bị kích thích và rất dễ phát sinh giao hoan với những phụ nữ ở xung quanh.

Thái tử ở Đông cung, khi đã làm lễ mang mũ là đã được coi là thành niên. Ở Đông cung thì Thái tử không bị bất cứ sự hạn chế hay trói buộc gì, có thể thoải mái làm những gì mình muốn, có thể trêu ghẹo hay chung đụng với bất cứ thị nữ nào anh ta thích.

Tuy nhiên nói chung, người phụ nữ đầu tiên mà Thái tử hay tiểu hoàng đế lâm hạnh thường là cung nữ, có khi chính là nhũ mẫu của anh ta. Cung nữ hay nhũ mẫu cũng đều là nô tỳ, không có danh phận gì. Cung nữ nếu sau khi được lâm hạnh được Thái tử sủng ái thì sẽ có danh phận và được đổi đời.

Còn nếu là nhũ mẫu thì vẫn không hy vọng được thay đổi danh phận. Hoàng gia không bao giờ chấp nhận người đã nuôi Hoàng đế bằng dòng sữa của mình nay lại trở thành phi tần của ngài, càng không thể trở thành Hoàng hậu - mẫu nghi thiên hạ được.

Tuyển hậu, chọn phi và những đám cưới ly kỳ ảnh 3
Hoàng hậu Uyển Dung

Đám cưới xa hoa của “Vị hoàng đế cuối cùng”

Phổ Nghi – Hoàng đế cuối cùng trong lịch sử Trung Quốc, nhưng đám cưới của Phổ Nghi lại diễn ra 11 năm sau khi ông đã bị buộc phải thoái vị.

Đám cưới này diễn ra ngày 1/12/1922 và Uyển Dung trở thành bà Hoàng hậu cuối cùng được nghênh đón trong lịch sử. Khi đó, tuy đã buộc phải thoái vị nhưng Phổ Nghi (tôn hiệu là Tuyên Thống hoàng đế) vẫn được mặc long bào, được văn võ bá quan rước đến cung Càn Thanh rồi ra ngoài cung bằng cổng Địa An Môn để đón Uyển Dung hoàng hậu, bắt đầu một nghi lễ kết hôn cực kỳ xa hoa tráng lệ như đã được tái hiện trong phim “Vị hoàng đế cuối cùng” của đạo diễn Italia Bectuloci.

Theo báo “Quốc Cường” hồi đó viết thì đám cưới tốn hết 1 triệu Nguyên, tương đương 1 triệu lạng bạc, còn theo Hồi ký của Uyển Dung thì hết 40 vạn lạng.

Đám cưới này là sự phô trương lần cuối chút uy danh hão còn sót của nhà Mãn Thanh. Đoàn rước dâu đông tới 3.000 người xuất phát trong đêm qua Đông An Môn tiến về phía Bắc, vòng vèo qua Bắc Trì, vào Tam Toạ Môn ở Tây Bắc rồi lại ra bằng cổng Địa An Môn, trên suốt quãng đường dài đều trải lụa vàng, hắt nước thơm, hàng vạn người đổ ra ven đường chiêm ngưỡng cảnh tượng tưởng chừng đã không bao giờ còn thấy nữa.

Khi đoàn đón dâu đến nhà cô dâu thì đã thấy cha, anh và em trai Hoàng hậu tương lai quỳ trước cửa để tiếp thánh chỉ, thánh tiết. Kiệu Phượng được khiêng vào trước sân, đặt theo hướng Đông Nam như đã tính từ trước: Hoàng hậu lên xuống kiệu nhất thiết phải đúng hướng lành Đông Nam.

Sau khi các Phúc tấn, nữ quan mặc long phụng bào cho cô dâu, viên chánh Thiên sứ tuyên đọc thánh chỉ, cô dâu quỳ mọp dưới đất tiếp chỉ, sau đó phải làm một loạt nghi lễ rất phức tạp… Tiếp theo, cô tiếp nhận Kim sách và Kim ấn. Trước khi cô dâu lên kiệu, các nữ quan đốt hương để xông khắp trong ngoài cho thơm, xông cả khăn choàng đầu cô dâu…

Đúng 4 giờ, giờ ấn định để cô dâu xuống kiệu. Theo tục lệ người Mãn, trước khi cô dâu xuống kiệu, chú rể phải giương cung bắn 3 mũi tên ngang trên đầu với ý nghĩa xua đuổi tà ma để được bình an. Đối với Hoàng đế thì việc này còn có một ý nghĩa khác: Hoàng hậu tuy tôn quý, nhưng cũng chỉ là nô tài của vua, việc bắn tên hàm ý Hoàng hậu cũng bị vua trừng phạt.

Lúc đầu Phổ Nghi rất hứng thú cầm lấy cung tên định bắn, nhưng bị nữ quan Khương Uyển Trinh ngăn lại. Bà thấy Phổ Nghi vốn cận thị nặng, nhưng trong lễ cưới lại không đeo kính, nhỡ bắn tên trúng phải Hoàng hậu thì rắc rối. Nghe lời khuyên thấy có lý nên Phổ Nghi buông cung tên, không bắn nữa.

Cũng theo tục lệ, khi Hoàng hậu xuống kiệu thì Thục phi Văn Tú (cô gái con nhà bình dân 14 tuổi được Phổ Nghi cưới vào cung trước đó nhưng không được phong Hoàng hậu vì xuất thân hèn kém) phải đích thân dẫn đầu tất cả nữ quan, cung nữ  quỳ và đi bằng gối nghênh đón để bày tỏ tôn ti trật tự giữa Hậu và Phi tần, nhưng Phổ Nghi thấy tục bắn tên bỏ được thì tục quỳ gối ông cũng ra lệnh bãi bỏ luôn.

Trước khi được Khương Uyển Trinh đưa vào cung Càn Ninh để động phòng hoa chúc, Hoàng hậu còn phải bước qua một chậu than đỏ với mong ước cuộc sống sau này sẽ nồng cháy như lửa; lại bước qua yên ngựa và đĩa táo với hàm ý mong  mọi chuyện bình an.

Sau các thủ tục này, Hoàng hậu được đưa đến trước mặt Phổ Nghi. Ông ta dùng cán cân hất nhẹ tấm khăn choàng khỏi đầu nàng, và thế là lần đầu tiên vua được nhìn thấy dung nhan của hoàng hậu…

Từ lúc này, Uyển Dung bắt đầu cuộc sống sau hôn nhân. Theo phong tục người Mãn, vua và hậu còn phải làm một loạt thủ tục động phòng: hai người ngồi lên giường quay mặt vào nhau, cùng ăn bánh “tử tôn”, uống rượu giao bôi trong khi nhạc tấu vang lừng. Tiếp đó hai người ăn chung món “mì trường thọ”. Các nữ quan buông rèm trướng cho “long phượng hỉ sàng” xong liền cáo lui…

Lẽ ra, chuyện gì đến sau đó thì mọi người đều đoán ra… thế nhưng Phổ Nghi thì lại khác. Đợi mọi người lui hết, ông ta bỏ mặc Uyển Dung nằm trên giường, lặng lẽ về phòng riêng và… ngủ khì.

Tin Hoàng đế bỏ mặc Hoàng hậu nằm một mình trên hỉ sàng trốn đi nhanh chóng lan truyền. Rất nhiều lời đồn đoán khác nhau quanh chuyện này nhưng không có sự giải thích nào là thấu đáo.

Bốn mươi năm sau, trong Hồi ký của mình, Phổ Nghi viết: “Uyển Dung bị bỏ lại cô đơn một mình trên giường cưới nghĩ những gì? Văn Tú -  cô gái chưa đầy 14 tuổi nghĩ gì khi bị đối xử như thế? Tôi chưa bao giờ nghĩ đến điều đó”. Chỉ thế thôi, ông ta vẫn không chịu giải thích nguyên nhân của hành vi kỳ quặc của mình.

Trong cả đời mình, Phổ Nghi đã 5 lần kết hôn nhưng không có con cái. Điều đó đã dấy lên những đồn đoán Phổ Nghi là ông vua mắc chứng đồng tính ái.

MỚI - NÓNG