Tỷ phú lên vũ trụ viết blog

Tỷ phú lên vũ trụ viết blog
TP - Tỷ phú người Mỹ, ông Charles Simonyi, từng là nhà thiết kế phần mềm lừng danh của hãng Microsoft vừa thực hiện chuyến du lịch vũ trụ lần thứ hai.
Tỷ phú lên vũ trụ viết blog ảnh 1
Charles Simonyi và phi hành đoàn "hạ cánh an toàn" trong chuyến du hành đầu (năm 2007)

Để có được chuyến "du ngoạn" không trung này, ông đã phải bỏ ra 35 triệu USD, khoản tiền không hề nhỏ trong thời khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Đọc văn học Hungary từ vũ trụ

Charles Simonyi (tên khai sinh là Simonyi Károly), sinh năm 1948 tại Budapest, là con trai của Simonyi Károly (1916-2001), nhà vật lý lớn của nước Hung, tác giả cuốn "Lịch sử Vật lý" lừng danh được coi là "Thánh Kinh" về lịch sử vật lý. Thân phụ ông còn là người thày của nhiều thế hệ du học sinh và nghiên cứu sinh Việt Nam tại Hungary.

Năm 1966, khi mới 18 tuổi, Charles Simonyi di cư sang Đan Mạch; hai năm sau, ông sang Mỹ, tiếp tục theo học Toán và Tin học tại Đại học Berkeley, rồi lấy bằng tiến sĩ tại Đại học Stanford.

Bắt đầu nghiên cứu Tin học tại hãng Xerox PARC, Somonyi là người phát triển chương trình soạn thảo văn bản đầu tiên mang tên Bravo (cho loại máy điện toán cá nhân Alto), cho phép người sử dụng có thể kiểm tra "diện mạo" của văn bản trước khi in.

Năm 1981, ông gia nhập tập đoàn Microsoft và tại đó, ông đứng đầu nhóm lập trình và thiết kế các chương trình Word và Excel. Những năm tháng mà Simonyi làm việc tại Microsoft cũng đồng thời là giai đoạn hoàng kim nhất của hãng, trong sự phát triển đó, có phần đóng góp không nhỏ của Simonyi trên cương vị "tổng công trình sư" của hãng.

Là một tỉ phú và một nhà khoa học, nhưng Simonyi có sự quan tâm đặc biệt đến nghệ thuật và giáo dục, ông đã bỏ nhiều khoản tiền lớn để hỗ trợ các chương trình khoa học, nghệ thuật. Năm 2004, ông thành lập Quỹ Nghệ thuật và Khoa học mang tên mình với số vốn 50 triệu USD.

Tuy sống ở nước ngoài hơn 40 năm và cũng đã mang quốc tịch Mỹ từ nhiều năm nay, nhưng Charles Simonyi vẫn coi mình là người Hung, ông có mối quan hệ mật thiết với quê hương nơi ông chào đời.

Điều cảm động đối với các đồng hương Hungary là trong buổi thử nghiệm MaSat-1, từ Trạm Quỹ đạo Quốc tế (ISS), Simonyi đột ngột cho hay, ông muốn đọc một trích đoạn trong "Tấn thảm kịch con người" (Az ember tragédiája, 1862) của kịch tác gia Madách Imre (1823-1864).

Tác phẩm lớn này của nền văn học cổ điển Hungary có đoạn mà Simonyi rất tâm đắc: "Thử hỏi mục đích của con người là gì? Mục đích, là chấm dứt chiến tranh; mục đích, là giành giật giữa sự sống và cái chết; và mục đích là chiến thắng bản thân...".

Bill Gates cũng từng muốn bắt chước

Ngay chuyến phi hành vũ trụ đầu tiên kéo dài 13 ngày vào năm 2007 cũng đã khiến Charles Simonyi phải móc hầu bao 25 triệu USD. Thực ra, Simonyi có thể làm điều đó một cách dễ dàng nếu chúng ta biết rằng nhà khoa học này, thời ấy, được tờ tạp chí "Forbes" liệt vào Top 400 người Mỹ giàu có nhất (thứ hạng 374) với gia sản hơn 1 tỉ USD.

Đối với Simonyi, những chuyến "ngao du" trên khoảng không đầy kỳ bí không phải là một thói chơi ngông của kẻ lắm tiền. Từ nhỏ, Simonyi đã khao khát tìm hiểu và mơ ước có ngày được vào vũ trụ.

Năm 1963, ông giành chiến thắng trong cuộc thi dành cho các "du hành gia trẻ tuổi" với sự tham dự của giới thiếu niên của nước XHCN, và phần thưởng ông được nhận là một chuyến đi Moscow, gặp gỡ các nhà du hành vũ trụ đầu tiên của Liên bang Xô-viết, thời đó được cả thế giới tôn vinh như những anh hùng.

Và, trong hai chuyến phi hành, ngoài sự háo hức của con người được lên không trung, Simonyi đã tận dụng từng giây phút để thực hiện nhiều công trình nghiên cứu đa dạng, phục vụ các mục đích y học, sinh học và kỹ thuật điện tử.

Ngoài ra, đúng với sở trường của mình, ông còn xem xét hệ thống máy tính trên tàu vũ trụ, tìm cách để nó hoạt động hiệu quả hơn, cũng như, còn tranh thủ chụp ảnh vũ trụ, viết nhật ký điện tử (blog) và trò chuyện với giới trẻ...

Du lịch vũ trụ là một "dịch vụ" khá chạy trong thời gian gần đây, với giá 20-35 triệu USD cho một tour 7-12 ngày trên Trạm Quỹ đạo Quốc tế. Tuy nhiên, có thể trong một thời gian dài, Charles Simonyi sẽ là người cuối cùng tận dụng được khả năng này: trong tương lai, các du hành gia "tài tử" sẽ khó có điều kiện lên vũ trụ vì con số các nhà du hành vũ trụ làm việc tại trạm vũ trụ sẽ được tăng từ 3 lên 6 người.

Những chuyến lên vũ trụ "như đi chợ" của ông từng khiến tỉ phú Bill Gates, có thời là "sếp" của ông tại tập đoàn Microsoft, cũng "nổi hứng bất tử" và tỏ ý muốn theo bước người cựu cộng sự của mình.

Tuy nhiên, đối với Simonyi, ông có lẽ đã bằng lòng với hai chuyến đi này và không có kế hoạch cho chuyến thứ ba, nhất là vì ông mới kết hôn và "phải dành thời gian cho gia đình mình", như lời chia sẻ trước lúc lên đường cách đây mươi ngày... 

Trần Lê
Theo báo chí Hungary

MỚI - NÓNG