Úc chuyển trọng tâm sang châu Á

Úc chuyển trọng tâm sang châu Á
TP - Ngày 28-10, Thủ tướng Úc Julia Gillard công bố chiến lược ngoại giao trọng điểm nhằm cải thiện quan hệ với nhiều nước châu Á.

> Nữ Thủ tướng Úc ngã nhào vì giày cao gót

Thủ tướng Gillard cho biết, bà muốn thay đổi trọng tâm từ những nước châu Âu già cỗi sang các nước láng giềng, đặc biệt là Trung Quốc và Ấn Độ. Kế hoạch này được cụ thể hoá trong sách trắng của chính phủ Úc dày 312 trang mang tên Úc trong thế kỷ châu Á.

Sách trắng vạch ra 25 mục tiêu quốc gia cho tới năm 2025. Nghiên cứu về châu Á sẽ trở thành lĩnh vực chính trong chương trình giáo dục; mọi sinh viên đều có cơ hội học ngôn ngữ châu Á, như tiếng Trung Quốc, tiếng Hindi, Indonesia hoặc Nhật Bản; ngày càng nhiều doanh nhân hiểu biết về châu Á... là một số mục tiêu được đề ra trong chiến lược nêu trên.

Nhóm 200 cơ quan chính phủ và doanh nghiệp hàng đầu của Úc phải nâng cao phông văn hóa châu Á, với 1/3 số thành viên phải có kinh nghiệm cũng như kiến thức sâu sắc về châu lục này vào năm 2025.

Khi châu Á đang ở giai đoạn trở thành nơi tập trung phần lớn tầng lớp trung lưu của thế giới trong 20 năm tới, thì đây là thời điểm lịch sử để nắm lấy cơ hội, bà Gillard phát biểu ngày 28-10 trong buổi công bố sách trắng tại Viện Lowy Sydney.

“Châu Á đang gây kinh ngạc cả về quy mô và tốc độ vươn lên, mà trong đó người Úc có nhiều cơ hội và thách thức đáng kể. Chỉ dựa vào vận may thì không đủ, tương lai của chúng ta sẽ được định đoạt bởi những lựa chọn và cách chúng ta hoà nhập với khu vực mà chúng ta đang sống”, bà nói.

Tầng lớp trung lưu châu Á được dự báo vượt con số 2,5 tỷ người vào năm 2030 và chiếm khoảng 60% lượng tiêu thụ của tầng lớp trung lưu toàn cầu.

Theo Bộ trưởng Ngân khố Úc Wayne Swan, cuối thập kỷ này, châu Á sẽ trở thành khu vực lớn nhất thế giới về sản xuất và tiêu dùng, vượt cả sản lượng kinh tế châu Âu và Bắc Mỹ cộng lại. Dự báo, tài sản cá nhân trung bình ở châu Á tăng gấp đôi vào năm 2025.

Thủ tướng Gillard nhấn mạnh vẫn duy trì những mối quan hệ chiến lược với Mỹ, nhưng bài phát biểu của bà chính thức xác nhận xu hướng xích lại châu Á trong 3 thập kỷ qua, với Trung Quốc trở thành đối tác thương mại hàng đầu của Úc, vượt cả Nhật Bản, Mỹ và Hàn Quốc.

Những thủ tướng Úc tiền nhiệm như Bob Hawke, Paul Keating… xây dựng mối quan hệ đầu tiên với châu Á, nhưng chính sách mới đưa ra sẽ giúp mối liên kết này trở nên sâu sắc và được tổ chức tốt hơn.

Với tư cách thành viên của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Úc nằm trong 11 quốc gia đang đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương nhằm tự do hoá thương mại trong khu vực.

Trên lĩnh vực an ninh, Úc tuyên bố trong sách trắng rằng sẽ không chấp nhận các chính sách nhằm kiềm chế sự phát triển quân sự của Trung Quốc.

Thay vào đó, Úc có thể cân bằng các mối quan hệ quân sự với Mỹ, trong khi vẫn ủng hộ nền quân sự đang ngày càng mạnh của Trung Quốc.

Gia Tùng
Theo ABC News, BBC, AAP

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.