Úc kêu gọi điều tra nguồn gốc COVID-19: Pháp, Anh nói chưa phải lúc

Thủ tướng Úc Scott Morrison
Thủ tướng Úc Scott Morrison
TPO - Úc đang tìm kiếm ủng hộ quốc tế cho đề xuất mở cuộc điều tra quốc tế để làm sáng tỏ nguồn gốc đại dịch COVID-19, như lời kêu gọi của Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhiều cường quốc. Nhưng Pháp và Anh nói giờ là lúc chiến đấu với virus chứ không phải tìm ra người phải chịu trách nhiệm. 

Đề xuất của Úc về việc thực hiện một đánh giá độc lập đối với nguồn gốc và sự lây lan của dịch bệnh, bao gồm cả cách phản ứng của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), vấp phải chỉ trích mạnh mẽ từ Trung Quốc. Bắc Kinh cho rằng các nghị sĩ Úc đang làm theo hướng dẫn của Mỹ. 

Thủ tướng Úc Scott Morrison vừa viết trên Twitter rằng ông đã có “cuộc bàn bạc rất xây dựng” với ông Trump về phản ứng của hai nước đối với dịch bệnh cũng như sự cần thiết phải mở cửa và duy trì nền kinh tế. 

“Chúng tôi cũng nói về WHO & làm việc cùng nhau để cải thiện sự minh bạch & hiệu quả của phản ứng quốc tế đối với đại dịch”, ông Morrion nói. 

Nhà Trắng chỉ trích quyết liệt Trung Quốc và WHO, cùng với quyết định ngừng đóng góp cho cơ quan thuộc Liên Hợp quốc này. 

Ông Morrison cũng đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron về vai trò của WHO, văn phòng thủ tướng Úc cho biết.

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhiều lần nói rằng cơ quan này sẽ đánh giá về cách xử lý đại dịch sau khi nó qua đi và rút ra bài học phù hợp. 

Tại cuộc điện đàm, ông Macron nói với ông Morrison rằng giờ chưa phải lúc để điều tra, một quan chức Pháp cho biết.

“Ông Macron nói ông ấy đồng ý rằng đã xảy ra một số vấn đề ngay từ đầu, nhưng vấn đề cấp bách hiện nay là sự gắn kết, và giờ không có thời gian để nói về điều đó. Ông ấy cũng tái khẳng định cần minh bạch cho tất cả các bên, không chỉ WHO”, quan chức của điện Elysee nói với Reuters.

Một phát ngôn viên của Thủ tướng Anh Boris Johnson nói rằng sẽ có lúc Anh nhìn lại những bài học rút ra từ cuộc khủng hoảng này, nhưng giờ các bộ trưởng phải tập trung chống dịch bệnh. 

Chính phủ Anh đang bị Công đảng đối lập chỉ trích là phản ứng chậm, thất bại trong việc tiến hành xét nghiệm quy mô rộng và cung cấp đồ bảo hộ cho những người phải làm việc ở tuyến đầu. 

Tại Berlin, chính phủ Đức xác nhận bà Merkel đã nói chuyện với ông Morrison ngày 21/4. Thứ 6 tuần trước, phát ngôn viên của Thủ tướng Đức khẳng định: “Virus corona xuất hiện đầu tiên ở Trung Quốc. Trung Quốc đã hứng chịu nhiều thiệt hại vì virus và đã làm nhiều để ngăn virus lây lan”. 

Virus corona mới được cho là xuất hiện đầu tiên tại một khu chợ ở Vũ Hán. Trung Quốc báo cáo lần đầu tiên về sự xuất hiện của mầm bệnh này với WHO vào ngày 31/12.

WHO thông báo cho các quốc gia thành viên về dịch bệnh mới vào ngày 5/1 và 1 tuần sau cảnh báo có sự lây lan “hạn chế” từ người sang người. Các quan chức WHO đến Vũ Hán vào ngày 20/1, sau khi virus đã lan sang 3 quốc gia. Đến ngày 30/1, WHO ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu. 

Đến nay, virus đã gây bệnh cho khoảng 2,3 triệu người trên toàn cầu và giết chết gần 160.000 người. 

Úc đang tính đến khả năng đề xuất trao thêm quyền cho WHO, tương tự như các thanh sát viên hạt nhân quốc tế, có thể vào một quốc gia để điều tra dịch bệnh mà không cần chờ chính phủ nước đó đồng ý, một nguồn tin chính phủ nói với Reuters. 

Một số nghị sĩ Úc cũng nghi ngờ tính minh bạch của Trung Quốc trong đại dịch.

Đại sứ quán Trung Quốc nói trong tuyên bố đưa ra cuối ngày 21/4 rằng các nghị sĩ Úc đang hành xử như “cái loa” của ông Trump. 

“Những ngày này, một số chính trị gia Úc thích nhắc lại những gì người Mỹ nói và đơn giản là làm theo họ để thực hiện những cuộc tấn công chính trị nhằm vào Trung Quốc”, tuyên bố của Đại sứ quán Trung Quốc viết.

Theo Theo Reuters
MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.