Úc tiếp tục tuần tra biển Đông

Australia để ngỏ khả năng cùng Mỹ tuần tra gần các đảo Trung Quốc xây dựng trái phép ở Biển Đông. Ảnh: EPA.
Australia để ngỏ khả năng cùng Mỹ tuần tra gần các đảo Trung Quốc xây dựng trái phép ở Biển Đông. Ảnh: EPA.
TP - Úc sẽ không thoái lui trước sức ép của Trung Quốc về việc phải dừng các chuyến bay tuần tra trên các đảo nhân tạo Bắc Kinh xây trái phép ở biển Đông, Reuters ngày 17/12 dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Úc Marise Payne.

Bộ trưởng Payne nói: “Việc tuần tra của chúng tôi luôn được thực hiện theo tinh thần góp phần tích cực vào sự ổn định của khu vực”. Trước đó, Bộ Quốc phòng Úc cho biết, máy bay trinh sát săn ngầm AP-3C Orion của nước này bay tuần tra ở biển Đông như một hoạt động thường lệ từ ngày 25/11 đến 4/12. Ngoài biển Đông, Úc còn tuần tra ở Bắc Ấn Độ Dương cả trên không và trên biển cùng với sự tham gia của các nước thành viên ASEAN.

Khi được hỏi về phản ứng của Bắc Kinh đối với việc tuần tra của máy bay Úc ở biển Đông, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói: “Không có vấn đề gì với việc tuần tra và tự do lưu thông ở biển Đông”, Financial Review đưa tin. Trong khi đó, tờ báo dân tộc chủ nghĩa Global Times của Trung Quốc đăng bài xã luận lớn tiếng đe dọa rằng, quân đội nước này sẽ trả đũa bằng cách bắn hạ máy bay Úc nếu Úc tiếp tục tuần tra trên biển Đông.

Trong một động thái khác, Trung Quốc đã triệu Đại biện lâm thời Mỹ ở Bắc Kinh Kaye Lee để phản ứng việc Washington thông qua hợp đồng bán vũ khí trị giá 1,8 tỷ USD cho Đài Loan. Reuters đưa tin, hai nhà thầu quốc phòng Mỹ Raytheon RTN.N và Lockheed Martin là những công ty chính được chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama cấp phép bán vũ khí trong hợp đồng cho Đài Loan hôm 16/12. Số vũ khí, khí tài bao gồm hai tàu khu trục, tên lửa chống tăng, xe bọc thép đổ bộ… 

Quyết định cấp phép bán vũ khí cho Đài Loan được thực hiện sau một năm Quốc hội Mỹ thông qua luật cho phép vụ mua bán này. Đây là lần đầu tiên sau 4 năm, Mỹ bán lượng vũ khí lớn như vậy cho Đài Loan. Nhà Trắng tuyên bố, hợp đồng bán vũ khí này diễn ra theo đúng Đạo luật Quan hệ Đài Loan. “Chính sách lâu đời của chúng tôi về vũ khí bán cho Đài Loan đã tồn tại qua 6 đời chính quyền Mỹ khác nhau”, người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Myles Caggins nói và khẳng định Mỹ vẫn giữ đúng cam kết về chính sách “một Trung Quốc” của Bắc Kinh.

Thương vụ mua bán vũ khí với Đài Loan diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc về vấn đề biển Đông. Washington chỉ trích Bắc Kinh về động thái xây dựng trái phép đảo nhân tạo ở biển Đông và có những yêu sách chủ quyền phi lý, ngang ngược ở khu vực. 

Người phát ngôn Bộ ngoại giao Mỹ John Kirby nói rằng, Washington từng bàn bạc để thành lập một mối quan hệ “tốt hơn, minh bạch và hiệu quả hơn” với Trung Quốc và cũng đã có liên hệ với cả đại diện của Trung Quốc đại lục cũng như Đài Loan.

Xinhua dẫn thông tin từ Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, Bắc Kinh sẽ trừng phạt các doanh nghiệp có liên quan trong hợp đồng này. “Đài Loan là một bộ phận lãnh thổ không thể mua bán của Trung Quốc. Trung Quốc phản đối mạnh mẽ vụ bán vũ khí của Mỹ cho Đài Loan”, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Trịnh Trạch Quang nói. Ông Trịnh mô tả việc Mỹ  tuyên bố bán vũ khí cho Đài Loan là đi ngược luật pháp cũng như quy tắc trong quan hệ quốc tế.

Bộ Quốc phòng Trung Quốc nói vụ mua bán sẽ không tránh khỏi ảnh hưởng quan hệ quân sự Mỹ-Trung. Tuy nhiên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby nêu rõ: “Trung Quốc có thể phản ứng điều này nếu họ thấy phù hợp.  Đây không phải là chuyện mới. Không cần vì nó mà có bất kỳ ảnh hưởng nào đến mối quan hệ giữa Mỹ với Trung Quốc”.

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.