Úc phát hình mới về tra tấn tù nhân

Úc phát hình mới về tra tấn tù nhân
Một kênh truyền hình của Úc cho phát những hình ảnh chưa được công bố về các cảnh bị coi là lính Mỹ tra tấn tù nhân tại nhà tù Abu Ghraib năm 2003.
Úc phát hình mới về tra tấn tù nhân ảnh 1
Nhiều hình trên SBS đã được các đài khác chiếu lại

Các hình ảnh chiếu trên kênh SBS TV được tin là lấy từ cùng một nguồn với các bức ảnh đã gây phẫn nộ trên toàn thế giới và dẫn đến việc một số quân nhân Mỹ bị bỏ tù.

SBS cho biết những hình ảnh mới này cho thấy cảnh "giết người, tra tấn và làm nhục về dục tính".

Các hình ảnh này được thu thập cho một vụ xét xử ở Hoa Kỳ và tuy tòa đã phán quyết là chúng có thể được công bố, vụ xét xử này vẫn còn đang tiếp tục.

Thời điểm các hình ảnh này đưa ra đúng lúc đang có căng thẳng giữa cộng đồng Hồi giáo thế giới và phương Tây xung quanh loát tranh biếm họa về Đấng Tiên tri Muhammad.

Hình ảnh gây quan ngại

Một trong các hình video chiếu trong chương trình Dateline của SBS vào hôm thứ Tư cho thấy hình tù nhân bị bắt phải thủ dâm trước máy quay.

Cảnh khác cho thấy một người tù liên tục đập đầu mình vào tường. SBS nói đây là một người bị tâm thần và người này đã trở thành trò tiêu khiển cho các lính gác.

Một số bức ảnh cho thấy các xác người và hình khác thì chiếu các tù nhân bị thương trên đầu và trên thân thể.

Nhiều hình ảnh đã được các đài truyền hình Hoa Kỳ và kênh al-Arabiya bằng tiếng Ả rập chiếu lại.

Trên một số hình cũng có các lính Mỹ đã bị buộc tội ngược đãi tù nhân, như Lynndie England và Charles Graner, người bị coi là chủ mưu.

Khi các bức hình về ngược đãi tù binh bị lọt ra ngoài vàp tháng 4/2004, trong đó có các hình tù nhân bị bị mặt và treo bằng dây thừng, chúng đã làm dư luận vô cùng giận dữ.

SBS còn nói đã nhận được tin rằng một số tù nhân đã bị giết trong một cuộc nổi loạn tại nhà tù khi lính Mỹ vì hết đạn giả đã dùng đạn thật để trấn áp.

Trường hợp đơn lẻ

Một phát ngôn viên cho Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ nói với BBC rằng những sự việc xảy ra thật là kinh thảm và "có hại cho hình ảnh của nước Mỹ. Tuy nhiên chúng không phải là đặc trưng cho quá trình thẩm vấn hay hỏi cung chính thức mà chỉ là các trường hợp đơn lẻ, không được phép".

Ông này cũng nói trong 12 cuộc điều tra kể từ khi vụ bê bối Abu Ghraib vỡ lở không có cuộc nào cho thấy Bộ Quốc phòng Mỹ khuyến khích hay ra lệnh ngược đãi tù nhân cả.

Các nhà phân tích nói phản ứng của người Hồi giáo có thể phụ thuộc vào phạm vi phổ biến các hình ảnh ngược đãi này.

Tại Iraq thì việc hình ảnh đưa ra lại trùng hợp với những căng thẳng xung quanh cuốn video ghi hình lính Anh đánh đập dân thường Iraq.

Theo BBC

MỚI - NÓNG