Ukraine đối mặt nguy cơ chia cắt

Hơn 20.000 người Ukraine tụ tập ở thành phố Sevastopol hôm 23/2 hát bài hát và vẫy cờ Nga để ủng hộ quan hệ gần gũi hơn với Nga. Ảnh: Guardian
Hơn 20.000 người Ukraine tụ tập ở thành phố Sevastopol hôm 23/2 hát bài hát và vẫy cờ Nga để ủng hộ quan hệ gần gũi hơn với Nga. Ảnh: Guardian
TP - Tổng thống tạm quyền của Ukraine vừa hoãn thành lập chính phủ lâm thời, cho thấy tình hình chính trị căng thẳng, kinh tế khó khăn, sau khi ông Viktor Yanukovych bị phế truất. Tổng thống lâm thời cũng cảnh báo đất nước có nguy cơ bị chia cắt.

Phát biểu trước Quốc hội, Tổng thống tạm quyền Oleksandr Turchynov nói sẽ gặp lãnh đạo các cơ quan thực thi pháp luật để bàn về nguy cơ phân ly đang “đe dọa nghiêm trọng” ở những khu vực có phần đông dân số là người dân tộc Nga.

Ông Turchynov thông báo việc thành lập chính phủ thống nhất bị trì hoãn đến 27/2 để thảo luận kỹ hơn.

Lo lắng Ukraine bị chia cắt được Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cảnh báo hôm 25/2.

Ông Lavrov nói rằng, Ukraine không nên bị ép phải lựa chọn nghiêng về Nga hay phương Tây. “Thật nguy hiểm và phản tác dụng khi cố buộc Ukraine phải lựa chọn theo nguyên tắc hoặc theo hoặc chống lại chúng tôi”, ông Lavrov nói.

Ngoại trưởng Nga nhấn mạnh việc “cho phép những phần tử cực đoan và chủ nghĩa dân tộc rõ ràng đang chiếm vũ đài trung tâm để thắng thế” là đi ngược lại lợi ích của Nga.

Tại một cuộc họp báo ở Mátxcơva hôm 25/2, ông Lavrov cảnh báo các nước khác không nên tìm kiếm “những lợi ích đơn phương” ở Ukraine, đồng thời nói rằng, Nga sẽ vẫn duy trì “chính sách không can thiệp”.

Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev hôm đầu tuần nói rằng, những kẻ đứng sau chính quyền mới của Ukraine đã thực hiện một cuộc “nổi loạn có vũ trang”. Trong khi Nga nghi ngờ tính hợp hiến của chính phủ tạm quyền, phát ngôn viên Ủy ban châu Âu Olivier Bailly vẫn gọi ông Turchynov là “tổng thống lâm thời”.

Nhiều người dân ở các khu vực nói tiếng Nga của Ukraine phản đối việc lật đổ ông Yanukovych để lập nên chính quyền lâm thời thân châu Âu hơn. Ở Crimea và một số vùng thân Nga ở miền đông đang chứng kiến nhiều cuộc biểu tình chống lại việc lật đổ ông Yanukovych.

Những người biểu tình ủng hộ Nga vẫn tụ tập trước tòa nhà của chính quyền thành phố gần cảng Sevastopol và hô vang khẩu hiệu “Nga! Nga!”.

Những người biểu tình thay thế lá cờ Ukraine gần tòa nhà hội trường thành phố bằng lá cờ Nga. Người đứng đầu chính quyền thành phố Sevastopol đã từ chức vì tình hình biểu tình, và một thị trưởng thân Nga, ông Aleksei Chaliy, vừa được đưa lên thay thế.

Nhiều người lo ngại Sevastopol nói riêng và vùng Crimea nói chung có thể tận dụng khoảng trống quyền lực hiện nay để giành quyền tự trị lớn hơn và tăng cường quan hệ mật thiết với Nga.

Theo các nhà phân tích, quan điểm của Tổng thống Nga Vladimir Putin về tình hình bất ổn ở Ukraine sẽ đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với tương lai của Crimea và Ukraine.

Các nhà lãnh đạo phương Tây, trong đó có Tổng thống Pháp Francois Hollande và Thủ tướng Đức Angela Merkel, vừa gửi lời kêu gọi bằng văn bản đến Tổng thống Nga để thúc đẩy quá trình chuyển đổi hòa bình ở Ukraine.

Ông Putin hôm 25/2 triệu tập các quan chức an ninh tối cao để bàn tình hình Ukraine, nhưng điện Kremlin không tiết lộ thông tin về cuộc họp này, AP đưa tin.

Bên bờ vực phá sản

Quan chức phụ trách ngoại giao Liên minh châu Âu Catherine Ashton vẫn đang ở Kiev và thúc giục chính phủ mới đề ra chương trình cải cách để phương Tây xem xét hỗ trợ tài chính cho nền kinh tế sắp phá sản của Ukraine.

Ngoại trưởng Anh William Hague gặp Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tại Washington để thảo luận biện pháp cứu trợ tài chính khẩn cấp cho Kiev. Ông Hague cảnh báo Ukraine đang đối mặt nguy cơ sụp đổ kinh tế ngay tức thì, nếu không được cộng đồng quốc tế hỗ trợ.

Mỹ trước đó thông báo sẵn sàng hỗ trợ tài chính để Ukraine vay thêm tiền từ Quỹ Tiền tệ quốc tế, trong khi khoản cho vay như đã hứa từ Nga ngày càng xa vời.

Trong khi đó, ủy ban bầu cử đã chính thức mở chiến dịch bầu cử tổng thống, dự kiến diễn ra vào ngày 25/5. Cựu Thủ tướng vừa được thả khỏi tù Yulia Tymoshenko tuyên bố không muốn trở thành thủ tướng nữa. Phát ngôn viên của bà Tymoshenko nói rằng, bà vẫn chưa quyết định có chạy đua vào vị trí tổng thống hay không.

Yêu cầu đưa ông Yanukovych ra tòa quốc tế

Ngày 25/2, Quốc hội Ukraine thông qua nghị quyết yêu cầu đưa Tổng thống bị phế truất Viktor Yanukovych ra xét xử tại Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) về “các tội ác nghiêm trọng”.

Ông Yanukovych bị cáo buộc ra lệnh cảnh sát trấn áp người biểu tình, khiến hơn 100 người thiệt mạng. Quốc hội Ukraine cũng yêu cầu đưa cựu Bộ trưởng Nội vụ Vitaly Zakharchenko và cựu Trưởng công tố Viktor Pshonka ra xét xử tại ICC.

Theo Theo BBC, Telegraph, Guardian
MỚI - NÓNG