Ukraine: Giải tán biểu tình, hơn 300 người thương vong

Một người biểu tình Ukraine chặn đường cảnh sát. Ảnh: NY Daily News
Một người biểu tình Ukraine chặn đường cảnh sát. Ảnh: NY Daily News
TP - Cảnh sát chống bạo động cùng xe bọc thép phá bỏ các rào chắn, ném lựu đạn gây choáng và dùng vòi rồng để giải tán đám đông người biểu tình ở trung tâm thủ đô Kiev hôm 18/2.

Tổng thống Ukraine đổ lỗi cho các thủ lĩnh đối lập đã gây ra đợt bùng phát bạo lực tồi tệ nhất nhiều tháng qua, khiến ít nhất 26 người thiệt mạng, gần 300 người bị thương. 

Bạo lực bùng phát khi hàng nghìn người tụ tập quanh tòa nhà Quốc hội Ukraine - nơi các chính trị gia đang bế tắc trước đề xuất sửa đổi hiến pháp nhằm giảm bớt quyền lực của tổng thống (điều mà phe đối lập cho là có thể mở đường thoát khỏi khủng hoảng chính trị đang làm tê liệt đất nước).

Lực lượng an ninh đặt ra hạn chót 18h hôm 18/2 (giờ địa phương) để người biểu tình rời khỏi Quảng trường Độc lập ở Kiev. Sau thời hạn này, cảnh sát phá bỏ khu lán trại của người biểu tình. Người biểu tình chống lại bằng cách đốt lốp xe tạo hàng rào bảo vệ, ném bom xăng…

Bạo lực kéo dài trong nhiều giờ, khiến hàng trăm người thương vong. Chính quyền Kiev thông báo, 9 cảnh sát thiệt mạng, gần 300 người bị thương, trong đó có 35 trường hợp nguy kịch. Bộ Y tế nói rằng, tổng số 26 người thiệt mạng và con số thương vong sẽ còn tăng.

Ukraine: Giải tán biểu tình, hơn 300 người thương vong ảnh 1

Cảnh sát chống bạo động đối mặt bom xăng của người biểu tình. Nguồn: Getty Images

Lần đầu tiên kể từ tháng 12/2013, cảnh sát Kiev giành lại quyền kiểm soát một phần quảng trường. Biểu tình bắt đầu hồi cuối tháng 11 năm ngoái, khi Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych từ chối một thỏa thuận thương mại và hợp tác với Liên minh châu Âu (EU) để đổi lấy quan hệ gần gũi hơn với Nga.

Trước hậu quả của đợt xung đột đẫm máu lần này, người biểu tình cáo buộc những kẻ khiêu khích ủng hộ chính phủ châm ngòi bạo lực, còn chính phủ đổ lỗi cho những kẻ ủng hộ nhóm đối lập Right Sector cực đoan. Có thông tin bạo lực cũng nổ ra ở một số nơi khác, như các thành phố Lviv, Ivano-Franivsk và Ternopil ở miền tây Ukraine.

Đấu đá quyền lực

Thủ lĩnh đối lập Vitaly Klitschko và Arseniy Yatsenyuk gặp Tổng thống Yanukovych tối 18/2, nhưng không đạt được thỏa thuận nào. Trong bài phát biểu trên truyền hình sáng 19/2, ông Yanukovych nói rằng, các thủ lĩnh đối lập đã phớt lờ nguyên tắc chính của dân chủ khi đổ xuống đường thay vì giành quyền lực thông qua bầu cử công bằng.

“Họ đã vượt qua ranh giới khi kêu gọi người dân mang vũ khí. Đây là sự vi phạm luật pháp trắng trợn”, ông Yanukovych tuyên bố, và nói thêm rằng những người vi phạm sẽ phải ra tòa.

Tổng thống Ukraine kêu gọi phe đối lập tránh xa những phần tử cực đoan kích động đổ máu mà ngồi xuống đàm phán, vì vẫn chưa muộn để chấm dứt xung đột. Ông Yanukovych nói sẽ không dùng bạo lực để chống người biểu tình nữa mà sẽ thúc đẩy đối thoại để giải quyết khủng hoảng chính trị.

Trong bài phát biểu tại quảng trường, các thủ lĩnh đối lập kêu gọi người biểu tình giữ vững ý chí và kêu gọi thêm nhiều người dân khác đổ về đây. “Đây là hòn đảo tự do và chúng ta sẽ bảo vệ nó”, lãnh đạo đảng Udar Vitaly Klitschko nói.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso nói rằng, ông mong đợi các quốc gia thành viên EU khẩn trương chấp thuận các biện pháp trừng phạt những kẻ gây ra bạo lực.

Nhà Trắng cho biết, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã gọi điện thúc giục ông Yanukovych giảm căng thẳng. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Nga cho rằng, vụ xung đột là do “sự thông đồng giữa các chính trị gia phương Tây và châu Âu”.

Điện Kremlin hôm 17/2 thông báo, Nga sẽ bơm 2 tỷ USD vào nền kinh tế Ukraine để giúp nước láng giềng thoát khỏi tình trạng hiện nay. Trước đó, Nga nói sẽ cứu trợ 15 tỷ USD cho Ukraine, nhưng EU và Mỹ cũng hứa cấp tiền với điều kiện chính phủ mới được thành lập, nên Kremlin tuyên bố sẽ giữ lại gói cứu trợ cho tới khi chính phủ mới được thành lập để xem có chấp nhận được đối với Mátxcơva hay không.

Nhiều nhà phân tích cho rằng, đây không còn là cuộc tranh luận dân chủ về quan hệ giữa Ukraine với Nga và EU mà là sự đấu đá quyền lực một cách bạo lực.

Căng thẳng trở nên dịu hơn hôm đầu tuần này khi người biểu tình thôi chiếm đóng các tòa nhà chính phủ để đổi lấy việc không truy tố những người biểu tình bị bắt. Nhưng bạo lực bùng phát sáng 18/2, khi những người ủng hộ chính phủ ngăn chặn nỗ lực của phe đối lập nhằm sửa đổi hiến pháp.

Theo Theo BBC, RIA-Novosti
MỚI - NÓNG