Ukraine liên minh quân sự với Mỹ và EU: Hậu quả khó lường

Ông Petro Poroshenko
Ông Petro Poroshenko
TP - Không chỉ công khai đề nghị Mỹ viện trợ quân sự trực tiếp cho Ukraine, Tổng thống đắc cử Ukraine Petro Poroshenko còn đang muốn thành lập một liên minh an ninh mới với Mỹ và Liên minh châu Âu (EU).

Theo lời ông, Ukraine cần một hiệp ước an ninh mới với Mỹ, cần sự trợ giúp của Mỹ về kỹ thuật quân sự và tư vấn để củng cố các lực lượng vũ trang của Ukraine. Hơn thế nữa, theo tin của tờ báo Đức Bild, ông Poroshenko còn đề nghị ngay lập tức bắt đầu các cuộc thương lượng nhằm thành lập một liên minh an ninh mới với Mỹ và EU. Ông cho rằng một liên minh như vậy sẽ giúp Ukraine bảo vệ được đất nước về phương diện quân sự. Ông cho biết đã trao đổi về vấn đề này với nhiều nhà lãnh đạo châu Âu, kể cả với Thủ tướng Đức Angela Merkel.

Ukraine đang lâm vào tình trạng hỗn loạn, đang đứng trước nguy cơ mất đi sự toàn vẹn lãnh thổ trong khi quân đội và cảnh sát tỏ ra rệu rã, thiếu hiệu quả. Điều này được thể hiện rõ rệt trong những ngày gần đây, qua các cuộc giao tranh dữ dội giữa quân chính phủ và các lực lượng nổi dậy tại khu vực đông và nam Ukraine. Nếu tình hình này kéo dài, niềm tin của người dân Ukraine đối với chính quyền mới do ông Poroshenko đứng đầu nhất định sẽ bị suy giảm nghiêm trọng. Việc ông Poroshenko kêu gọi Mỹ và EU giúp đỡ về quân sự là có cơ sở. Tuy nhiên, theo nhận định của các nhà phân tích, lời kêu gọi đó rất có thể lại là một sai lầm to lớn của ông Poroshenko với những hậu quả khó lường.

Trước hết, ông Poroshenko được đa số người dân Ukraine bầu làm Tổng thống chủ yếu bởi vì họ hy vọng ông sẽ mau chóng giải quyết được tình hình phức tạp hiện nay mà trước hết là về mặt chính trị và kinh tế. Họ đã quá mệt mỏi nên họ trông chờ ông nhiều nhất là những biện pháp ổn định sản xuất và đời sống. Vậy mà những chủ trương đầu tiên của ông lại là kiên quyết dùng vũ lực trấn áp thẳng tay các khu vực nổi dậy và nhờ nước ngoài trợ giúp về quân sự. Chắc chắn ông sẽ làm nhiều người phải thất vọng.


Thứ hai, tuy phần lớn người dân Ukraine tán thành việc đất nước hướng sang phương Tây nhưng tại Ukraine (cũng như tại nhiều nước thuộc Liên Xô cũ), Mỹ vẫn bị nhìn với con mắt ác cảm đầy nghi ngờ. Bởi vậy, bất kỳ mối quan hệ quân sự nào với Mỹ đều dễ dàng bị không ít người dân Ukraine coi là hành động “phản bội”. Vì thế, lời kêu gọi Mỹ trợ giúp về quân sự chắc chắn sẽ khiến ông Poroshenko bị mất một bộ phận đáng kể những người ủng hộ ông.

Mặt khác, một điều nữa cũng chắc chắn không kém là Nga sẽ có phản ứng “thích đáng”. Lời kêu gọi của ông Poroshenko nhất định sẽ bị Mátxcơva tận dụng. Bởi lẽ, cho tới nay, Nga vẫn chưa vội can thiệp trực tiếp vào tình hình đông – nam Ukraine, coi đó là công việc nội bộ của một nước khác. Trong bối cảnh đó, lời kêu gọi của ông Poroshenko nhất định sẽ tạo cho Mátxcơva lý do triển khai một chiến dịch thông tin rầm rộ nhằm gây áp lực với chính quyền Kiev, khiến Kiev càng lâm vào tình thế khó khăn hơn.

Theo Theo Utro.ru
MỚI - NÓNG