Uống dịch côn trùng mừng lễ tình nhân

Một phụ nữ uống loại cocktail chứa dịch của côn trùng trong một quán bar ở Tokyo hôm 12/2. Ảnh: Getty Images
Một phụ nữ uống loại cocktail chứa dịch của côn trùng trong một quán bar ở Tokyo hôm 12/2. Ảnh: Getty Images
TP - Dịp Valentine năm nay, một quán bar ở Tokyo (Nhật Bản) có thực đơn đặc biệt cho các đôi uyên ương, gồm món tráng miệng và đồ uống làm từ côn trùng. Trong khi đó, các cặp tình nhân ở Pakistan bị cấm chào đón ngày lễ này.

“Chúng giòn như vỏ quả óc chó và khá ngon khi ăn kèm sô-cô-la”, chị Sayumi Makino, 20 tuổi, nhận xét về món côn trùng trong quán Duranbar ở Tokyo. Thực đơn đặc biệt có món cocktail việt quất với bọ nước, sâu trộn caramen với hạnh nhân và hạt điều. Món kem trộn có thành phần là dịch của loài cà cuống. Côn trùng có thể xuất hiện trong ẩm thực của một số nước, nhưng không được sử dụng phổ biến trong ẩm thực Nhật Bản.

Yuta Shinohara, một sinh viên đại học vừa tổ chức đêm tiệc cocktail côn trùng, nói rằng, anh muốn thúc đẩy một nền văn hóa ẩm thực khác biệt. “Tôi yêu côn trùng và tôi nghĩ ăn chúng là điều thực sự thú vị”, Shinohara nói với phóng viên Reuters. Anh cho biết, quán bar này có nguồn cung cấp côn trùng làm thực phẩm ổn định.

Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO) khẳng định, côn trùng là một nguồn cung cấp chất béo, protein, vitamin, chất xơ và khoáng chất phong phú. Chất omega-3 chưa bão hòa và 6 loại axit béo có trong sâu quy tương đương với cá, cao hơn so với thịt bò và thịt lợn, FAO cho biết. Ít nhất 2 tỷ người trên toàn cầu ăn côn trùng và hơn 1.900 loài côn trùng đang được sử dụng làm thực phẩm. FAO cũng cho biết, việc ăn côn trùng đóng vai trò quan trọng trong bảo đảm an ninh lương thực và bảo vệ môi trường.

Pakistan cấm tổ chức Valentine

Một ngày trước lễ tình nhân 14/2, Tòa án tối cao ở thủ đô Islamabad của Pakistan ra phán quyết cấm tổ chức ngày Valentine, sau khi nhận được đơn kiện của một công dân tên là Abdul Waheed, yêu cầu tòa cấm chào đón ngày Valentine vì dịp này không phải truyền thống của Hồi giáo. Theo quyết định của tòa, các hoạt động liên quan ngày Valentine bị cấm tổ chức ở những nơi công cộng và ở cấp chính thức. Tòa cũng cấm báo chí, các phương tiện truyền thông điện tử đưa bất kỳ tin tức nào về việc ăn mừng ngày của lứa đôi. Quyết định của tòa có hiệu lực ngay lập tức nhưng giới quan sát nghi ngờ về tính thực tế của phán quyết.

Năm  ngoái, Tổng thống Pakistan Mamnoon Hussain yêu cầu người dân không tổ chức lễ Valentine, cho rằng ngày này “không liên quan gì đến văn hóa của chúng ta và cần tránh”. Ông cũng thúc giục người dân bảo tồn những giá trị truyền thống và tôn giáo của đất nước. Tuy nhiên, nhiều người dân Pakistan không nghe theo. Trang web đặt đồ ăn trực tuyến SWOT ghi nhận số lượng đặt bữa trưa và bữa tối cao kỷ lục trong hầu hết các thành phố lớn trên cả nước vào ngày 14/2 năm nay. Giá hoa cũng đã tăng nhiều lần vì lượng mua dự kiến tăng vọt, báo Times of India đưa tin.

Valentine là ngày lễ gây tranh cãi ở Pakistan và năm nào cũng có các đối tượng thuộc nhiều nhóm tôn giáo bảo thủ tấn công những người trẻ kỷ niệm ngày này. Nhưng đây là lần đầu tiên tòa án tối cao ra lệnh cấm tổ chức lễ Valentine.

Trong khi Pakistan cấm tổ chức lễ tình nhân, Trung Quốc có tới 3 ngày dành cho đôi lứa: ngày Valentine 14/2 theo phương Tây, lễ Thất tịch (7/7 âm lịch) và hội Hoa đăng (Tết Nguyên tiêu) ngày rằm tháng Giêng.

Chủ nghĩa tiêu thụ

Gần đây, nhiều người Trung Quốc có xu hướng tự tạo ra các ngày lễ và được các doanh nghiệp nhiệt tình ủng hộ. Ngày 20/5 được coi là ngày đẹp cho các cặp uyên ương vì người Trung Quốc phát âm ngày tháng này từa tựa câu “Anh yêu em”. Ngày 11/11 được coi là ngày hội độc thân, dịp để thành viên hội “mồ côi tình yêu” tự chiều chuộng bản thân với đồ ăn ngon, quần áo đẹp, đồ dùng cao cấp, dịch vụ làm đẹp…

Ngày 11/11 năm ngoái, tập đoàn Alibaba của Trung Quốc đạt doanh thu bán hàng trực tuyến gần 17,8 tỷ USD, Forbes đưa tin. Cũng vào ngày hội độc thân mấy năm trước, website thương mại điện tử Taobao của Alibaba thông báo: “Chỉ trong một giờ, chúng tôi bán được 2 triệu chiếc áo ngực, xếp chồng lên nhau thì cao gấp 3 lần đỉnh Everest cao nhất thế giới”.

Ông Wu Bing’an, Chủ tịch danh dự Hội Văn hóa dân gian Trung Quốc, khuyên mọi người không nên đơn thuần coi các ngày lễ là dịp mua sắm, mà phải hiểu được bản chất của lễ hội, thúc đẩy sự phát triển của các giá trị văn hóa, tinh thần, China News đưa tin. Ví dụ, ngày xưa, dịp lễ Thất tịch (ngày Ngưu Lang-Chức Nữ gặp nhau), phụ nữ Trung Quốc cầu trời khấn Phật ban cho họ kỹ năng dệt vải, may vá và trí tuệ. Nhiều chuyên gia cho rằng, thay vì mua bán hàng hóa quá nhiều vào ngày lễ, nên tiêu thụ sản phẩm văn hóa-tinh thần nhiều hơn.

MỚI - NÓNG
Công an Bình Dương nói gì về phản ánh đội 'phản ứng nhanh' xử lý sự cố giao thông… chậm chạp?
Công an Bình Dương nói gì về phản ánh đội 'phản ứng nhanh' xử lý sự cố giao thông… chậm chạp?
TPO - Theo phản ánh của người dân, mô hình Đội cơ động xử lý sự cố giao thông (CĐXLSCGT) tại tỉnh Bình Dương chưa phát huy được hiệu quả như kỳ vọng, một số vụ tai nạn, ùn tắc song sự xuất hiện của lực lượng này tại hiện trường chậm. Về việc này, lãnh đạo Công an tỉnh Bình Dương đã phân tích một số nguyên nhân để làm rõ.