Vài nét về nữ văn sĩ người Anh vừa đoạt giải Nobel Văn học 2007

Vài nét về nữ văn sĩ người Anh vừa đoạt giải Nobel Văn học 2007
TP - Tối 11/10, theo giờ Việt Nam, Ủy ban Giải thưởng Nobel 2007 tại Stockholm (Thụy Điển) công bố Giải Nobel Văn học năm nay thuộc về nữ văn sĩ lão thành Anh Doris Lessing, 88 tuổi.
Vài nét về nữ văn sĩ người Anh vừa đoạt giải Nobel Văn học 2007 ảnh 1
Cụ Doris Lessing đoạt giải Nobel Văn học năm 2007 - Ảnh:AP

Giải thưởng cao quí trị giá 10 triệu kronor (tiền Thụy Điển) không phải cho một tác phẩm cụ thể mà cho suốt một đời cống hiến cho văn học của cụ. Doris Lessing không hề nghĩ mình lại nhận được giải thưởng lớn như vậy.

Khi tin về cụ đoạt Giải Nobel Văn học 2007 được công bố trên trang web của Ủy ban Giải thưởng Nobel, cụ Doris Lessing đang đi mua sắm tại siêu thị nên mãi sau đó mới biết.

Tuổi thơ không suôn sẻ

Cụ Doris Lessing sinh ngày 22/10/1919 trong một gia đình người Anh sống tại Kermanshah thuộc Persia (nay là Bakhtaran thuộc Iran). Cha của cụ là Alfred Cook Taylor từng tham gia quân đội Anh, cấp hàm đại úy trong Thế chiến I, sau trở thành chuyên viên tại Ngân hàng Hoàng gia.

Mẹ của cụ là Emily Maude Taylor làm nghề y tá. Năm 1925, cô bé Doris rời Iran theo cha mẹ đến định cư tại Zimbabwe. Lên 7 tuổi Doris được gửi vào trường dòng sau chuyển sang học tại trường dành riêng cho học sinh nữ ở Salisbury.

Năm 14 tuổi thì Doris bỏ học, làm các nghề như trông trẻ, trực điện thoại, nhân viên văn phòng, đánh máy chữ, và viết báo. Để bù lại sự thua thiệt do không được học hành đến nơi đến chốn, Doris làm giàu kiến thức của mình nhờ ham đọc sách báo.

Năm 1939, khi 20 tuổi Doris kết hôn cùng Frank Charles Wisdom. Hai người có chung với nhau hai con gồm một trai một gái. Năm 23 tuổi, Doris gia nhập Đảng Cộng sản. Một năm sau Doris và Frank ly hôn, Doris kết hôn cùng một đảng viên Cộng sản tên là Gottfried Lessing và hai người có chung một con trai.

Năm 1949, Doris lại ly hôn với người chồng thứ hai, bà chán ghét cuộc sống ở Zimbabwe nên đã đưa con trai nhỏ cùng về sống ở London, để hai người con lớn ở Zimbabwe. Giai đoạn 1952-1956 Doris là đảng viên Đảng Cộng sản Anh, hoạt động tích cực chống vũ khí hạt nhân.

Vì thường chỉ trích mạnh mẽ chính quyền ở Zimbabwe thời đó, bà Doris bị cấm nhập cảnh Zimbabwe thời kỳ 1956-1995. Hiện nay cụ Doris Lessing vẫn đang sống tại London.

Sự nghiệp mổ xẻ cuộc đời và tỏa sáng

Tài sản đáng kể của Doris khi rời Zimbabwe mang về London là bản thảo cuốn tiểu thuyết đầu tay của mình mang tựa đề Cỏ đang hát ra mắt bạn đọc năm 1950. Tiểu thuyết Cỏ đang hát kể về các cung bậc quan hệ giữa vợ của một điền chủ da trắng với nguời hầu gái da đen.

Tác phẩm này phơi bày những bi kịch của tình yêu và thù hận bắt nguồn từ các xung đột phân biệt chủng tộc không thể hóa giải. Ngay từ khi ra mắt bạn đọc, tiểu thuyết Cỏ đang hát đã gây được tiếng vang trong giới văn học khó tính ở London.

Những tác phẩm nổi tiếng khác của Doris Lessing gồm loạt sách mang tên Trẻ em bạo lực (1952) với nhân vật chính được xây dựng trên cơ sở chính cuộc sống thời thơ ấu của tác giả; Kết hôn đúng (1954), Sổ ghi chép vàng (1962), Thành phố bốn cửa ô (1969), Kẻ khủng bố giỏi (1985), Dưới làn da tôi (1994), Bước đi trong bóng râm (1997), Mùa hè trước bóng tối (1973), Đứa con thứ năm (1988), và đặc biệt là Giấc mơ ngọt ngào nhất (2001).

Doris Lessing được coi là một trong những nhà văn viết khỏe nhất thế giới. Trong suốt hơn nửa thế kỷ qua, trung bình mỗi năm Doris Lessing cho ra đời một cuốn tiểu thuyết. Thậm chí hiện nay ở tuổi 88 cụ vẫn ngồi viết sách từ 3 đến 6 giờ mỗi ngày.

Các tác phẩm của Doris Lessing thường tập trung mổ xẻ xã hội hiện đại, phản ánh một cách sâu sắc các mâu thuẫn vốn có của kẻ giàu và người nghèo, kẻ mạnh và người yếu, người da đen và da trắng, đàn ông và đàn bà.

Với trái tim và cách nhìn cuộc sống của một người phụ nữ từng trải nghiệm nỗi vất vả của những người thuộc tầng lớp thấp trong xã hội, Doris Lessing luôn thể hiện tính nhân văn cao cả trong các tác phẩm văn học của mình. Đó là bênh vực kẻ yếu.

Nguyễn Đại Phượng
(Tổng hợp)

MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.
Bà Rịa - Vũng Tàu căng mình ngăn lửa giữ rừng
Bà Rịa - Vũng Tàu căng mình ngăn lửa giữ rừng
Ảnh hưởng của El Nino khiến hơn 28.000 ha rừng ở Bà Rịa – Vũng Tàu đang ở cấp báo động cháy “cực kỳ nguy hiểm” (cấp 5). Người dân, cơ quan chức năng cũng như lực lượng bảo vệ rừng của tỉnh đang trong trạng thái cảnh giác cao, căng mình giữ rừng, không lơ là, chủ quan với lửa.