Vấn đề biển Đông được quan tâm ở EAS và ARF

Vấn đề biển Đông được quan tâm ở EAS và ARF
Ngày 12-7, tại Phnom Penh diễn ra Hội nghị Ngoại trưởng Đông Á (EAS) lần thứ hai và Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) lần thứ 19 gồm 10 nước ASEAN và các đối tác quan trọng của hiệp hội.

> Nhật Bản-ASEAN thảo luận căng thẳng ở Biển Đông

Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh (thứ tư từ trái, hàng trước) cùng các đại biểu khác chụp ảnh tại Hội nghị Ngoại trưởng Đông Á lần thứ hai. Ảnh: TTXVN
Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh (thứ tư từ trái, hàng trước) cùng các đại biểu khác chụp ảnh tại Hội nghị Ngoại trưởng Đông Á lần thứ hai. Ảnh: TTXVN.

Tại Hội nghị Ngoại trưởng EAS lần thứ hai, các bộ trưởng tập trung bàn các vấn đề có tầm quan trọng chiến lược đối với khu vực, kiểm điểm và định hướng hoạt động của EAS thời gian tới.

Tăng cường hợp tác 5 lĩnh vực ưu tiên

Các bộ trưởng khẳng định cần tiếp tục thúc đẩy hợp tác về năm lĩnh vực ưu tiên hiện nay của EAS, gồm tài chính, năng lượng, giáo dục, cúm gia cầm và quản lý thiên tai.

Đồng thời, nhất trí tăng cường hợp tác về liên kết và kết nối khu vực, hợp tác biển; trong đó có tìm kiếm cứu nạn trên biển, môi trường biển, kết nối biển, ứng phó hiệu quả với các thách thức đang nổi lên và các vấn đề an ninh phi truyền thống...

Ngày 12-7, Bộ trưởng Phạm Bình Minh cùng bộ trưởng ngoại giao các nước ASEAN ký văn kiện mở rộng TAC cho Liên minh châu Âu và Vương quốc Anh tham gia.

Các bộ trưởng nhấn mạnh EAS cần tiếp tục dựa trên các mục tiêu, nguyên tắc, thể thức như đã nêu trong Tuyên bố Kuala Lumpur 2005 và Tuyên bố Hà Nội 2010; đồng thời đề cao thực hiện Tuyên bố Bali về các nguyên tắc quan hệ cùng có lợi được thông qua tại EAS-6 tháng 11-2011; trong đó có các nguyên tắc về tôn trọng luật pháp quốc tế, quan hệ hữu nghị, tôn trọng chủ quyền, không can thiệp nội bộ, không sử dụng vũ lực và giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình…

Theo đó, EAS cần đóng góp tích cực vào việc phát huy vai trò của các công cụ hợp tác chính trị-an ninh khác hiện có trong ASEAN như Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC), Hiệp ước khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANWFZ), Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC)…, qua đó đóng góp vào hòa bình, an ninh, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực Đông Á.

Tại Diễn đàn ARF lần thứ 19, các bộ trưởng nhấn mạnh cần tăng cường các nỗ lực của khu vực cho các mục tiêu chung vì hòa bình, an ninh, ổn định, hợp tác và phát triển.

Trong bối cảnh khu vực vẫn phải đối mặt nhiều diễn biến phức tạp và các thách thức cả về an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống, ASEAN và ARF cần thể hiện vai trò chủ động của mình, đặc biệt là thúc đẩy việc tôn trọng các nguyên tắc và chuẩn mực của luật pháp quốc tế, tăng cường đối thoại, xây dựng lòng tin, giải quyết hòa bình các tranh chấp, không sử dụng vũ lực; đồng thời phát huy vai trò của các công cụ hợp tác chính trị-an ninh ở khu vực.

ARF cần tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình Hành động Hà Nội thực hiện Tuyên bố Tầm nhìn ARF đến 2020 và các lĩnh vực hợp tác khác như quản lý thiên tai, chống khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, an ninh biển, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, giải trừ quân bị…; đồng thời thúc đẩy hợp tác ARF từng bước chuyển sang giai đoạn phát triển mới, kết hợp giữa xây dựng lòng tin và ngoại giao phòng ngừa vì hòa bình, ổn định và hợp tác ở khu vực.

Hội nghị cũng trao đổi các vấn đề khu vực cùng quan tâm; trong đó có tình hình Myanmar, bán đảo Triều Tiên... Hội nghị hoan nghênh những tiến triển gần đây tại Myanmar và những nỗ lực của chính phủ Myanmar trong việc phát triển đất nước và hòa hợp dân tộc; hoan nghênh các nước cải thiện quan hệ ngoại giao và kinh tế với Myanmar; đồng thời đề nghị sớm dỡ bỏ mọi cấm vận đối với nước này.

Các nước nhất trí sẽ tiếp tục hỗ trợ Myanmar tăng cường hội nhập khu vực cũng như quan hệ với cộng đồng quốc tế.

Về tình hình bán đảo Triều Tiên, các nước mong muốn bán đảo Triều Tiên hòa bình, ổn định và không có vũ khí hạt nhân; thực hiện các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc; sớm nối lại đàm phán sáu bên; khẳng định ARF sẵn sàng góp phần tạo môi trường thuận lợi cho các bên đối thoại và trao đổi xây dựng giữa các bên.

Phải tôn trọng luật pháp quốc tế

Vấn đề biển Đông là chủ đề được quan tâm ở cả hai hội nghị này. Nhiều nước bày tỏ quan ngại những diễn biến phức tạp gần đây ở biển Đông ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở khu vực.

Vì vậy, tất cả các nước cần phải giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế và Công ước Luật biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc; thực hiện đầy đủ DOC; sớm xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) để bảo đảm hiệu quả hòa bình, ổn định và an ninh ở biển Đông.

Tại các hội nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh nhấn mạnh cả hai diễn đàn EAS và ARF đều cần phải đóng góp hiệu quả hơn nữa cho các mục tiêu chung của khu vực là bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh và phát triển; trong đó có an ninh, an toàn hàng hải, xây dựng lòng tin; giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Luật biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc; phát huy vai trò của các công cụ và cơ chế hợp tác khu vực như Hiệp ước TAC, SEANWFZ, Tuyên bố DOC, Tuyên bố Bali về các nguyên tắc xây dựng quan hệ cùng có lợi; sớm xây dựng COC…

Về biển Đông, tại Hội nghị EAS và ARF, Bộ trưởng Phạm Bình Minh phát biểu bày tỏ quan ngại về những diễn biến phức tạp gần đây ở biển Đông vi phạm tới quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các quốc gia ven biển; nhấn mạnh các nước phải tôn trọng các nguyên tắc của luật pháp quốc tế và Công ước Luật biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc, trong đó có các quy định về tôn trọng vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các quốc gia ven biển; không sử dụng vũ lực và giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình; thực hiện đầy đủ Tuyên bố DOC; sớm xây dựng COC.

Theo TTXVN

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Thông tin mới về tình hình Ngân hàng SCB
Thông tin mới về tình hình Ngân hàng SCB
TPO - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết: "SCB là một trong các ngân hàng có quy mô lớn, tổng tài sản lớn nên giải pháp để thực hiện và xử lý cũng đòi hỏi phải đủ vốn. Chúng tôi vẫn đang tiếp tục xây dựng một lộ trình để tái cơ cấu ngân hàng này từng bước và nghiên cứu khẩn trương giải pháp, cơ chế tạo điều kiện cho ngân hàng này từng bước ổn định, phục hồi hoạt động".