Vấn đề Kosovo và lá chắn tên lửa chia rẽ NATO và Nga

Vấn đề Kosovo và lá chắn tên lửa chia rẽ NATO và Nga
TP - Ngày 25/10 tại Noordwijk (Hà Lan), các Bộ trưởng Quốc phòng NATO và Nga đã không vượt qua được những bất đồng sâu sắc về kế hoạch lá chắn tên lửa của Mỹ ở Đông Âu và vấn đề Kosovo.
Vấn đề Kosovo và lá chắn tên lửa chia rẽ NATO và Nga ảnh 1
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates (phải) bắt tay Bộ trưởng Quốc phòng Nga Anatoly Serdyukov tại Hội nghị NATO - Nga. Ảnh: AP

Hội nghị các Bộ trưởng Quốc phòng NATO và Nga được khai mạc hôm 24/10, chỉ vài ngày sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates tuyên bố rằng, Washington có thể lùi lại ngày triển khai hệ thống lá chắn tên lửa của Mỹ ở Ba Lan và Cộng hòa Séc cho đến khi nào chứng minh được có mối đe dọa tên lửa thực sự từ Iran.

Tuyên bố này của ông Gates được hiểu là cách để xoa dịu sự phản ứng hiện đang rất quyết liệt của Nga đối với kế hoạch tên lửa của Mỹ ở đông Âu.

Bộ trưởng Robert Gates đã có một cuộc thông báo ngắn với các đồng cấp khác của NATO trước khi Bộ trưởng Quốc phòng Liên bang Nga Anatoly Serdyukov cùng tham dự Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng NATO và Nga.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Anatoly Serdyukov nói rằng, Tehran còn phải nhiều thập kỷ nữa mới đạt được trình độ công nghệ sản xuất tên lửa có tầm bắn tới châu Âu hoặc Bắc Mỹ.

Matxcơva khẳng định, các căn cứ lá chắn tên lửa của Mỹ đặt tại Cộng hòa Séc và Ba Lan là nhằm vào Nga, chứ thực sự không nhằm đánh chặn tên lửa từ Iran như lời các quan chức Mỹ tuyên bố.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Herve Morin thừa nhận, các đồng minh châu Âu nói chung là đồng ý với Mỹ rằng hiện đang tồn tại một sự đe dọa về tên lửa đạn đạo nhưng “không nhất thiết phải là sự đe dọa cận kề”.

Trong suốt mấy tuần qua, các quan chức Mỹ liên tục đưa ra những đề nghị nhằm làm giảm lo ngại của phía Nga, trong đó có cả đề nghị lùi ngày khởi động việc xây dựng các hệ thống radar và tên lửa đánh chặn tại đông Âu. Phía Mỹ đề nghị chia sẻ thông tin với Nga về hệ thống radar cũng như mời Nga cử các chuyên gia đến quan sát tại các cơ sở lá chắn tên lửa của Mỹ.

Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng, ông nhận thấy phía Mỹ có một sự thay đổi nhất định về quan điểm cho phép hai bên tiếp tục đối thoại về vấn đề lá chắn tên lửa. Trong khi đó, Tướng Nga Yuri Baluyevsky nói các đề nghị của Mỹ chẳng có gì mới.

Kế hoạch lá chắn tên lửa của Mỹ nhằm xây dựng căn cứ radar ở Séc và đặt 10 bệ phóng tên lửa đánh chặn tại Ba Lan. Các hệ thống ở Đông Âu này nằm trong một kế hoạch đánh chặn tên lửa rộng lớn, bao gồm các hệ thống đặt ở hai bang California và Alaska của Mỹ. Washington cho rằng, kế hoạch này có thể làm thất bại bất cứ cuộc tấn công bằng tên lửa nào từ Iran và Bắc Triều Tiên.

Để phản đối kế hoạch nói trên của Mỹ, Nga đã ngừng hợp tác với NATO trong một dự án khác, nhằm xây dựng hệ thống phòng vệ chống các tên lửa tầm ngắn trên chiến trường. Ngoài ra,Matxcơva còn dọa sẽ rút khỏi Hiệp ước về kiểm soát các vũ khí thông thường ở thời chiến tranh lạnh ở châu Âu.

Ngoài sự bất đồng về lá chắn tên lửa của Mỹ ở Đông Âu, các Bộ trưởng Quốc phòng Nga và NATO còn bất đồng sâu sắc về vấn đề Kosovo thuộc Serbia. Nga phản đối kế hoạch do phương Tây và Mỹ bảo trợ, công nhận Kosovo là một tỉnh độc lập với Serbia có sự giám sát của quốc tế. Matxcơva chỉ đồng ý cấp qui chế tự trị cho tỉnh Kosovo thuộc Serbia.

Trong khi các Bộ trưởng Quốc phòng Nga và NATO đang họp tại Hà Lan, nhóm ly khai Kosovo gốc Albania ra tuyên bố đến tháng 12 năm nay, nếu quốc tế không có giải pháp nào đối với Kosovo thì những người Albania đa số tại đó vẫn đơn phương tuyên bố độc lập.

Hiện nay, NATO đang có một lực lượng 16.000 quân tại Kosovo. Tổng Thư ký NATO Jaap de Hoop Scheffer nói rằng, NATO sẽ tiếp tục duy trì số quân này ở Kosovo trong tương lai.

Kể từ năm 1999 sau hàng loạt cuộc không kích của NATO do Mỹ đứng đầu xuống Kosovo và Nam Tư, Kosovo bị đặt dưới sự điều hành của Liên Hợp Quốc và được lực lượng giữ gìn hòa bình quốc tế gọi là KFOR triển khai tại đây.

Đ.P
Theo AP, BBC

MỚI - NÓNG