Vấn nạn thiếu đất chôn cất ở Singapore

Vấn nạn thiếu đất chôn cất ở Singapore
Một nghĩa trang nổi tiếng vừa bị chính phủ Singapore ra phán quyết dẹp bỏ để lấy đất xây dựng đường cao tốc, bất chấp sự phản đối kịch liệt của người dân.
Tại nghĩa trang Bukit Brown, có nhiều ngôi mộ của danh nhân lịch sử Singapore
Tại nghĩa trang Bukit Brown, có nhiều ngôi mộ của danh nhân
lịch sử Singapore.
 

Nghĩa trang “lịch sử” Bukit Brown nằm ở phía bắc của đường cao tốc Pan-Island. Sự tồn tại cho tới tận ngày nay của nghĩa trang này giữa quốc đảo xinh đẹp Singapore luôn được coi là “một phép lạ”. Nơi đây được đặt tên theo một thương gia người Anh sống trong thế kỷ 19 và hiện là một trong những nơi chôn cất lớn nhất thế giới của người Hoa ngoài Trung Quốc đại lục.

Nghĩa trang chính thức hoạt động từ năm 1922, nhưng ngôi mộ đầu tiên xuất hiện tại đây là vào năm 1833. Bukit Brown ngừng chôn cất vào năm 1973 và hiện có khoảng 80.000 đến 100.000 ngôi mộ, trong đó có rất nhiều phần mộ của những người tiên phong và anh hùng tại đảo quốc Sư tử.

Tiêu biểu là phần mộ của ông Tan Kim Ching – một trong những người tiên phong trong lịch sử phát triển của Singapore. Ngoài ra, Bukit Brown còn là nơi yên nghỉ của các thành viên Đồng Minh Hội hay Liên minh cách mạng Trung Quốc trong cuộc khởi nghĩa của Tôn Trung Sơn.

Hàng năm, cứ vào dịp tết Thanh minh, người dân lại dọn dẹp, sửa sang mồ mả để tưởng niệm người đã khuất tại nghĩa trang này. Tuy nhiên, tết Thanh minh năm nay có thể sẽ là lần cuối cùng họ được thực hiện truyền thống này. Dự án xây dựng đường cao tốc 8 làn đường chia nghĩa trang làm hai phần đã được chính phủ thông qua. Điều đó sẽ khiến khoảng 3.700 ngôi mộ bị khai quật và di dời.

Ngôi mộ của cô ông Toh Yon Soon nằm trong số đó. Tết Thanh minh năm nay, ông Soon buộc phải "báo" với người cô đã khuất về việc “chuyển nhà”. Ông cho biết: “Chúng tôi không có sự lựa chọn nào khác, nhưng thiết nghĩ việc làm này thật quá lãng phí khi Bukit Brown thực sự là một bảo tàng sống”.

Tuy nhiên, đại diện Bộ phát triển quốc gia Singapore cho biết: “Chúng tôi buộc phải đưa ra quyết định khó khăn này vì mục tiêu phát triển lâu dài của đất nước trong tình trạng khan hiếm đất sử dụng như hiện nay”.

Chính phủ Singapore luôn nói “không” với ý kiến phản đối của dân chúng và cho rằng quyết định của họ xuất phát từ trách nhiệm đối với người dân. Vì thế, đây không phải lần đầu tiên họ đối mặt với sự phản đối gay gắt của dư luận về các kế hoạch phát triển.

Những người đam mê di sản, yêu thích thiên nhiên và đặc biệt là gia đình của người đã khuất bày tỏ sự thất vọng trước quyết định của chính phủ. Họ cho rằng con đường sẽ chia đôi nghĩa trang và hủy hoại những đặc tính vốn có của nơi đây.

Bukit Brown không chỉ đơn thuần là một nghĩa trang cũ, mà còn là một bảo tàng sống còn lưu giữ nhiều giá trị di sản đang dần mai một trong xã hội đa sắc tộc như Singapore.

Theo ông Terence Chong, thành viên của Ủy ban Di sản Quốc gia Singapore, phát triển không nhất thiết phải làm mất đi giá trị của các di sản và ngược lại.

Cô Erika Lim, người hoạt động trong nhóm cứu trợ nghĩa trang Bukit Brown cho biết: “Đây là nơi mà bạn thực sự có thể chạm tay vào những ngôi mộ hàng trăm năm tuổi và nhìn thấy hình ảnh của những người đầu tiên viết nên lịch sử của đảo quốc Sư tử. Nó thực sự khác biệt với những thứ được trưng bày trong bảo tàng hay được viết trong sách giáo khoa”.

Mặc dù người dân Singapore luôn hy vọng sẽ thuyết phục được chính phủ không xây dựng đường cao tốc xuyên qua mảnh đất đặc biệt này. Tuy nhiên, Bộ Phát triển Quốc gia khẳng định sẽ không bàn bạc thêm cho tới khi dự án bắt đầu.

Việc khai quật hơn 3.700 ngôi mộ dự kiến sẽ được tiến hành vào năm tới, thay cho năm nay như kế hoạch để các gia đình có thêm thời gian chuẩn bị việc di dời mộ người thân.

Theo Thu Hồng
Infonet.vn

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG