Vẫn rò rỉ phóng xạ, nhiều nước cấm nhập hàng Nhật

Kiểm tra nhiễm xạ ở người tại trung tâm sơ tán ở tỉnh Fukushima Ảnh: AP
Kiểm tra nhiễm xạ ở người tại trung tâm sơ tán ở tỉnh Fukushima Ảnh: AP
TP - Ngày 25-3, công việc khắc phục hậu quả ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 của Nhật Bản phải tạm dừng vì lõi của một lò phản ứng có thể đã bị thủng. Trong khi đó, thêm một số nước quyết định cấm nhập khẩu thực phẩm Nhật Bản.

>> Ứng phó nguy cơ động đất, sóng thần

Kiểm tra nhiễm xạ ở người tại trung tâm sơ tán ở tỉnh Fukushima Ảnh: AP
Kiểm tra nhiễm xạ ở người tại trung tâm sơ tán ở tỉnh Fukushima. Ảnh: AP.

Dù chưa thấy vết nứt vỡ nào nhưng lõi của lò phản ứng bị nghi thủng vì có hai công nhân nhúng chân vào nước bị nhiễm xạ cao gấp 10.000 lần bình thường và bị bỏng da, Cơ quan An toàn Công nghiệp và Hạt nhân Nhật Bản cho biết. “Có thể đã xảy ra hư hỏng nào đó trong lò phản ứng”, Hidehiko Nishiyama, phát ngôn viên của cơ quan này, nói.

Chính quyền Nhật Bản hôm 25-3 nói rằng, những người sống trong bán kính 20-30km quanh nhà máy hạt nhân Fukushima có thể tự nguyện di tản để cuộc sống thuận tiện hơn, vì họ đang thiếu nhu yếu phẩm.

Mấy ngày qua, chất phóng xạ được tìm thấy trong sữa tươi, nước biển, 11 loại rau và nước máy ở một số tỉnh, thành phố của Nhật Bản. Nước máy ở thủ đô Tokyo và 2 tỉnh lân cận bị nhiễm phóng xạ ở mức không an toàn cho trẻ dưới 1 tuổi.

Khoảng 660.000 gia đình Nhật Bản hiện không có nước và hơn 209.000 hộ không có điện. Thiệt hại vật chất do động đất, sóng thần có thể lên tới 310 tỷ USD.

Lực lượng cảnh sát quốc gia Nhật Bản thông báo, tính đến tối qua, 10.066 người chết và 17.452 người mất tích trong đợt thiên tai; con số thương vong cuối cùng có thể vượt qua 18.000.

Ngày 25-3, Bộ trưởng Y tế Indonesia, Endang Rahayu Sedyaningsih, nói rằng, chính phủ nước này vừa yêu cầu Nhật Bản chứng nhận an toàn cho thực phẩm tươi và đóng hộp, đóng gói sau ngày 11-3 xuất khẩu sang Indonesia.

Yêu cầu này đã được gửi tới Đại sứ quán Nhật Bản, áp dụng cho thực phẩm nướng, mỳ, bánh kẹo, gia vị, đồ ăn nhẹ, nước sốt cà chua...

Bà Endang nói rằng, thực phẩm chế biến trước ngày 11-3 (thời điểm xảy ra trận động đất mạnh 9 độ Richter và sóng thần ở Nhật Bản) là an toàn.

Trước đây, Bộ Y tế Indonesia yêu cầu kiểm tra chất phóng xạ xe-zi trong thực phẩm nhập từ Đông Âu sau sự cố hạt nhân tại nhà máy điện nguyên tử Chernobyl ở Ukraina. Bà Endang nói rằng, Indonesia sẽ không đưa ra chính sách mới, nhưng sẽ sửa quy định hiện tại để bao gồm yêu cầu kiểm tra i-ốt phóng xạ trong thực phẩm.

Hôm qua, Hàn Quốc tuyên bố tạm dừng nhập khẩu một số thực phẩm từ khu vực nhiễm xạ của Nhật Bản. Lệnh cấm được áp dụng với các loại rau có lá như rau chân vịt, bắp cải… sau khi Nhật Bản cảnh báo người dân không ăn rau trồng gần nhà máy điện hạt nhân Fukushima. Lệnh cấm này được áp dụng ngay lập tức và sẽ không bị dỡ bỏ cho đến khi nỗi lo lắng nhiễm xạ qua đi, Văn phòng Thủ tướng Hàn Quốc thông báo.

Hôm qua, Cơ quan Y tế và An toàn Thực phẩm của Áo thông báo vừa phát hiện các hạt phóng xạ ở thủ đô Vienna. Các hạt phóng xạ đến từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima của Nhật Bản nhưng có hàm lượng rất thấp, không ảnh hưởng sức khỏe con người. 

Cơ quan Thú y và Nông sản Singapore (AVA) vừa tìm thấy chất phóng xạ trong 4 mẫu rau nhập từ Nhật Bản, khiến chính quyền nước này phải tạm dừng nhập khẩu hoa quả và rau từ tỉnh Chiba và Ehime.

Sau khi kiểm tra 161 mẫu sản phẩm tươi sống như hải sản, hoa quả, rau, thịt, AVA phát hiện 4 mẫu bị nhiễm xạ, gồm cần tây, rau cải, cây mù-tạc và tía tô. Singapore đang kiểm soát chặt chẽ rau quả nhập từ các tỉnh bị ảnh hưởng bởi phóng xạ, gồm Fukushima, Ibaraki, Tochigi và Gunma.

Cơ quan giám sát chất lượng và kiểm dịch của Trung Quốc hôm 25-3 cho biết, họ vừa phát hiện lượng phóng xạ cao bất thường ở hai hành khách Nhật Bản tới tỉnh Giang Tô bằng máy bay và hai tàu chở hàng cập cảng Hạ Môn ở tỉnh Phúc Kiến.

Một tàu chở hàng của Cty Vận tải Mitsui O.S.K. Lines đang bị giữ ở cảng. Tàu này rời Mỹ tới Nhật Bản hôm 17-3 và rời Tokyo tới cảng Hạ Môn ngày 21-3. Trước đó, Trung Quốc, Mỹ, Canada, Nga, Úc... tạm dừng nhập khẩu một số loại thực phẩm từ Nhật Bản.

Thái An (tổng hợp)

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.