Vào nhà thổ tìm con

Vào nhà thổ tìm con
Sau khi cô con gái của mình bị mất tích, Susana quyết định đi tìm con và tự mình điều tra. Và bà phát hiện một thế giới khủng khiếp của nạn buôn bán phụ nữ...
Vào nhà thổ tìm con ảnh 1

Bà Susana và cháu gái Micaela trong lễ khánh thành trụ sở Quỹ Maria Veron hồi tháng 10/2007

Nửa đêm một tối thứ bảy tháng 11/2002. Tại một trong những khu phố nguy hiểm nhất ở Tucumán, Argentina. Bà Susana Trimarco cho taxi dừng lại gần một quán rượu. Bà nói với người bạn: “Nếu một giờ nữa tôi chưa ra, bạn báo ngay cho cảnh sát nhé”.

Mặc chiếc váy da ngắn cũn cỡn, vớ đen, giày cao gót và áo khoác ngắn đầy khiêu khích, Susana, 48 tuổi, bước đến cửa quán rượu. Các cửa sổ của quán được bảo vệ bằng những khung thép kiên cố. Quán này có vẻ không bình thường. Đây là một nhà thổ, nơi bà nghe nói là các cô gái bị bắt cóc và đem đến đây để buộc làm gái mại dâm.

“Tôi đến gặp ông chủ - Susana nói với gã giữ cửa trông khá đậm người, vẻ bặm trợn - Chúng tôi đã có hẹn”.

Gã ta cho bà vào. Bên trong tối lờ mờ, bà kịp nhìn thấy một phòng gần như trống trơn, ở đó bốn cô gái khoảng 19 tuổi ăn mặc hở hang đang ngồi, vẻ sợ sệt. Một gã cao to đứng canh chừng họ, khẩu súng giấu dưới áo sơmi.

Susana gặp chủ quán và bắt chuyện. Bà giải thích muốn tìm gái để mở một nhà thổ mới. Ông ta trả lời là không thể giúp bà, nhưng cho bà tên nhiều chủ quán rượu tại La Rioja, một thành phố có 295.000 dân, cách Tucumán khoảng 400km, nơi bà có thể tìm được nhiều cô gái nhà nghèo.

Ra khỏi quán rượu, người mẹ này càng quyết tâm phải tìm cho được con gái của mình: Marita Veron, 22 tuổi.

Cơn ác mộng của Susana bắt đầu từ ngày 3/4/2002, khi con gái Marita của bà đã không trở về nhà sau một lần đi khám sức khỏe. Marita có căn hộ riêng ở Tucumán, thành phố lớn với 1,3 triệu dân ở phía tây bắc Buenos Aires. Nhưng trong mấy đêm trước ngày đó, Marita và con gái Micaela, 3 tuổi, đã ngủ lại nhà bà.

Nhiều giờ trôi qua, Susana và chồng là Daniel Veron lại càng lo âu thấp thỏm hơn. Marita không gọi điện thoại về như cô thường làm mỗi khi về trễ. Buổi chiều, hai vợ chồng đến bệnh viện nơi Marita khám sức khỏe nhưng ai cũng nói là không thấy cô đến. Trong khu phố cũng không ai nhìn thấy cô. Lúc đó, vợ chồng bà quyết định báo cảnh sát.

Một cảnh sát chẳng cần giữ ý: “Phải chờ 72 giờ nữa cảnh sát mới mở cuộc điều tra. Biết đâu cô ấy đi thăm bạn trai và một hoặc hai ngày sau sẽ về thôi”.

Vào nhà thổ tìm con ảnh 2

Marita (phải) và con gái Micaela sống nhiều thời gian tại nhà bà Susana (trái), xem đó là ngôi nhà thứ hai của họ

Nhờ sự giúp đỡ của khoảng 50 người bà con và bạn bè của Marita, họ dán khắp Tucumán giấy tìm người nhà với ảnh chụp con gái và nhiều số điện thoại để ai biết có thể gọi đến cho vợ chồng bà.

Ba ngày sau, khi Susana đang lau chùi nhà bếp, bà nghe tiếng gõ cửa dồn dập. Một người hàng xóm đến cho biết có người gọi điện báo tin đã nhìn thấy Marita.

- Ai nói vậy? - Susana hỏi.

- Marita đang đi trên đường thì một chiếc xe Fiat đỏ với cửa kính mờ dừng sát bên nó. Hai người đàn ông nhảy ra khỏi xe túm lấy nó và đánh tới tấp, rồi vất nó lên ghế sau và lái xe biến mất.

Ba ngày sau, khi Daniel đang phân phát tờ tìm con trên quảng trường lớn nhất của thành phố, nơi các gái mại dâm thường đến, thì một cô gái nói với ông là cô ta đã nhìn thấy Marita trong một ngôi nhà gần La Rioja.

Cảnh sát chẳng đoái hoài đến thông tin này. Susana và Daniel phải năn nỉ nhiều lần họ mới chịu nhập cuộc. Đầu tháng 5/2002, khoảng 10 cảnh sát mới cùng vợ chồng bà đến lục soát quán rượu ở La Rioja, nơi có người báo đã nhìn thấy Marita. Cảnh sát ra lệnh cho các cô gái xếp hàng ngang. “Nếu cô nào sống ở đây trái với ý muốn của mình - Daniel nói với họ - xin hãy bước lên một bước và cảnh sát sẽ đưa người ấy ra ngoài”.

Mãi lâu sau, một cô gái mới len lén đưa mắt dò quanh rồi bước lên. Sau đó cô kể với vợ chồng Susana là người ta đã đưa Marita đi nơi khác, không lâu trước khi cảnh sát tới. Như vậy, chắc chắn chủ nhà đã được báo tin trước.

Marita vẫn biệt tăm. Và Susana đi đến quyết định: nếu muốn tìm được con mình, bà phải tự đi tìm. Bà nói với chồng: “Nếu chúng ta không làm gì cả, sẽ chẳng ai đem con về cho chúng ta”.

Tháng 12/2002, bà xin nghỉ việc và lê la khắp nơi trên những chiếc xe buýt đông người mong tìm được những manh mối. Ngụy trang thành gái mại dâm, Susana liều đi vào các quán rượu mờ ám và hỏi các cô gái có ai nhìn thấy Marita hoặc biết điều gì chăng. Bà cũng đưa ảnh Marita cho các gái mại dâm trên lề phố xem.

Số tiền gom góp lâu nay đã cạn, bà bán nhà của mình, nhà của Marita và hai chiếc xe nữa. Việc tìm kiếm con miệt mài mà chẳng đem lại kết quả khiến hai vợ chồng lục đục và dẫn đến ly thân.

Susana vẫn tiếp tục cuộc điều tra riêng của mình. Bà lê la khắp La Rioja, nơi cuối cùng có tin Marita đang ở đó, nhưng cảnh sát địa phương cứ tìm cách cản trở bà. Nhiều lần xe buýt chở bà bị cảnh sát có chó nghiệp vụ hộ tống lên kiểm tra: “Bà là mẹ của Marita hả? - họ hét to - Bà còn làm gì ở đây nữa?”.

Dù vậy, bà vẫn không hề nao núng. Lúc này, được báo động qua những tờ tìm người lạc dán khắp thành phố, giới báo chí bắt đầu quan tâm đến câu chuyện của bà. Nhiều đài phát thanh vùng Tucumán tìm đến phỏng vấn bà. Dưới áp lực của công luận, cảnh sát đã phải tăng cường lục soát các quán rượu và nhà thổ.

Đúng lúc này, hành động của bà Susana khiến trung tâm (tức các tổ chức buôn người) tức tối. Tháng 11/2003, khi bà đang nói chuyện với một người bạn gái trước ngôi nhà màu vàng bình dị của bà, bên đường phố yên tĩnh, một ôtô với cửa kính mờ phóng thẳng vào bà. Kịp né sang một bên nhưng thay vì bỏ chạy, bà rượt theo chiếc xe và la to: “Ta không sợ đâu!”.

Sau đó bà nhận được nhiều cuộc gọi và tin nhắn nặc danh: “Lần sau sẽ là một viên đạn vào đầu đấy!”. Sau hai lần bà bị mưu sát hụt, cảnh sát đặc nhiệm đã được lệnh bảo vệ bà 24/24 giờ.

Cảnh sát càng gia tăng việc lục soát các quán đèn mờ, càng có nhiều cô gái trẻ được giải cứu. Susana thường đi theo cảnh sát và phát hiện một thế giới khủng khiếp của nạn buôn bán phụ nữ. Andrea Darrosa được giải cứu khỏi một nhà chứa ở La Rioja tháng 5/2003. Nghe nói bà Susana đã nhiều lần đi tìm con và nhớ lại là mình đã có lần gặp Marita, cô đến gặp cảnh sát. Và hai người hẹn gặp nhau tại nhà bà Susana.

Andrea kể bà nghe tám năm đau khổ về tinh thần và thể xác của mình. Người ta buộc cô phải dùng nhiều loại ma túy và đánh đập cô. Nhiều cô gái cùng với cô đã phải phá thai trong tình trạng nguy kịch. Có lần một tên chủ chứa đã siết cổ chết một gái mại dâm ngay trước mặt cô.

Andrea xin bà Susana cho mình ở lại với bà. Bà đáp: “Nhà chị cũng là nhà của em. Em cứ ở lại đây. Chị sẽ chăm sóc em. Không ai có thể làm em đau khổ được nữa”. Bà cũng giúp cô chữa các chấn thương tâm lý.

Rất nhiều cô gái do ham thích làm nghề người mẫu hay diễn viên, hoặc bị bắt cóc trên đường phố, đã kể bà nghe biết bao câu chuyện xấu xa tủi nhục như vậy. Bà nhìn thấy nơi mỗi cô gái nạn nhân này một chút hình dáng của Marita. Ban đêm, trước khi lên giường ngủ, nghĩ đến con gái yêu của mình, bà nhắc lại lời hứa với chính mình: “Mẹ sẽ làm tất cả những gì có thể để giúp các cô gái tội nghiệp này”.

Nhờ báo chí lên tiếng nhiều về vụ Marita bị bắt cóc và tình hình mại dâm tại Argentina, công luận nước này bắt đầu ý thức về nạn bắt cóc phụ nữ cùng nạn tham nhũng của các quan chức.

Tháng 4/2005, với mạng lưới ngày càng mở rộng, bà Susana tổ chức cuộc biểu tình trên đường phố La Rioja. Hai trăm người mẹ có con gái bị mất tích đã yêu cầu chính quyền hành động nhiều hơn nữa để tìm các thiếu nữ bị cưỡng bức làm gái mại dâm.

Cuộc vận động của bà bắt đầu thu hút sự chú ý của người dân ở nhiều nơi tại Nam Mỹ. Tháng 7/2005, một tạp chí Chile gọi bà là “biểu tượng” của cuộc đấu tranh chống nạn buôn người. Tại Argentina, các bà mẹ có con gái mất tích thường xin bà giúp đỡ hơn là xin cảnh sát.

Ngày 12/3/2006, trong khi Jessica Cativa, 20 tuổi, đang đứng gần nhà mình ở Tucumán, một ôtô trờ tới và một tốp người lạ bắt cô đưa lên xe biến mất. Mẹ cô gái rất tức tối và lo lắng liền gọi cho bà Susana.

Biết là bà sẽ báo tin cho giới phóng viên và tiếp xúc với chính quyền, cảnh sát đã lập tức tung người đi giải cứu Jessica. Trong vòng vài giờ, họ bao vây thành phố và đưa ra thông điệp: Dù kẻ bắt cóc là ai, tốt nhất nên sớm trả tự do cho cô gái. Hai ngày sau, Jessica được thả về nhà.

Hơn 200 thiếu nữ bị cưỡng bức làm gái mại dâm đã tìm thấy sự tự do nhờ bà Susana, hoặc trực tiếp nhờ các chuyến thăm của bà đến nhà thổ, hay gián tiếp nhờ áp lực của bà đối với các kẻ buôn người.

Danh tiếng hoạt động xã hội của bà vang đi khắp châu Mỹ.

Tháng 3/2007, bà Susana nhận cuộc gọi của tòa đại sứ Mỹ tại Buenos Aires. Họ báo tin bà đã được chọn là một trong 10 phụ nữ sẽ nhận phần thưởng quốc tế các phụ nữ can đảm nhất.

Ngày 7/3, Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice trao phần thưởng cho bà tại Washington và tuyên bố: “Ước mong tiếng kêu báo động của bà được lắng nghe khắp cả Nam Mỹ và trên toàn thế giới”.

Đối với ông Eugenio Ambrosi, giám đốc Tổ chức Di dân quốc tế (IOM) khu vực Nam Mỹ, hành động của bà Susana đã có một tiếng vang lớn: “Liều mạng sống của mình, bà đã cứu hàng trăm người và đưa ra ánh sáng nạn buôn người ở Argentina”.

Theo IOM, năm 2006, gần 500 người được báo cáo mất tích ở Argentina. Người ta ngờ rằng phần lớn các cô gái bị bắt cóc hoặc bị thu hút bởi các quảng cáo giả, rồi bị buộc làm gái mại dâm tại Nam Mỹ, thậm chí ở châu Âu hoặc Bắc Mỹ.

Sau lễ trao phần thưởng cao quý, thống đốc Tucumán đã hỏi bà Susana là liệu ông có thể giúp đỡ gì cho bà. Theo đề nghị của bà, chính quyền thành lập một lực lượng đặc nhiệm chống nạn cưỡng bức các cô gái làm gái mại dâm. Từ năm 2007, lực lượng này đã điều tra 110 vụ và giải cứu được 15 thiếu nữ.

Nói về công tác hiện giờ của mình, Susana nhấn mạnh: “Từ nay sứ mạng của tôi không chỉ là tìm giải cứu Marita con gái tôi, mà còn giải cứu mọi cô gái mất tích tại Argentina và trợ giúp họ sau khi được giải cứu”.

Tháng 10/2007, bà đã khánh thành trụ sở Quỹ Maria Veron, với nhiệm vụ giải cứu các nạn nhân mại dâm, chăm sóc y tế, chữa trị chấn thương tâm lý và dạy nghề, giúp họ tự nuôi sống mình và kiếm nơi ăn ở. Theo bà, cho đến nay quỹ đã giải cứu được 360 phụ nữ và trẻ em khỏi nạn buôn người tệ hại ở Nam Mỹ.

Theo N.T.ĐA 
Tuổi trẻ/Sélection

MỚI - NÓNG