Vết thương chủng tộc

Vết thương chủng tộc
TP - Việc ông Barack Obama đắc cử Tổng thống năm 2008 tưởng chừng như bắt đầu mở ra một kỷ nguyên mới và bình đẳng cho cộng đồng da màu tại Mỹ.

Thế nhưng vụ Trayvon Martin, một thiếu niên da màu 17 tuổi bị George Zimmerman, một dân phòng da trắng, bắn chết khi đang đi trên đường một lần nữa chứng tỏ vết thương chủng tộc vẫn còn nhức nhối.

Đã gần một tháng trôi qua từ sau cái chết của Martin song kẻ thủ ác cho đến giờ này vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật.

Lý do mà cảnh sát đưa ra để biện minh cho việc không bắt giữ Zimmerman là người này bắn Martin để tự vệ. Câu hỏi lớn hiện nay là liệu một thiếu niên không vũ trang lại dám tấn công một dân phòng.

Thậm chí, nhiều tờ báo lớn ở Mỹ còn tiết lộ, một sĩ quan cảnh sát da trắng đã chỉnh sửa lời khai của các nhân chứng theo hướng có lợi cho Zimmerman.

Điều bất ngờ hơn, chính con trai của viên sĩ quan này từng tấn công một người da đen vô gia cư vào năm 2010. Tuy nhiên, vụ việc đã bị giấu nhẹm và chỉ sau khi một đài truyền hình công bố băng hình về vụ việc bạo lực này, con trai của viên sĩ quan trên mới bị bắt giữ.

Phải chăng người da màu luôn bị nhìn nhận là mầm mống của tội phạm trong khi người da trắng luôn là đối tượng đáng tin hơn? Dư luận đã đặt câu hỏi nếu như Martin da trắng và Zimmerman da đen, liệu sự việc có diễn biến như vậy.

Quay trở lại vụ việc ngày 26-2, Martin chưa từng bị đánh giá là một đứa trẻ hư, cậu bé thậm chí từng được tôn vinh như một anh hùng khi mới lên 9 tuổi vì đã dũng cảm cứu sống cha mình trong một vụ cháy.

Trong khi đó, lật lại hồ sơ, chính Zimmerman mới là kẻ đã có tiền án. Y từng bị bắt giữ năm 2005 vì tội danh “hành hung một nhân viên thi hành công vụ”. Thế nhưng giờ đây, luật pháp bang Florida lại đang bao che cho chính đối tượng này.

Còn nhớ năm 2005, cả nước Mỹ đã rung động khi phóng viên AP công bố ba tấm hình cho thấy ba cảnh sát Mỹ đánh đập dã man một người da đen say rượu 60 tuổi. Tất nhiên, chỉ sau khi vụ việc làm bùng lên một làn sóng phẫn nộ trong cộng đồng da màu trên khắp nước Mỹ, ba cảnh sát trên mới bị bắt giữ.

Giờ đây, hàng chục nghìn người đang tuần hành để đòi công lý cho Martin. Nếu Zimmerman tiếp tục được pháp luật nước Mỹ bảo vệ, sẽ còn bao nhiêu người da màu trở thành nạn nhân của nạn phân biệt chủng tộc.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG