Vì sao Brussels trở thành tâm điểm khủng bố?

Hiện trường cuộc bố ráp của cảnh sát trên phố Dries, quận Forest, thủ đô Brussels hôm 15/3/2016. Ảnh: Hương Giang.
Hiện trường cuộc bố ráp của cảnh sát trên phố Dries, quận Forest, thủ đô Brussels hôm 15/3/2016. Ảnh: Hương Giang.
TP - Ngày 22/3, tròn 1 năm vụ tấn công khủng bố kinh hoàng vào “trái tim châu Âu” Brussels, hãy cùng nhìn lại và phân tích một cách có hệ thống những gì đã xảy ra ở thủ đô của Bỉ. để tìm câu trả lời cho câu hỏi vì sao nơi này trở thành tâm điểm của tấn công khủng bố? 

Bài viết của nhà báo Hương Giang, người trực tiếp tác nghiệp và đưa tin từ hiện trường vụ tấn công khủng bố tại Brussels cách đây tròn 1 năm.

Hồi đầu tháng 2 năm 2016, Thủ tướng Bỉ Charles Michel và người đồng cấp Pháp Manuel Vals đã tiến hành cuộc họp thượng đỉnh bàn về chống chủ nghĩa khủng bố. Hai bên đã nêu vấn đề phối hợp điều tra sau khi xảy ra vụ tấn công khủng bố đẫm máu tại thủ đô Paris đêm 13/11/2015 khiến 130 người thiệt mạng và hơn 400 người bị thương. Manh mối của vụ việc chính là Salah Abdeslam, một đối tượng Hồi giáo cực đoan sinh sống tại quận Molenbeek ở thủ đô Brussels của Bỉ. Ủy ban điều tra được thành lập tại hai quốc gia Bỉ và Pháp với mục tiêu làm sao tìm thấy nhanh nhất tên Salah Abdeslam.

Nhiều vụ lục soát được tiến hành tại Brussels nhưng vẫn không tìm ra manh mối của Abdeslam. Điều này khiến dân chúng hoài nghi về sự chuyên nghiệp của lực lượng điều tra. Thậm chí, báo chí Bỉ đã đồng loạt chỉ trích sự yếu kém của chính phủ trong công tác điều tra.

Có thể nói, ngay sau khi xảy ra vụ tấn công liều chết tại thủ đô Paris đêm 13/11, lực lượng điều tra đã làm việc cật lực. Ba nơi ẩn náu của những kẻ khủng bố Paris được phát hiện ở Bỉ. Đó là Auvelais, Charleroi và Schaerbeek. Những tình tiết thu được giúp nhân viên điều tra xác định thêm nhiều nghi can mới, trong số đó có anh em Khalid và Ibrahim El Bakraoui, đều là những đối tượng đã từng có tiền án, tiền sự. Một trong hai tên này đã từng rút súng tấn công cảnh sát. Tuy nhiên, để đảm bảo bí mật cho công tác điều tra, tên của những đối tượng này không được tiết lộ.

Lần theo dấu vết của hai anh em này, lực lượng điều tra phát hiện trước hôm 13/11, Khalid thuê nhà ở Charleroi và một tháng sau khi xảy ra vụ khủng bố ở Paris, hắn lại thuê phòng ở một ngôi nhà trên phố Dries, quận Forest ở Brussels. Căn cứ vào đồng hồ điện và gaz không hoạt động từ cuối tháng 2/2016, nhân viên điều tra cho rằng đây là căn nhà hoang. Ngày 15/3/2016, một nhóm các điều tra viên Pháp và Bỉ đã tới hiện trường tiến hành lục soát, song các đơn vị đặc nhiệm lại không được huy động. Phía sau ngôi nhà không được giám sát. Chính vì thế, khi họ vừa mở cửa căn hộ, ngay lập tức bị những kẻ bên trong dùng súng tấn công. Trong khi đó, hai đối tượng trong căn nhà đã thoát ra ngoài bằng cửa sau. Trong cuộc bố ráp này, bốn cảnh sát bị thương nhẹ còn kẻ tấn công bị hạ gục.

Brussels trở thành tâm điểm tấn công sau khi Salah Adbeslam bị bắt giữ

Theo nhận định của lực lượng điều tra, một trong hai kẻ tẩu thoát trong vụ bố ráp trên phố Dries chính là Salah Abdeslam. Mọi công cụ tìm kiếm được triển khai nhằm tìm bằng được tên này. Abdeslam đã phạm một sai lầm khi liên hệ với người em họ Abid Aberkan vì hắn không còn chỗ nào để lẩn trốn. Abid Aberkan giấu Abdeslam tại nhà của mẹ mình trên con phố "Bốn ngọn gió" thuộc quận Molenbeek. Kết quả quan sát vẻn vẹn trong 3 ngày đã lần ra manh mối của Salaj Abdeslam. Và chiều ngày 18/3/2016, các lực lượng đặc biệt đã bao vây con phố "Bốn ngọn gió" tại trung tâm quận Molenbeek. Cuộc bố ráp nhằm bắt Salah Abdeslam được tiến hành sớm hơn sau khi báo chí Pháp tiết lộ tên này đã có mặt tại phố Dries hôm 15/3. Trong khi đó, giới chức tư pháp Bỉ thì lo ngại phản ứng từ phía Salah Adeslam. Khi bị bao vây, tên này có ý định thoát ra phía cửa sau. Nhưng lần này, căn hộ đã bị bao vây. Cuối cùng, Salah Abdeslam bị bắt sống và bị thương nhẹ. Kẻ đồng phạm với Abdeslam trốn ra phố Dries cũng bị bắt.

Vụ đấu súng trên phố Dries và sau đó việc bắt giữ Salah Abdeslam cũng như việc báo chí đồng loạt đăng tải nhân thân và hình ảnh nhà anh em Bakraoui, là những gì mà những thành viên cuối cùng của biệt đội tấn công khủng bố Paris đã lường trước. Bọn chúng biết rằng một khi Abdeslam bị bắt thì việc bắt giữ những đối tượng còn lại không còn là vấn đề tính bằng ngày nữa mà chỉ tính bằng giờ. Không ai trong số những kẻ khủng bố này muốn cuộc đời mình phải kết thúc trong chốn lao tù. Đó là lý do mà những tên khủng bố quyết định "hành động không chậm trễ" ngay ở Brussels. Bọn chúng xin chỉ thị của tên cầm đầu hiện đang ở Syria. Và quyết định đưa ra là hành động tại sân bay Zaventem và bến tầu điện ngầm vào ngày 22/3.

Sáng 22/3, lực lượng điều tra lên kế hoạch bố ráp tại một tòa nhà trên phố Jette với hy vọng tìm thấy những kẻ khủng bố còn đang lẩn trốn. Thế nhưng, những tên này biết trước việc tòa nhà bị phát hiện và đã chuyển khỏi đó từ vài tuần trước. Trong khi đó, tại một vùng khác của thủ đô, bọn khủng bố đang chuẩn bị sứ mệnh cuối cùng của chúng. Ba tên trong số này gọi một chiếc taxi và di chuyển tới sân bay Zaventem. Còn hai tên khác xuất phát muộn hơn. Bọn chúng tới ga tầu điện ngầm "Pétillon". Gần 8h sáng, quả bom đầu tiên nổ tại sân bay Zaventem. Mười một giây sau đó, quả bom thứ hai phát nổ. Quả bom thứ 3 nổ tại ga tầu điện ngầm Maelbeek, ngay sát trụ sở Liên minh châu Âu. Kế hoạch "xen kẽ" của những kẻ khủng bố được kích hoạt tốt và đạt kết quả như bọn chúng mong muốn : tạo ra sự hỗn loạn ngay tại "trái tim châu Âu" và gây thiệt hại nặng nề về người. 

Vì sao Brussels trở thành tâm điểm khủng bố? ảnh 1

Tại trung tâm xử lý khủng hoảng sân bay Zaventem, hôm 22/3/2016, sau khi các vụ nổ xảy ra. Ảnh : Hương Giang

Tại sân bay Zaventem, người lái taxi chở ba kẻ khủng bố đã cung cấp những thông tin quý báu, đặc biệt là về quả bom thứ ba chưa phát nổ. Quả bom này sau đó được tìm thấy trên một chiếc xe đẩy ngay gần các đội cứu hộ. Việc kiểm soát được quả bom đã giúp tránh được nhiều thiệt hại nữa. Người lái taxi cũng giúp tìm ra địa chỉ mà ba kẻ tấn công trú ngụ trước đó. Tại căn hộ trên phố Max Roos ở quận Schaerbeek, lực lượng chức năng tìm thấy chiếc vali thứ 4 chứa đầy chất nổ. Do taxi không còn chỗ nên bọn khủng bố đã để lại chiếc vali này. Trong thùng rác dưới chân tòa nhà, lực lượng điều tra tìm thấy một chiếc máy tính xách tay mà bọn khủng bố vứt đi, trong đó có chứa nhiều thông tin quan trọng phục vụ công tác điều tra sau này.

Trong khi đó, một trong những kẻ tấn công liều chết đã không kích nổ quả bom của hắn ở sân bay. Hắn đã bỏ trốn về phía trung tâm thành phố. Tại ga tầu điện ngầm "Pétillon" cũng vậy, một tên khác cũng từ bỏ nhiệm vụ trong phút cuối cùng. Hắn cũng vứt bỏ chất nổ mang theo và chạy trốn. Cuối cùng, cả hai tên này đều bị bắt sau đó ba tuần.

Mohamed Abrini, "người đàn ông đội mũ"

Ngày 8/4, người đàn ông đội mũ mà camera tại sân bay Zaventem ghi lại đã bị bắt. Trước đó vài giờ, tên Ossama Kraeyem, kẻ tấn công khủng bố thứ hai tại bến tầu điện ngầm "Pétillon" cũng bị bắt giữ. Theo lời khai của tên thứ nhất thì kế hoạch của bọn chúng đã thay đổi do bị điều tra và đã chọn tấn công Brussels hơn là lại tiếp tục tấn công nước Pháp. Còn tên thứ hai thì khai chỗ ẩn náu cuối cùng của bọn khủng bố ở quận Etterbeek. Chính tại đây, hắn đã vứt lại ba lô trong nhà vệ sinh trước khi lẩn trốn tại nhà một người quen.

Theo hai tên này, hiện có mối liên hệ giữa những kẻ khủng bố và một người nào đó mang tên Abu Ahmed ở Syria. Chính người này mà bọn chúng đã liên lạc trước khi tiến hành vụ tấn công khủng bố. Dường như anh em El Bakraoui cũng biết người này. Từ những thông tin mà hai đối tượng khai báo, lực lượng điều tra khẳng định sự tồn tại của một "Ban chỉ huy" đặt tại Syria. Họ nghi ngờ tên Oussama Atar, người anh họ của hai anh em El Bakraoui, là kẻ tiếp sức cho Hội nghị thượng đỉnh của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) nhưng không có chứng cứ xác thực. Trong máy tính tìm được trên con phố Max Roos cũng có nhiều thông tin về những liên hệ cuối cùng của bọn khủng bố. Các thẩm phán Pháp đã phát lệnh truy nã đối với Oussama Atar liên quan đến vụ tấn công khủng bố ở Paris. Tên này chắc chắn đang ở Syria nhưng đến nay vẫn chưa tìm ra dấu vết của hắn.

Nếu như hiện nay, những thành viên của biệt đội khủng bố Paris và Brussels đã bị bắt giữ thì nguy cơ khủng bố vẫn còn hiện hữu. Các tổ chức khủng bố vẫn luôn nung nấu ý định tấn công châu Âu. Mặc dù lực lượng IS tại khu vực Irak-Syria đã bị tiêu diệt nhiều song bọn chúng vẫn tiếp tục mở rộng mạng lưới thông qua việc tuyển mộ trên mạng xã hội. Nếu cách thức đe dọa thay đổi thì nguy cơ khủng bố vẫn còn đó. Đặc biệt là sự xuất hiện những "con sói đơn lẻ" như chúng đã từng làm tại Đức với những phương tiện thủ công nhưng gây ra hậu quả nặng nề./.

MỚI - NÓNG