Vì sao châu Âu phản đối ông Trump về vùng đất thánh Jerusalem?

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và quan chức phụ trách đối ngoại châu Âu Federica Mogherini tại cuộc họp ở Brussels. Ảnh: EIPA.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và quan chức phụ trách đối ngoại châu Âu Federica Mogherini tại cuộc họp ở Brussels. Ảnh: EIPA.
TPO - Lo ngại vai trò ảnh hưởng của Liên minh châu Âu (EU) bị hạ thấp trong tiến trình hòa bình Trung Đông và nguy cơ khủng bố lan tràn là những nguyên nhân chính khiến EU phản đối quyết định của ông Trump về việc công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel.

Lập trường của châu Âu về hòa bình Trung Đông

Liên minh châu Âu (EU) hiện có 28 nước thành viên, và cả 28 nước đều đồng loạt không công nhận quyết định của Tổng thống Trump về Jerusalem.

Ngày 11/12, trong cuộc gặp Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Brussels, Cao ủy phụ trách các vấn đề đối ngoại của EU Federica Mogherini nhấn mạnh cuộc xung đột giữa Israel và Palestine chỉ có thể được giải quyết bằng giải pháp hai nhà nước với Jerusalem là thủ đô của cả hai bên.

Thủ tướng Benjamin Netanyahu khi đến trụ sở chính Liên minh châu Âu (EU) tại Brussels (Bỉ), đã nói việc Tổng thống Trump thừa nhận Jerusalem là sự thúc đẩy hoà bình, “vì sự công nhận thực tại là nền tảng của hoà bình”. Ông đề nghị EU cũng sớm có động thái tương tự.

Tuy nhiên đề nghị này của ông Netanyahu đã bị EU bác bỏ thẳng thừng. Khẳng định lại với ông Netanyahu quan điểm của EU về vấn đề này, bà Mogherini nhấn mạnh: "Ngài biết rõ quan điểm của EU. Chúng tôi tin rằng chỉ có một giải pháp thiết thực cho cuộc xung đột giữa Israel và Palestine là giải pháp hai nhà nước với Jerusalem là thủ đô của cả hai bên".

Trước đó, trong ngày 6/12, Cao ủy phụ trách đối ngoại của EU, Federica Mogherini cũng ra thông cáo bày tỏ “EU quan ngại sâu sắc” trước quyết định của Tổng thống Mỹ và e ngại quyết định này sẽ có những tác động tiêu cực đến viễn cảnh hoà bình tại Trung Đông.

Trong một tuyên bố đoàn kết thể hiện rõ lập trường của mình về vấn đề Jerusalem, bà Federica Mogherini cho biết, EU tin rằng chỉ có một giải pháp thực tế đối với cuộc xung đột giữa Israel và Palestine dựa trên giải pháp hai nhà nước, với Jerusalem là thủ đô của cả Israel và Palestine.

Liên minh châu Âu là một trong những thành viên quan trọng của Nhóm Bộ tứ về hòa bình Trung Đông (gồm Mỹ, Liên minh châu Âu, Liên hợp quốc và Nga).

Vì sao EU phản đối quyết định của Mỹ?

Lo ngại vai trò ảnh hưởng của EU bị hạ thấp trong tiến trình hòa bình Trung Đông là một trong những lý do quan trọng khiến tổ chức này phản đối gay gắt quyết định của Tổng thống Trump.

Trong một diễn biến mới nhất liên quan tới tình hình Trung Đông, Cao ủy phụ trách chính sách đối ngoại của EU, bà Federica Mogherini đã kiên quyết bác bỏ đề nghị tổ chức này này công nhận Jerusalem của thủ tướng Israel, và cho rằng quyết định của ông Trump là động thái phá hỏng tiến trình hòa bình cho khu vực.

Tiến sỹ Lý Quốc Phúc, Chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu Trung Đông thuộc Viện nghiên cứu các vấn đề quốc tế Trung Quốc cho rằng, các nước châu Âu không hài lòng với kế hoạch của Washington, đồng thời dấy lên lo ngại bước đi này đe dọa hủy hoại mối quan hệ của Mỹ với châu Âu.

Nếu EU công nhận quyết định của ông Trump về Jerusalem, điều này đồng nghĩa với việc đi ngược lại những giá trị mà châu Âu thiết lập hàng chục năm qua về tiến trình hòa bình Trung Đông. “Họ tin rằng điều này đi ngược lại lợi ích của châu Âu và sẽ làm tăng sự bất đồng trong khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO)”, chuyên gia Lý Quốc Phúc nhận định.

Ngoài ra, các chuyên gia về tình hình Trung Đông cũng cho rằng, quyết định của ông Trump sẽ khuấy động tinh thần chống Mỹ ở Trung Đông và thổi bùng ngọn lửa chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo.

Đặc biệt, quyết định này sẽ tác động tiêu cực đối với các nỗ lực chống khủng bố của EU trong bối cảnh chủ nghĩa khủng bố đang lan tràn tại các quốc gia châu Âu sau khi chúng bị đánh bại hoàn toàn trên chiến trường Iraq và Syria.

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.