Vì sao Iran nối lại hoạt động hạt nhân?

Vì sao Iran nối lại hoạt động hạt nhân?
Việc Iran quyết tâm nối lại hoạt động hạt nhân xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Trong đó, sự thay đổi chính quyền ở Iran được xem là nguyên nhân cơ bản.

Hai năm qua, mỗi khi đến thời điểm then chốt trên vấn đề hạt nhân, Iran thường tỏ thái độ cứng rắn.

Lần này cũng không ngoại lệ. Bất chấp đe doạ của Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ về việc sẽ ngừng đàm phán, áp đặt lệnh cấm vận, Iran đã chính thức khởi động lại hoạt động hạt nhân từ ngày 8/8.

Thái độ của Iran còn được thể hiện rõ khi họ quyết định khởi động lại chương trình hạt nhân 1 ngày trước khi Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) nhóm họp khẩn cấp tại Viên (áo), nhằm đặt EU và Mỹ vào tình huống “sự đã rồi”.

Cuộc đọ sức trên vấn đề hạt nhân giữa Iran với EU và Mỹ được đánh giá đang bước vào giai đoạn mới quyết liệt hơn. Vậy vì sao Iran lại kiên trì khởi động lại hoạt động hạt nhân dù biết trước sẽ phải đối mặt với sức ép từ nhiều phía, thậm chí bị cấm vận?

Sự thay đổi chính quyền ở Iran được xem là nguyên nhân cơ bản. Tổng thống Mahmound Ahmadinejad là người có lập trường cứng rắn, phản đối bất kỳ sự thỏa hiệp nào về vấn đề hạt nhân. Ông Ahmadinejad còn công khai bày tỏ Iran cần có công nghệ hạt nhân vì mục đích hòa bình, bất chấp sức ép của quốc tế.

Tổng thống Ahmadinejad còn bị Mỹ cáo buộc có dính líu đến vụ bắt cóc con tin năm 1979 và dọa sẽ ngăn cản ông tới tham dự kỳ họp thường niên của Đại hội đồng LHQ tại New York vào tháng 9 tới. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Adam Ereli đã cảnh báo điều này vào ngày 8/8.

Việc Iran khởi động lại chương trình hạt nhân còn xuất phát từ nhiều lý do khác. Iran luôn cho rằng hoạt động hạt nhân của họ nhằm mục đích hòa bình và sự can thiệp của phương Tây là xuất phát từ định kiến chính trị.

Mặt khác, sau hơn 8 tháng đàm phán với phương Tây, Iran dường như đã nhận rõ các điều khoản mà họ mong muốn khó đạt được. Đàm phán giữa Iran và EU trải qua 7 vòng, nhưng cuối cùng vẫn không đạt được bước tiến quan trọng nào.

Sau khi Iran tuyên bố khởi động lại chương trình hạt nhân vào ngày 1/8, EU đã đề xuất “viện trợ cả gói” về thương mại. Tuy nhiên, trong phương án đổi chác này, EU vẫn kiên trì đòi Iran từ bỏ hoạt động hạt nhân vĩnh viễn. Vì thế Iran cho rằng, EU vẫn không đáp ứng mong muốn tối thiểu của họ và quyết tâm khởi động lại chương trình hạt nhân.

Dựa trên bối cảnh quốc tế, Iran đang muốn thực thi “chính sách miệng hố” nhằm thử phản ứng của phương Tây và nếu có cơ hội sẽ giành lợi ích về cho mình trên vấn đề hạt nhân.

Trong khi EU đang đối mặt với tấn công khủng bố, Mỹ lại sa lầy ở Iraq, Afghanistan và khủng hoảng hạt nhân ở bán đảo Triều Tiên tiến triển chậm, nên Iran cho rằng đây là thời cơ tốt để đặt điều kiện.

Ngoài ra, Iran còn là nước xuất khẩu dầu mỏ lớn, trong khi giá dầu tăng cao ở mức kỷ lục nên dù Hội đồng Bảo an LHQ có muốn trừng phạt kinh tế chống Iran cũng phải do dự.  

MỚI - NÓNG