Vì sao Ngoại trưởng Mỹ không tổ chức sự kiện Hồi giáo theo truyền thống?

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson bắt tay với một người Hồi giáo trong chuyến thăm Ả Rập Saudi của Tổng thống Donald Trump cuối tuần qua. Ảnh: Reuters
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson bắt tay với một người Hồi giáo trong chuyến thăm Ả Rập Saudi của Tổng thống Donald Trump cuối tuần qua. Ảnh: Reuters
TPO - Ngoại trưởng Rex Tillerson dường như đã từ chối yêu cầu tổ chức sự kiện đánh dấu tháng thánh lễ Hồi giáo Ramadan, phá vỡ truyền thống lưỡng đảng tại Bộ Ngoại giao Mỹ trong gần 20 năm qua.

Theo Reuters, kể từ năm 1999, các Ngoại trưởng Mỹ đều tổ chức một bữa ăn tối kỷ niệm Eid al-Fitr, ngày lễ đánh dấu sự kết thúc của Ramadan, tháng ăn chay thiêng liêng của người Hồi giáo, vào cuối tháng tại Bộ Ngoại giao.

Tuy nhiên, có vẻ như, năm nay truyền thống này sẽ không được tiếp diễn.

Reuters dẫn lời hai quan chức Mỹ (yêu cầu giấu tên) cho biết, Ngoại trưởng Tillerson có vẻ như đã từ chối yêu cầu của Phòng Tôn giáo và các vấn đề toàn cầu của Bộ Ngoại giao để tổ chức sự kiện Eid al-Fitr.

Cụ thể, theo ghi chép trong bản ghi nhớ ngày 6/4 vừa qua, văn phòng, chịu trách nhiệm khởi xướng các sự kiện tương tự, đề nghị ông Tillerson tổ chức lễ Eid al-Fitr. Tuy nhiên, yêu cầu không được chấp thuận.

Việc Ngoại trưởng Mỹ không tổ chức lễ Eid al-Fitr cho thấy, trong năm nay không có kế hoạch cấp cao nào cho tháng lễ Ramadan tại Bộ Ngoại giao Mỹ. Được biết, nhiều người Hồi giáo đang thực hiện tháng ăn chay và cầu nguyện bắt đầu từ ngày 27/5.

Khi được Reuters hỏi về quyết định trên, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao cho biết: “Chúng tôi vẫn đang tìm kiếm các giải pháp khả thi để thực hiện Eid al-Fitr vào cuối tháng Ramadan. Các đại sứ Mỹ được khuyến khích cử hành lễ Ramadan thông qua nhiều hoạt động, được tổ chức hàng năm tại các phái đoàn trên khắp thế giới”.

Đáng nói, ngày 26/5, ông Tillerson đưa ra tuyên bố về tháng Ramadan: “Quan trọng nhất, đây là thời gian đáng quý dành cho gia đình và bạn bè để giúp đỡ những người kém may mắn”.

Reuters nhận định, đây được xem là một động thái khó hiểu từ nước Mỹ, vì Tổng thống Donald Trump vừa tiến hành chuyến công du đến Trung Đông trong một nỗ lực cải thiện mối quan hệ với các nước đa số Hồi giáo.

Trước đó, các nhà hoạt động Hồi giáo đã cáo buộc chính quyền của Tổng thống Donald Trump có thái độ không thân thiện đối với Hồi giáo, với dự luật cấm công dân của một số nước đa số Hồi giáo không được vào Mỹ.

Farah Pandith, nhà ngoại giao Mỹ từng phục vụ dưới thời ông Bush và Obama và từng giúp hoạch định các sự kiện Ramadan ở Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao, bình luận, nếu ông Tillerson tránh tổ chức bữa tối thường niên trong năm nay, có thể sẽ gửi đi một thông điệp rằng “hòa nhập với người Hồi giáo không mang tầm quan trọng đối với chính quyền”.

Theo Theo Reuters
MỚI - NÓNG