Vì sao người Mexico chán ngán 'con ông cháu cha'

Các “Mirreyes” thường khoe cuộc sống xa xỉ (Nguồn: Getty Imagines)
Các “Mirreyes” thường khoe cuộc sống xa xỉ (Nguồn: Getty Imagines)
TPO - Trẻ trung, giàu có, quyền thế…song tầng lớp “con ông cháu cha” ở Mexico ngày càng bị người dân chán ngán, Tờ Guardian (Anh) phản ánh.

Mới đây, những hình ảnh về Sasha Obama, con gái Tổng thống Mỹ Barack Obama, làm thêm tại một nhà hàng hải sản đã trở thành tin tức “nóng” khắp thế giới. Nhưng nó đặc biệt tác động mạnh tới dư luận Mexico, quốc gia láng giềng của Mỹ, nơi mà nhiều người dân thấy rõ sự tương phản giữa sự lựa chọn một công việc mùa hè bình dị của con gái Tổng thống Obama với lối sống tiêu xài lộ liễu cùng hành vi cậy quyền của không ít con cái các quan chức Mexico.

Các nhà quan sát xã hội cho rằng phản ứng của người dân Mexico với tầng lớp “con ông cháu cha” bắt nguồn từ sự thất vọng bởi tình trạng “gia đình trị” trong các cơ quan và một thị trường việc làm thường xem xét mối quan hệ của các ứng viên hơn là dựa vào năng lực thực sự của họ.

Nhà báo David Agren của tờ The Guardian cho rằng tại Mexico, chính trị được coi là con đường mang tới sự giàu có cho toàn thể gia đình với những gói chi trả hào phóng. 

Truyền thông Mexico cũng thường xuyên nhắc tới những khối tài sản lớn khó có thể giải thích của một số quan chức nước này. Nhà sử học chính trị Ilan Semo thuộc trường Đại học Iberoamerican (Mexico) cho biết trong con mắt công chúng Mexico, việc trở thành chính trị gia giống như…trúng xổ số.

Ở các quốc gia khác, giới thượng lưu cố hợp thức hoá bản thân bằng công việc hoặc giáo dục. Nhưng ở Mexico, làm việc lại gửi tới những thông điệp sai lầm. Trong con mắt giới trẻ thượng lưu nước này, làm việc là dành cho những người chẳng có mối quan hệ nào. 

Nhà sáng lập Nhóm nghiên cứu về các vấn đề của giới trẻ Mexcio, ông Armando Regil, nói: “Tại Mexico, chúng ta thấy nhiều con em chính trị gia muốn dựa dẫm vào tiền bạc và danh tiếng của cha mẹ chúng. Bởi vậy, nhiều người sẽ ngạc nhiên khi thấy con gái Tổng thống Mỹ cũng phải làm việc”.

Vì vậy, sự kiện Sasha Obama làm thêm trong kỳ nghỉ hè diễn ra trong bối cảnh con cái tầng lớp thượng lưu Mexico, thường bị chế giễu là “các ông chúa tể và quý cô”, ngày càng bị dân cư mạng “ném gạch đá”. 

 Một đoạn video vừa phát tán mới đây cho thấy một thanh niên Mexico lái chiếc xe hơi Audi vào làn dành cho xe đạp và xe buýt, sau đó va chạm với người đi xe đạp vì từ chối không để anh ta lái xe qua. Trong đoạn video, thanh niên lái xe – có nickname trên mạng là #LordAudi – nói với cảnh sát rằng “gọi cho bố tôi”, trước khi quay lại ghế lái, cho xe chạy đè qua chiếc xe đạp và tháo chạy khỏi hiện trường. #LordAudi chỉ là ví dụ mới nhất về hành động ngông cuồng của tầng lớp con nhà đại gia thích khoe cuộc sống cá nhân xa xỉ mà người dân Mexico gọi là “Mirreyes”.

Trước đó, năm 2013, trước sự bất bình của dư luận, người đứng đầu Cơ quan Bảo vệ Người tiêu dùng Liên bang Mexico (PROFECO) đã buộc phải từ chức sau khi con gái của ông gọi thanh tra của  PROFECO tới đóng cửa nhà hàng Maximo Bistrot chỉ vì “tiểu thư” không đặt được bàn tiệc như mong muốn. Nhiều người cho rằng, hành động của “tiểu thư” này là ngang ngược, cậy bóng cha. 

Năm 2014, Jorge Alberto López Amores, con trai của một quan chức cấp cao bang Chiapas, Mexico, đã thiệt mạng vì nhảy từ tầng 15 của du thuyền sang trọng xuống khu vực biển Brazil dịp World Cup. 

Năm 2015, Paulina Romero Deschamps, con gái người đứng đầu Liên đoàn Dầu khí Mexico, khoe ảnh du lịch châu Âu trong khách sạn 5 sao sang trọng, đồ hiệu đắt tiền, khiến dư luận “dậy sóng”…

Các nhà quan sát xã hội đánh giá sự bất bình của công chúng trước việc xuất hiện ngày càng nhiều “Mirreyes” phản ánh thực trạng là tầng lớp con nhà đại gia ở Mexico đã hành động không đúng mực và luôn muốn  thể hiện rằng họ sẽ không bị trừng phạt.

MỚI - NÓNG