Vì sao ông Gordon Brown ra đi quá nhanh?

Vì sao ông Gordon Brown ra đi quá nhanh?
TP - Ông Gordon Brown đã rời khỏi chức vụ Thủ tướng Anh nhanh chóng sau khi tuyên bố từ bỏ chức chủ tịch Công đảng cầm quyền. Nhưng nhanh đến mức không ít người trên thế giới đặt câu hỏi, vì sao chuyện thay lãnh đạo ở xứ sở Sương mù lại có thể diễn ra nhanh như vậy?

 >> Tân thủ tướng Anh với nghị sự nóng bỏng

Gia đình Gordon Brown trở về mái nhà xưa
Gia đình Gordon Brown trở về mái nhà xưa.

19h45 ngày thứ ba vừa rồi, ông Brown rời điện Buckingham, nơi ông chính thức đệ đơn từ chức lên Hoàng gia chỉ ít phút trước đó. Khoảng một giờ sau, người ta đã thấy lãnh đạo đảng Bảo thủ David Cameron lái chiếc xe Jaguar màu bạc tới số 10 phố Downing (nơi mặc định là văn phòng kiêm nhà công vụ dành cho thủ tướng nước Anh), như thể ông đã chắc chắn là thủ tướng kế tiếp của đảo quốc sương mù.

Để so sánh, có thể thấy giai đoạn chuyển giao quyền lực khi Tổng thống Mỹ Barack Obama đắc cử là hai tháng rưỡi: ông chiến thắng hôm 4-11-2008 và đến tận 20-1- 2009 mới nhậm chức. Vậy câu chuyện của người Anh là gì?

Theo các nhà phân tích, không giống như ở Mỹ, người đứng đầu chính phủ ở Anh được giao phó trách nhiệm thực sự về việc thi hành những chương trình nghị sự của đảng cầm quyền. Và bởi vì tân thủ tướng chỉ có thể chỉ định một số người nhất định vào những chức vụ trong chính phủ, quá trình chuyển giao quyền lực có thể diễn ra rất nhanh.

Cũng khác với ở Mỹ, dù tân thủ tướng Anh có thể chịu hậu quả do bổ nhiệm những bộ trưởng không mấy tên tuổi, nhưng ông ta có quyền chọn bất cứ ai mà ông muốn. Và một truyền thống của nước Anh- chính phủ lập sẵn (của đảng đối lập, chờ khi đảng cầm quyền bị triệt thoái) cũng giảm khả năng có tranh cãi dây dưa về vị trí người đứng đầu một vài bộ nào đó trong quá trình chính phủ mới hình thành.

Thậm chí cái gọi là thủ tục mang tính nghi lễ ở một nước vẫn tồn tại hoàng gia, cũng diễn ra rất nhanh. Ngay sau khi nữ hoàng Elizabeth đệ nhị chấp nhận đơn từ chức của ông Brown, bà đã triệu tập ông Cameron và vợ đến làm lễ “hôn tay” (Thủ tướng tương lai có thể không cần thiết phải tuân thủ chặt chẽ các nghi lễ vì đây chỉ là thủ tục cho biết rằng hoàng gia “đồng ý về nguyên tắc” để ông đứng ra lập chính phủ mới. Cựu Thủ tướng Tony Blair rất nổi tiếng với lần làm hỏng nghi lễ hôn tay: Ông vấp phải tấm thảm và ôm lấy cánh tay của nữ hoàng với vẻ “nồng nhiệt” hơi thái quá, theo lời kể của vợ ông, bà Cherie).

Chỉ một giờ sau khi ông Cameronđến gặp nữ hoàng, nghị sỹ William Hague đã được chỉ định làm Bộ trưởng Ngoại giao dưới triều Cameron. Những nhân vật khác trong nội các cũng đã sẵn sàng, và việc chỉ định người đứng đầu những bộ ít quan trọng hơn sẽ được hoàn tất trong vài ngày tới.

Nhưng người ta nói, như thế là quá trình chuyển giao quyền lực lần này, cho một chính phủ liên hiệp đầu tiên kể từ chính phủ thời chiến của Thủ tướng Winston Churchills trong Thế chiến II, là “hơi phức tạp hơn thường lệ”.

Ngoài việc thống nhất một loạt các vấn đề về đối nội và đối ngoại, hai đảng cầm quyền còn thống nhất việc phân chia nắm giữ các bộ; theo đó, đảng Dân chủ Tự do được quyền chỉ định năm ghế trong nội các, gồm cả ghế Phó thủ tướng của lãnh đạo đảng này, Nick Clegg.

Không khí đổi thay còn lan sang cả những người hôm trước là vợ con lãnh đạo, hôm nay quay về làm dân thường. Vợ ông Gordon Brown ngay lập tức thay tên đăng kí tài khoản trang mạng xã hội Twitter từ SarahBrown10 (số 10 ám chỉ nhà số 10 phố Downing?) sang SarahBrownUK.

Trong khi người ta đang bàn thảo phân chia ghế ngồi, ngôi thứ thì các nhân viên công ty dịch vụ chuyển nhà đã tíu tít bận rộn với việc gói ghém, đóng hòm các tài sản và tư liệu công tác của ông Brown, lúc này đã là cựu thủ tướng. Ba giờ sau khi rời cung điện hoàng gia, ông Brown đã có mặt ở “mái nhà xưa” của gia đình ở North Queensferry, Scotland, nơi bây giờ ông đại diện tại quốc hội.

Nhưng ông Brown dù sao vẫn còn nhà để về. Có một số cựu thủ tướng Anh không được may mắn như ông. Năm 1974, Công đảng mất quyền kiểm soát chính phủ, Thủ tướng sắp hết nhiệm kỳ Edward Heath bỗng nhiên phát hiện mình trở thành kẻ vô gia cư. Sau khi rời số 10 phố Downing, ông phải ở nhờ căn hộ của một người bạn ở trung tâm London đến khi thu xếp được một chỗ ở cho riêng mình.

MỚI - NÓNG
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.