Vì sao ông Mugabe cố bám trụ quyền lực giữa khủng hoảng Zimbabwe?

Ảnh: BBC
Ảnh: BBC
TPO - Có được sự hậu thuẫn từ những quốc gia có lợi ích to lớn tại Zimbabwe và tìm kiếm sự bảo đảm quyền lợi cho gia đình là những lý do chính khiến Tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe cố bám trụ quyền lực trước sức ép ngày càng gia tăng của quân đội.

Tống thống Zimbabwe Robert Mugabe quyết không từ chức

Tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe đã tìm cách bám trụ quyền lực với bài phát biểu trên truyền hình hôm 19/11 rằng ông vẫn nắm quyền bất chấp sự tiếp quản của quân đội và sức ép ngày càng tăng yêu chấm dứt 37 năm cầm quyền theo chế độ độc tài của ông. 

Trong bài phát biểu, ông Mugabe nói: “Đại hội đảng ZANU-PF cầm quyền sẽ diễn ra trong vài tuần tới và tôi sẽ chủ trì đại hội lần này”. Ông Mugabe không nhắc đến khả năng từ chức, song thừa nhận những chỉ trích nhằm vào bản thân từ đảng ZANU-PF, quân đội cũng như nhân dân. 

Nhiều người tưởng rằng ông Mugabe sẽ không có cơ hội nào khác ngoài việc từ chức sau khi quân đội giành quyền kiểm soát và chính đảng từng một thời trung thành với ông đã buộc ông phải ra đi.

Tuy nhiên, ông Mugabe, ngồi cạnh các tướng lĩnh đứng sau vụ can thiệp của quân đội, đã đưa ra bài phát biểu cho thấy ông không hề lúng túng trước vụ nổi dậy này. Phát biểu một cách chậm rãi và đôi lúc ngắc ngứ khi cầm giấy đọc nội dung, ông Mugabe đã nhắc đến sự cần thiết của tình đoàn kết để giải quyết các vấn đề quốc gia- một phát biểu quen thuộc như những gì ông đã nói trong nhiều thập kỷ qua.

Ông đã không đề cập đến những lời kêu gọi ông từ chức và coi nhẹ vụ can thiệp quân sự đáng chú ý tuần trước. Ông nói: “Chiến dịch mà tôi nhắc đến đã không diễn ra ở mức độ gây đe dọa cho trật tự lập hiến được coi trọng của chúng ta cũng như không thách thức quyền lực của tôi với vị trí người đứng đầu nhà nước, cũng như tổng tư lệnh quân đội”. Thay vào đó, ông kêu gọi sự hòa hợp và tình đồng chí. 

Sự bất mãn dâng cao

Theo các chuyên gia phân tích phát biểu của ông Mugabe với việc kiên quyết không từ chức sẽ đẩy đất nước Zimbabwe vào tình trạng bất ổn sâu sắc bởi điều này đồng nghĩa với việc ông Mugabe sẽ tìm cách bám trụ quyền lực cho đến ít nhất giữa tháng 12/2017.    

Phát biểu của ông Mugabe đã ngay lập tức kích động sự tức giận và làm dấy lên quan ngại rằng Zimbabwe có nguy cơ đối mặt với hành động đáp trả bạo lực trước những căng thẳng chính trị này. Một nhân viên bảo vệ ở Harare yêu cầu giấu tên nói: “Người dân nên trở lại đường phố. Điều này thật không công bằng”.

Đặc biệt, ngay sau bài phát biểu trên, nhà lãnh đạo cựu binh chiến tranh Chris Mutsvangwa tuyên bố việc luận tội ông Mugabe sẽ được tiến hành theo kế hoạch. Ngoài ra, ông Mutsvangwa, cũng kêu gọi biểu tình để phản đối ông Mugabe. 

Trong khi đó, đám đông tụ tập ở các quán bar và café ở thủ đô Harare dõi theo bài phát biểu này, vốn được cho sẽ là bài phát biểu từ chức của vị Tổng thống 93 tuổi, đã tỏ ra rất bất ngờ và thất vọng. Một vài người đã rơi nước mắt. 

Trước bài phát biểu hôm 19/11, đám đông đã tập hợp tại Quảng trường Liên minh châu Phi ở Thủ đô Harare dưới ánh sáng của buổi xế chiều để hô vang khẩu hiệu phản đối ông Mugabe và vẫy cờ Zimbabwe. 

Trong một tuyên bố đưa ra sau phiên họp đặc biệt vừa diễn ra của Ủy ban trung ương đảng ZANU-PF, Bộ trưởng An ninh Mạng Patrick Chinamasa cho biết Tổng thống Mugabe sẽ phải từ chức trước 12h trưa 20/11 nếu không đảng này sẽ bắt đầu tiến trình luận tội ông.

Đảng sẽ tìm cách luận tội ông nếu ông không từ chức trước 10:00 GMT ngày 20/11. Derek Matyszak, nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu An ninh ở Pretoria, nói: “Ông Mugabe dường như rất thoải mái, nhưng vị Chỉ huy lực lượng vũ trang đã tỏ ra rất tức giận, chúng tôi nhận thấy ông không hề vỗ tay khi bài phát biểu kết thúc. Điều này là vô cùng bất ngờ. Ông Mugabe hành xử như thể không một nội dung nào mà đảng ZANU-PF đưa ra có bất kỳ ý nghĩa nào. Họ sẽ hành động ra sao? Họ sẽ tiếp tục cái gọi là tiến trình luận tội”. 

Theo giới phân tích, quân đội đã can thiệp tuần trước sau khi đệ nhất phu nhân, bà Grace Mugabe, 52 tuổi, giành được vị trí hàng đầu để kế nhiệm chức tổng thống sau cuộc tranh giành quyền lực căng thẳng với ông Mnangagwa, người có quan hệ mật thiết với quân đội. 

Dưới thời ông Mugabe, đa phần người dân Zimbabwe phải chứng kiến sự lãnh đạo với các cuộc trấn áp đầy bạo lực, sự sụp đổ của nền kinh tế và sự cô lập của quốc tế.

Vì sao ông  Mubabe cố bám trụ quyền lực?

Có nhiều ý kiến cho rằng, ông Mubabe cố gắng bám trụ quyền lực là do có sự hậu thuẫn từ các quốc gia có lợi ích kinh tế to lớn tại Zimbabwe.

Hiện nay, phần lớn những ngành kinh tế chủ chốt, đặc biệt là khai thác kim cương, rơi vào tay các công ty Trung Quốc và số chính trị gia thân cận với Mubabe. Trung Quốc nổi lên là đối tác thương mại lớn nhất, nhà tài trợ hào phóng nhất cho Chính quyền Zimbabwe.

Ngoài ra, Nam Phi cũng là quốc gia được hưởng lợi rất nhiều trong suốt quá trình ông Mubabe nắm quyền. Do đó, không khó hiểu khi Nam Phi là quốc gia lớn tiếng chỉ trích cuộc đảo chính vừa qua.

Ngày 19/11, Nam Phi thông báo Cộng đồng phát triển miền Nam châu Phi (SADC) sẽ thảo luận về cuộc khủng hoảng chính trị tại Zimbabwe vào ngày 21/11 tới tại hội nghị thượng đỉnh của khối này diễn ra ở thủ đô Luanda, Angola. 

Trong khi đó, hôm 18/11, Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma, Chủ tịch SADC tuyên bố châu Phi cam kết ủng hộ Zimbabwe tìm hướng giải quyết cho cuộc khủng hoảng chính trị đang có chiều hướng leo thang tại nước này. Mặc dù bày bỏ lạc quan một cách thận trọng, song Tổng thống Zuma khẳng định SADC sẵn sàng cung cấp mọi hỗ trợ cần thiết để người dân Zimbabwe có thể sớm ổn định tình hình trong nước, đồng thời bày tỏ hy vọng những diễn biến căng thẳng hiện nay sẽ không dẫn đến việc Zimbabwe thay đổi chính phủ một cách vi hiến. 

Ngày 16/11, tờ Thời báo Hoàn cầu-một phụ bản của Nhân dân Nhật báo, Cơ quan ngôn luận của Đảng cộng sản Trung Quốc đã cảnh báo rằng tình trạng bất ổn kéo dài tại Zimbabwe có thể ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động đầu tư của Trung Quốc. Đối với châu Phi, dấu chấm hết của thời đại Mugabe có thể là mở đầu cho một chương mới về ảnh hưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đối với châu lục này. 

Một số nguồn thạo tin cho biết, trước khi xe tăng xuất hiện trên các đường phố Zimbabwe, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết Chỉ huy trưởng quân đội Zimbabwe đã gặp người đồng cấp Trung Quốc vào tuần trước. Tin tức này nhanh chóng được lan truyền, nhất là ở vùng Nam Phi, bên cạnh các thông tin về diễn biến cuộc đảo chính.

Nhiều nhà quan sát nghi ngờ rằng Trung Quốc, vốn ủng hộ các tay súng thuộc Liên minh Dân tộc châu Phi Zimbabwe của ông Mugabe trong cuộc chiến chống chế độ cầm quyền Rhodesia trước đó, đã biết trước các sự kiện tại Harare và đứng đằng sau hậu thuẫn. 

Ngoài ra, nhiều nguồn tin cho thấy ông Mugabe đang đấu tranh để trì hoãn sự ra đi và giành được sự bảo đảm tương lai cho ông và gia đình ông. 

Chính trường Zimbabwe sẽ đi về đâu

Dù Tổng thống Mugabe tới nay vẫn từ chối từ chức song dư luận đang rất chú ý tới những cái tên nhiều khả năng sẽ đóng vai trò nhất định trong chính phủ chuyển tiếp thời gian tới.

Theo các chuyên gia phân tích, người sẽ lên nắm quyền tại Zimbabwe phải có được sự hậu thuẫn của quân đội, song điều này không đồng nghĩa với việc người đứng đằng sau vụ đảo chính này có thể tự ý làm những gì họ muốn. Thực chất của cuộc đảo chính không phải là sự nổi dậy của công chúng chống lại nền độc tài. Mà là một cuộc đảo chính "cung đình" ngay trong nội bộ đảng cầm quyền ZANU-PF.

Nhà lãnh đạo trong tương lai của Zimbabwe, nhiều khả năng sẽ là cựu Phó Tổng thống Emmerson Mnangagwa-người có mối quan hệ khá thân thiết với giới tướng lĩnh hoặc một người thân tín của ông này, sẽ lại tiếp tục nền chuyên chế của Mugabe, dù yếu tố chi phối cá nhân có thể giảm bớt. 

Trong khi đó nhiều người dân Zimbabwe hy vọng rằng tình hình có thể sẽ mở đường cho một tương lai tương sáng hơn bởi nền kinh tế của quốc gia châu Phi này đã trì trệ trong suốt một thời gian dài.

Nhà phân tích chính trị Earnest Mudzengi nói với hãng tin AFP: “Người dân muốn Hiến pháp được thực thi. Các cuộc đàm phán phải tập trung giải quyết những vấn đề liên quan tới ông Mugabe một cách hiệu quả và tiến bộ”.

Trong khi đó, ông Eldred Masunungure, một giảng viên Đại học Zimbabwe, cho rằng việc thành lập một “liên minh trước bầu cử” có thể là giải pháp khả thi nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng hiện nay.

Những diễn biến tại Zimbabwe tuần qua khiến ngay cả những nhà quan sát nhiều kinh nghiệm nhất về châu Phi cũng phải ngạc nhiên. Hiện vẫn chưa rõ tình hình sẽ đi về đâu, song dù là ai đi chăng nữa thì bên thắng cuộc cũng đều phải có được sự hậu thuẫn của quân đội cũng như những quốc gia có lợi ích to lớn tại quố gia châu Phi này. 

MỚI - NÓNG