Vì sao Putin ra lệnh rút quân khỏi biên giới Ukraine?

Tổng thống Nga Vladimir Putin
Tổng thống Nga Vladimir Putin
Trước khi lên đường tới Trung Quốc, Tổng thống Nga đã gặp gỡ các thành viên Hội đồng An ninh tại Sochi và yêu cầu rút quân đội Nga khỏi biên giới Ukraina. Đây không phải lần đầu tiên ông Putin làm vậy.

Tờ Daily Beast cho biết hai lần trước đó, Putin đã tuyên bố rằng ông đã thu quân, nhưng không có nhiều binh sĩ rời đi. Lần này, theo các chuyên gia chính trị nghiên cứu về vị Tổng thống Nga này cả thập kỷ qua, gồm cả những người thuộc phe tự do lẫn bảo thủ, có vẻ như ông thật sự có ý định nghiêm túc.

Điều gì đã khiến ông Putin thay đổi ý định như vậy? Vì sao ông lại làm cho những người nổi dậy ở đông Ukraina thất vọng khi họ đang trông chờ quân đội Nga như những cứu tinh?

"Những người sáng suốt rõ ràng đã thuyết phục Putin rằng ông ấy đã hơi nhầm về Ukraina" - Igor Bunin, giám đốc Trung tâm Kỹ thuật Chính trị, nhận định.

Bunin cũng liệt kê một loạt lý do cho quyết định của Putin như chi viện cho các vùng Lugansk và Donetsk rất tốn kém cho Nga hay do loạt trừng phạt thứ ba của phương Tây đang đe dọa nền kinh tế Nga".

Nhưng lý do chính cho việc rút quân chính là quân số: "Một là để đem quân vào Ukraina, và một khía cạnh khác là để giữ kiểm soát các vùng bị chiếm đóng" - nhận định của chuyên gia quân sự Alexander Golts.

Putin có trong tay hàng ngàn binh sĩ phản ứng nhanh và đóng cách Lugansk chỉ 50km, trên các tuyến đường dẫn tới Ukraina. Nhưng để kiểm soát hàng triệu người sống ở Lugansk và Donetsk, Nga cần thiết lập hàng ngàn trạm kiểm soát và cần đưa các lính quân dịch tới Ukraina.

"Việc này nghe rất mơ hồ" - ông Golts nói.

Trong vòng hơn hai tháng, Nga đã bảo vệ quyền sử dụng quân đội để bảo vệ những công dân Nga ở Ukraina. Những hình ảnh truyền đi suốt tháng vừa qua cho thấy xe tăng, máy bay chiến đấu, pháo của Nga đã ở gần biên giới, chờ sẵn lệnh của ông Putin kể từ giữa tháng Tư.

Bên kia biên giới, xung đột quân sự leo thang hàng ngày - bản đồ bạo lực bao gồm các thành phố Slovyansk, Kramatorsk, Krasnoarmeisk, Mariupol - và hàng chục gia đình khóc thương bên đám tang của các nạn nhân bên phía lực lượng chính phủ Ukraina lẫn phía nổi dậy.

Tại tâm của cuộc chiến là thị trấn Slovyansk, phe nổi dậy vẫn tin rằng quân đội Nga có thể tới chỉ trong vòng ngày một ngày hai. Nhiều người tự hỏi: "Chú Vova đâu? Ông ấy có giúp không?".

Hằng đêm, ở Slovyansk vẫn nghe thấy tiếng pháo kích. Khu vực từ Odessa tới Donetsk tràn ngập câu chuyện về việc những người dân túy Ukraina giết đàn ông và đàn bà vô tội, nhiều chuyện trong đó là có thật. Nhưng quân đội Nga không bao giờ tới.

Những người ly khai tổ chức trưng cầu dân ý để hợp thức hóa yêu cầu độc lập của mình, nếu như không phải là nhằm sáp nhập vào Nga. Nhưng thậm chí ngay cả trước khi việc này xảy ra, Putin đã tỏ dấu hiệu cho thấy ông sẵn sàng tôn trọng kết quả một cuộc bỏ phiếu khác diễn ra vào tuần này - đó là bầu cử Tổng thống Ukraina, ngày 25/5.

"Giờ đây Moscow sẽ ra dấu hiệu cho phe nổi dậy ngừng chiến đấu - vào cuối tuần này, và Kremlin sẽ công nhận kết quả bầu cử tại Kiev" - ông Bunin nhận định.

Hiểu rõ chương trình nghị sự của Putin nhằm thu phục thêm nhiều vùng lãnh thổ thuộc Liên Xô cũ, những nhân vật diều hâu ở Kremlin không vội vã cất gươm ngay.

Phó Thủ tướng Dmitry Rogozin đã ngầm ám chỉ về căng thẳng vẫn còn kéo dài khi nhắn tin trên mạng xã hội một câu trích dẫn từ Bismarck: "Tôi biết hàng trăm cách để nhử gấu Nga ra khỏi hang, nhưng lại không có cách đưa nó trở lại".

Nhiều người ủng hộ Putin đã thất vọng. "Lúc này, chúng ta đã thua: Chúng tôi giành được 2 triệu người ở Crưm nhưng mất 43 triệu người ở phần còn lại của Ukraina" - chuyên gia Yuriy Krupnov, một chuyên gia có quan hệ với Kremlin nói.

Ông Krupnov đưa ra khả năng rằng "cuộc chiến có thể bắt đầu do hệ quả từ việc chúng tôi thu quân, vì đó là kết quả từ sự yếu kém của chúng tôi". Nhưng ông nói thêm: "Cuộc chiến lớn vẫn còn trước mắt chúng tôi - đó là vì Trung Á".

Theo Lê Thu

Theo VietNamNet
MỚI - NÓNG