Vì sao sóng thần Sumatra không thể dự báo trước?

Vì sao sóng thần Sumatra không thể dự báo trước?
Sau vụ thảm họa xảy ra người ta bắt đầu đặt ra những câu hỏi như: Vì sao có sóng thần? Có thể dự báo được nó hay không?

Các chuyên gia địa chấn Hoa Kỳ cho biết, không ai có thể cưỡng lại được sóng thần nhưng người ta lại hoàn toàn có thể làm giảm thiểu được thiệt hại do sóng thần gây ra nhờ hệ thống cảnh báo từ xa.

Hiện nay thế giới đã có một hệ thống cảnh báo từ xa địa chấn dưới đáy đại dương và sóng thần đối với các vùng biển nằm trong khu vực “vành đai lửa” ven bờ Thái Bình Dương. Hệ thống này được xây dựng từ năm 1965 với thiết kế có thể báo trước khi sóng thần đổ vào đất liền được từ 3 - 14 giờ.

Nhưng rất tiếc, hệ thống cảnh báo địa chấn và sóng thần nói trên lại không hề đặt một bộ cảm nhận sóng (sensor) nào ở khu vực Ấn Độ Dương. Vì thế T rung tâm Địa chấn quốc tế mặc dù ghi được khá đầy đủ chấn động của trận động đất Sumatra cũng như các dư chấn, nhưng lại không có cách nào đo được hướng sóng để dự báo sóng thần cho khu vực 7 quốc gia bị nạn. Trong trận động đất này, Trung tâm Địa chấn Australia đo được hướng sóng của sóng thần nhẹ hướng về phía Nam, nhưng hoàn toàn không đo được hướng sóng về phía Tây.

Thái Lan là một thành viên trong mạng lưới quốc tế đo địa chấn và cảnh báo sóng thần, nhưng ở biển phía Tây nước này cũng không hề đặt một bộ cảm nhận nào về địa chấn và hướng sóng. Do vậy, mặc dù Thái Lan có hệ thống cảnh báo ở vùng biển phía Đông nhưng vẫn không dự báo được đợt sóng thần Sumatra. Điều này khiến Thái Lan phải trả giá đắt là gần 1000 người thiệt mạng do sóng thần đổ lên hai hòn đảo du lịch nổi tiếng Phuket và Phi Phi của nước này nằm phía Ấn Độ Dương.

Theo các nhà địa chấn học tại Trung tâm Thông tin động đất quốc gia có trụ sở ở Golden (bang Colorado, Hoa Kỳ), sóng thần Sumatra đầu tiên có chiều dài khoảng 160 km, cao bằng tòa nhà 2 tầng, di chuyển với tốc độ hơn 900 km/h trên một đoạn đường dài 1.600 km mới đổ vào đất liền. Khi vào đến gần bờ gặp vùng nước nông, do vận tốc lớn lại mang theo một lượng nước khổng lồ, sóng thần giảm dần tốc độ, khiến cho nước dâng lên nhanh chóng tạo thành một bức tường nước đồ sộ đổ ập vào đất liền rồi cuốn ra biển tất cả những gì nó gặp. Sau đó còn vài con sóng thần nữa sinh ra từ dư chấn động đất, nhưng nhỏ hơn.
Giáo sư Charles McCreery - Giám đốc Trung tâm cảnh báo sóng thần gần Honolulu (Hawaii) -cho biết, các thông tin Trung tâm của ông đo được cho thấy trận động đất Sumatra đã tạo ra một vết nứt rất lớn làm biến dạng đáy biển. Vết nứt này dài gần 1000 km chạy từ Bắc xuống Nam quyết định chiều dài, sức mạnh và hướng đi của  con sóng thần Sumatra vừa qua.


Điều kiện để sóng thần xuất hiện

Nếu như sóng thường được sinh ra từ gió và sức hút giữa Trái đất và Mặt trăng cũng như một số tác động thông thường khác, thì sóng thần chủ yếu được sinh ra do tác động của động đất lớn dưới đáy biển. Ngoài ra, những cơn sóng thần nhỏ hơn có thể được sinh ra do núi lở, núi lửa hoạt động hoặc một số tác động khác của thiên văn.

Trong khi sóng thường đổ vào bờ liên tục với tần số lớn, sóng thần chỉ là những con sóng đơn lẻ.  Các con sóng thần nối tiếp nhau nhanh hay cách quãng xa hàng giờ, hàng ngày tuỳ thuộc ở tần suất của các đợt dư chấn động đất. Tuy nhiên cường độ của sóng thần so với sóng thường thì gấp bội vô cùng. Khi có trận động đất lớn dưới đáy đại dương, một lực địa lý mạnh tác động lên đáy biển tạo ra lực đẩy rất mạnh tác động vào một khối lượng nước khổng lồ hướng từ dưới lên mặt biển. Quá trình này tạo ra sóng thần. Động đất càng lớn, sóng thần càng mạnh.


Những nước tham gia nghiên cứu và cảnh báo sóng thần trong hệ thống quốc tế gồm các quốc gia ven bờ Thái Bình Dương và trên biển như Australia, New Zealand, Bắc Mỹ, Nam Mỹ, Nga, Pháp. Ấn Độ và Sri Lanka không tham gia hệ thống này.

Những đợt sóng thần lớn trong lịch sử:

  • Ngày 17/7/1998, sóng thần vào bờ Bắc của Papua New Guinea làm khoảng 2000 người thiệt mạng.
  • Ngày 16/8/1976 sóng thần vào Vịnh Moro (Philippines), 5000 người thiệt mạng
  • 28/3/1964 sóng thần do động đất gần bang Alaska, hơn 100 người Mỹ thiệt mạng.
  • 22/5/1960 sóng thần ở Thái Bình Dương làm chết 1000 người Chilê, hàng trăm người khác ở Haiwaii (Mỹ), Philippines, Okinawa (Nhật Bản).
  • 15/6/1896 sóng thần Sanriku làm chết hơn 26.000 người.
  • 27/8/1833, núi lửa Krakatau hoạt động tạo ra sóng thần làm chết 36.000 người ở đảo Java và Sumatra (Indonesia).
  • 21/7/365 thời Hy Lạp cổ đại, sóng thần làm chết hàng ngàn người ở Alexandria (Ai Cập) và khu vực Địa Trung Hải.
MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.