Vì sao SV nước ngoài bị tấn công ở Nga ?

Vì sao SV nước ngoài bị tấn công ở Nga ?
TPO - Hiện tại có khoảng 80.000 sinh viên nước ngoài đang học tập tại Nga. Họ cảm thấy luôn bị đe doạ bởi các cuộc tấn công của những băng nhóm cực hữu.
Vì sao SV nước ngoài bị tấn công ở Nga ? ảnh 1
Bọn đầu trọc tại Nga là những kẻ chuyên săn lùng SV ngoại quốc (Spiegel)

Sự di cư của các sinh viên nước ngoài đến những vùng an toàn hơn trên đất Nga đã bắt đầu diễn ra.

Đó thực sự là một tin không tốt lành, vào đầu tháng 11/2005 một người đại diện của thành phố St. Petersburg - Nga đã cho biết: Các sinh viên nước ngoài đang rời bỏ thủ đô văn hoá của chúng ta. Còn người quản lý sinh viên nước ngoài đã nói: "Sau cái chết thê thảm của sinh viên Vũ Anh Tuấn - Việt Nam vào năm ngoái, nhiều sinh viên nước ngoài đã rời khỏi thành phố này".

Đến thời điểm hiện tại đã có khoảng 1.500 trong tổng số 15.000 sinh viên đang học tập tại St. Petersburg đã rời đi nơi khác và làn sóng di cư vẫn còn tiếp tục. Sau khi có sự can thiệp tích cực của chính quyền thành phố trong mùa thu vừa qua, hy vọng tình hình phần nào sẽ được cải thiện.

Vào ngày thứ sáu tuần vừa qua có 5 sinh viên Châu Phi đã dính líu vào một vụ ẩu đả với bọn đầu trọc người Nga ở St. Petersburg. Cảnh sát đã bắt giữ tất cả đám gây gổ nhưng chỉ sau có vài giờ nhóm thanh niên Nga đã được thả tự do còn các sinh viên Châu Phi thì vẫn bị giam giữ.

Trước đó, một sinh viên Trung Quốc cũng đã trở thành nạn nhân của bạo lực tại St. Petersburg. Sinh viên này được đưa đến bệnh viện với những vết thương trầm trọng do bị đâm vào ngực và mông.

Những sự việc đã xẩy ra tại St. Petersburg không chỉ đơn thuần là vấn đề nhức nhối của địa phương này. Ngày 20/10/2005 một sinh viên Malaysia cũng đã bị bọn đầu trọc đánh nhừ tử tại thành phố Kursk. Hành vi bạo lực, đẫm máu nhất trong hai tháng 10 và 11 đã xảy ra vào ngày 11/10 ở thành phố Woronesch, một thành phố đông dân cách Moscow 500 km về hướng nam.

Nạn nhân trong vụ này là một sinh viên Peru đã bị rơi vào ổ phục kích của một băng nhóm bài ngoại, 15 tên côn đồ đã tấn công anh bằng chày gỗ và gậy sắt. Chỉ ít phút sau đó chàng thanh niên Peru này đã tắt thở.

Khẩu hiệu của bọn đầu trọc : Nước Nga là của người Nga!

Theo đánh giá của Roman Schell - một sinh viên gốc Phi thì các hành vi bạo lực ở Nga ngày một gia tăng. Chàng sinh viên 22 tuổi này đã trao đổi với báo Tấm gương điện tử như sau: "Nhiều khi đã xảy ra cảnh bọn cực hữu bao vây các ký túc xá của sinh viên nước ngoài làm cho họ không thể ra vào nơi ở của mình được".

Roman Schell đã có 4 năm học tập tại thành phố Woronesch và chuẩn bị kết thúc việc học tập của mình ở thành phố này. Anh cho biết: Các cơ quan có nhiệm vụ đảm bảo anh ninh, trật tự xã hội đã không mấy quan tâm đến các vụ ẩu đả, hành hung người nước ngoài. Bằng chứng là trong 8 năm qua đã có 8 sinh viên nước ngoài bị giết chết tại Nga. Roman Schell đã có lần thử can thiệp và tố cáo với cảnh sát nhưng cũng chỉ nhận được những câu trả lời không rõ ràng từ phía cảnh sát.

Trong năm vừa qua trên toàn nước Nga đã xảy ra 40 vụ tấn công người nước ngoài do sự kỳ thị với tính chất ngày một tàn bạo hơn và khẩu hiệu mà bọn cực hữu thường xuyên hô vang là: "Nước Nga là của người Nga". Các băng nhóm tội phạm như băng nhóm mang tên "Quả đấm Nga" thường xuyên xuất hiện tại các thành phố lớn và gây gổ, đánh đấm nếu màu tóc hay màu da của ai đó làm cho chúng khó chịu.

Số lượng bọn cực hữu tăng nhanh vào đầu những năm 90 của thế kỷ trước. Ban đầu chỉ lẻ tẻ một vài tên đầu trọc nhưng sau 10 năm số lượng đã lên tới 10.000 tên mà chủ yếu tập trung tại các thành phố lớn của nước Nga.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự kỳ thị người nước ngoài đang diễn ra hàng ngày tại Nga. Dưới  thời Liên bang Xô viết các băng nhóm này đã bị trấn áp và không có cơ hội hoạt động một cách công khai. Nhưng sau khi Liên xô tan rã thì tư tưởng cực hữu phát triển mạnh mẽ vì không gặp phải sự phản đối quyết liệt nào từ phía chính quyền.

Rõ ràng rằng việc Nhà nước công nhận quyền tự do của bọn cực hữu và không mạnh tay trừng trị bọn chúng như hiện nay đã vô tình gây nên hậu quả nghiêm trọng cho người nước ngoài nói chung và đặc biệt là sinh viên nước ngoài nói riêng, những người đang học tập và sinh sống tại Nga.

 "Ai sẽ bị giết vào ngày mai?"

Vì sao SV nước ngoài bị tấn công ở Nga ? ảnh 2
Sinh viên Vũ Anh Tuấn bị giết ở St Petersburg

Trong tháng 9/2005 đã có khoảng 100 sinh viên Châu Phi và Châu Á đã tham gia một cuộc tuần hành tại thành phố St. Petersburg để tưởng nhớ một sinh viên người Kongo đã bị bọn cực hữu giết chết. Còn trong tháng 10 đã có trên 1.000 người tham gia vào cuộc biểu tình tại thành phố Woronesch để tưởng nhớ đến một sinh viên người Peru đã thiệt mạng dưới bàn tay bạo lực của bọn đầu trọc.

Đầu tháng 11 các sinh viên ngoại quốc lại có một cuộc tuần hành rầm rộ ở trung tâm thành phố St. Petersburg, họ mang theo những biểu ngữ, băng rôn phản ánh phần nào sự phẫn nộ cũng như hậu quả nghiêm trọng mà bọn vô lại, bọn người theo chủ nghĩa phân biệt chủng tộc đã gây ra. Một trong những băng rôn đó có nội dung như sau: "Nạn nhân của ngày hôm kia là một sinh viên Ả Rập, hôm qua là một sinh viên Việt Nam và hôm nay là một sinh viên Châu Phi. Còn sẽ đến lượt ai bị giết hại vào ngày mai?".

Hiện tại chính quyền thành phố St. Petersburg có dự định bố trí cho các sinh viên nước ngoài học tập trung ở một trường nào đó trong năm dự bị đại học. Bà Walentina Matwijenko, thị trưởng thành phố đã dùng những từ có cánh để trấn an các sinh viên bị "quản thúc" này: "Tại trường nội trú đó có phòng chơi thể thao, phòng hoà nhạc và các dịch vụ giải trí giá rẻ khác". Đặc biệt hơn tại đó còn có quán ăn và quán cà phê chỉ dành cho sinh viên nước ngoài. Nhưng đối với nhiều sinh viên thì tất cả những điều đó không phải là lời giải cho họ.

Tuy nhiên Barry Abdoulaui - Chủ tịch Hội sinh viên Châu Phi tại Nga vẫn muốn tiếp tục ở lại đây cho đến khi kết thúc việc học tập. Chàng sinh viên Châu Phi này đã có mối quan hệ tốt với các bạn bè của anh ấy, họ là những người đang học tập và sinh sống xa quê hương. Barry Abdoulaui đã nói: "Đó là một quyết định đúng đắn. Bọn đầu trọc muốn gì? Chúng tôi cần phải tự bảo vệ mình".

Một sinh viên người Guinea, 26 tuổi đang học tập tại Trường Quan hệ quốc tế Moskau nói: "Ông hiệu trưởng của chúng tôi đã làm tất cả để đảm bảo an toàn cho chúng tôi trong nhà trường", vì vậy các sinh viên hoàn toàn có thể yên tâm học tập. Nhưng việc đi lại hàng ngày của chúng tôi trên đường phố Moscow thì không hề đơn giản chút nào. Chủ tịch Hội sinh viên Châu Phi tại Nga - Barry Abdoulaui còn cho biết: "Nếu có một trận đá bóng tại thành phố này thì hôm đó chúng tôi không thể sử dụng tàu điện ngầm để đi lại vì bọn đầu trọc Nga vô cùng nguy hiểm khi có các trận bóng đá".

Hãy bình tĩnh và không nên quá lo sợ

Ông Holger Finken - người phụ trách Cơ quan trao đổi hàn lâm của Đức (DAAD) tại Nga  cũng không lạ gì tình hình an ninh tại nước này. Ông cho biết: "Nơi đây là nơi mà người ta không nên đi bộ sau lúc nửa đêm". Tuy vậy ông Holger Finken vẫn trấn an mọi người rằng: "Bạo lực do chủ nghĩa cực hữu gây ra ở Nga là một vấn đề lớn nhưng cũng không vì thế mà phải quá lo sợ, mọi người không nên cường điệu hoá sự việc".

Những người Châu Phi, Nam Mỹ và Châu Á là những đối tượng tấn công chủ yếu của bọn đầu trọc. Sau cái chết của một sinh viên Peru tại thành phố Woronesch, gần đây Đại sứ quán Peru đã đưa ra một khuyến cáo đối với các công dân của mình là: Không nên chọn nước Nga để du học tại thời điểm hiện nay. Tuy vậy DAAD không muốn vì thế mà việc trao đổi sinh viên giữa Nga và Đức phải dừng lại mà vẫn muốn được duy trì và phát triển.

Bên cạnh đó vấn đề nên được giải quyết theo một hướng khác. Ông Holger Finken cho biết: Bộ giáo dục Nga cần có những biện pháp hữu hiệu nhằm chống lại bạo lực do bọn cực hữu gây ra.

MỚI - NÓNG