Vì sao Tây Ban Nha liên tiếp bị khủng bố tấn công?

Ảnh: AFP
Ảnh: AFP
TPO - Trong vòng vài giờ đồng hồ, Tây Ban Nha đã phải hứng chịu 2 vụ khủng bố đẫm máu khiến nhiều người chết và bị thương. Các dấu hiệu ban đầu cho thấy, có bàn tay của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đứng sau những thảm kịch này.

Các vụ khủng bố xảy ra trong bối cảnh thời gian gầy đây, các thành viên tổ chức IS liên tiếp tiến hành các vụ tấn công bằng xe tải nhằm vào những người đi bộ ở các nước châu Âu sau khi IS liên tiếp thất thủ tại chiến trường Iraq và Syria.

Diễn biến các vụ khủng bố tại Tây Ban Nha

Hôm 17/8, một vụ tấn công khủng bố đã xảy ra ở Barcelona, làm ít nhất 13 người thiệt mạng, khoảng 100 người khác bị thương. Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy đã gọi hành động này là “chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo cực đoan”.

Vụ việc xảy ra vào khoảng 17h (giờ địa phương), một chiếc xe tải màu trắng đã đi vòng vèo trên đại lộ Las Ramblas, điểm thu hút nhiều khách du lịch khi tới thăm thành phố Barcelona, và tông vào hàng loạt người đi bộ ở khu vực này.

Josep Lluis Trapero, Cảnh sát trưởng Catalonia, cho biết đã bắt giữ hai nghi phạm. Một tên bị bắt ở Alcanar, Tarragona, nơi xảy ra một vụ nổ vào đêm 16/8. Nghi phạm thứ hai bị bắt hôm 17/8 ở Ripoll, Girona, sau vụ ở Barcelona.

Tiếp đó vào ngày 18/8, chính quyền thị trấn Cambrils, vùng Catalonia (Tây Ban Nha), cho biết ít nhất 6 dân thường và 1 cảnh sát đã bị thương khi một chiếc xe tải lao vào người đi bộ ở thị trấn nghỉ dưỡng ven biển này.

Cảnh sát Tây Ban Nha ngày 18/8 cũng đã mở chiến dịch truy quét khủng bố sau 2 vụ tấn công kể trên. 

Trước đó, cảnh sát thông báo đã tiêu diệt 4 nghi can khủng bố và bắn bị thương 1 đối tượng khác trong một chiến dịch nhằm ngăn chặn “một vụ tấn công khủng bố tiềm tàng” ở Cambrils. Đội rà phá bom mìn cũng thực hiện một số vụ nổ có kiểm soát nhằm vô hiệu hóa số chất nổ mà các nghi can này mang theo.

Cảnh sát cho biết chiến dịch này được thực hiện "với giả định rằng các đối tượng tấn công ở Cambrils có thể liên quan đến những gì đang diễn ra tại Barcelona". 

Mục tiêu mới của IS

Tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã nhận trách nhiệm thực hiện các vụ tấn công nhằm vào Tây Ban Nha. Đây thực sự là một vụ tấn công khủng bố đẫm máu nhằm vào Tây Ban Nha trong năm 2017. Câu hỏi đặt ra là tại sao Tây Ban Nha lại trở thành mục tiêu hàng mới của khủng bố trong bối cảnh Tổ chức IS liên tiếp thất thủ tại Iraq và Syria?

Theo hãng tin Amaq có quan hệ với tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS), nhóm này đã thừa nhận gây ra vụ tấn công đẫm máu nói trên.

Tuyên bố do Amaq đăng tải nêu rõ: "Những người thực hiện vụ tấn công ở Barcelona là những binh sĩ của Nhà nước Hồi giáo và tiến hành chiến dịch này nhằm hưởng ứng những lời kêu gọi tấn công vào các quốc gia tham gia liên quân chống IS ở Iraq và Syria". 

Đặc biệt, hiện Tây Ban Nha có khoảng vài trăm quân nhân ở Iraq đang huấn luyện cho các lực lượng địa phương trong cuộc chiến chống lại IS nhưng không tham gia vào các hoạt động trên thực địa.

Việc IS chọn Tây Ban Nha làm mục tiêu tấn công mới là nhằm cảnh báo chính phủ Tây Ban Nha chớ có dính líu quá sâu vào cuộc chiến chống IS do Mỹ đứng đầu.

Mục tiêu dễ tấn công

Las Ramblas là một trong những con phố sầm uất nhất Tây Ban Nha với nhiều cửa hàng, nhà hàng, nơi tập trung nhiều cửa hiệu và nhà hàng thu hút đông đảo du khách tới tham quan cùng với những nghệ sĩ đường phố biểu diễn đến tận đêm muộn. Điều này vô tình trở thành miếng mồi ngon cho những con sói đơn độc của IS thực hiện các hành vi khủng bố đẫm máu.

Các chuyên gia phân tích cho rằng, những vụ tấn công liên tiếp này có thể là lời cảnh báo để Tây Ban Nha ngừng lại các hoạt động trợ giúp cuộc chiến chống IS tại chiến trường Iraq.

Tây Ban Nha quyết không lùi bước

Sau khi một loạt vụ khủng bố đẫm máu xảy ra, Hoàng gia Tây Ban Nha đã lên án vụ đâm xe ở Barcelona, khẳng định đất nước sẽ không bị khiếp sợ vì hành động này.

Trên trang mạng Twitter, Hoàng gia Tây Ban Nha nhấn mạnh: "Chúng là những kẻ ám sát, những tên tội phạm sẽ không khiến chúng ta khiếp sợ. Cả nước Tây Ban Nha hướng về Barcelona".

Đặc biệt, Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy tuyên bố "những kẻ khủng bố sẽ không bao giờ chiến thắng một dân tộc đoàn kết", đồng thời kêu gọi hỗ trợ cho các nạn nhân của vụ tấn công này. 

Trong khi đó, các nhà lãnh đạo nhiều nước trên thế giới đã kịch liệt lên án vụ tấn công, đồng thời bày tỏ tình đoàn kết, sát cánh cùng Tây Ban Nha trong cuộc chiến chống khủng bố. 

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) lên án vụ tấn công khủng bố trên bằng những ngôn từ mạnh mẽ nhất, đồng thời bày tỏ chia buồn sâu sắc tới gia đình nạn nhân cũng như Chính phủ Tây Ban Nha. Bên cạnh đó, HĐBA LHQ tái khẳng định chủ nghĩa khủng bố dưới mọi hình thức là một trong những mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với hòa bình và an ninh thế giới.

Các ủy viên HĐBA cũng thể hiện tinh thần đoàn kết với Tây Ban Nha trong cuộc chiến chống khủng bố và nhấn mạnh cần tăng cường nỗ lực quốc tế nhằm ngăn chặn chủ nghĩa khủng bố và cực đoan. 

Trên Twitter, Tổng thống Mỹ Donald Trump viết: Nước Mỹ mạnh mẽ lên án vụ tấn công ở Barcelona, chúng tôi sẽ làm mọi cần thiết để giúp đỡ”. Ông kêu gọi nhân dân Tây Ban Nha mạnh mẽ, cùng vượt qua thời khắc khó khăn này.

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson nói nhà chức trách nước này đang cung cấp hỗ trợ lãnh sự cho những người Mỹ ở Barcelona. Ông khẳng định Mỹ và các đồng minh quyết tâm truy lùng những kẻ khủng bố và đưa chúng ra trước công lý.

Các lãnh đạo châu Âu cũng bày tỏ cảm thông với gia đình các nạn nhân, đồng thời lên án mạnh mẽ vụ tấn công. Trong một tuyên bố, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker gọi đây là vụ tấn công “hèn hạ” cố tình nhằm vào những người đang dành thời gian bên gia đình và bạn bè, đồng thời nhấn mạnh thế giới sẽ không bao giờ sợ hãi trước hành động dã man như vậy.

Về phần mình, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk khẳng định toàn thể châu Âu sát cánh cùng Barcelona, đồng thời gửi lời chia buồn đến các nạn nhân trong vụ khủng bố hèn hạ. 

Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras cũng bày tỏ sự cảm thông với gia đình các nạn nhân cũng như thể hiện tinh thần đoàn kết với người dân Tây Ban Nha trong thời khắc đau thương này. Thủ tướng Đan Mạch Lars Loekke Rasmussen bày tỏ bàng hoàng khi được thông báo về vụ tấn công, trong đó 2 công dân nước này bị thương. Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto lưu ý các phần tử khủng bố lại nhằm vào châu Âu, đồng thời cho biết ông đang theo dõi sát sao tình hình hiện nay.

Thủ tướng Anh Theresa May khẳng định Anh luôn sát cánh với Tây Ban Nha chống khủng bố. Ngoại trưởng Anh Boris Johnson thì nói ông "lo ngại và đau buồn" về vụ việc xảy ra ở một trong các khu thương mại sầm uất nhất ở Barcelona.

Cũng trên trang Twitter, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết, vụ việc xảy ra ở Barcelona là một vụ "tấn công thảm khốc”. Ông lên tiếng bày tỏ tình đoàn kết với Tây Ban Nha sau vụ việc.

Điện Kremlin cho biết, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã kêu gọi thế giới đoàn kết trong một cuộc chiến không khoan nhượng chống các lực lượng khủng bố.

Phát ngôn viên Văn phòng Thủ tướng Đức cho hay nước này kịch liệt lên án "vụ tấn công kinh hoàng" ở Barcelona. Ông nhấn mạnh Berlin chia sẻ nỗi buồn với gia đình các nạn nhân, và bày tỏ tình đoàn kết với người dân Tây Ban Nha.

Các vụ khủng bố đẫm máu liên tiếp tại Tây Ban Nha một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về các hệ quả an ninh sau khi tổ chức IS bị đánh bật khỏi Iraq và các thành trì của chúng tại Syria. Điều này một lẫn nữa cho thấy, cuộc chiến chống khủng bố không chỉ của một vài quốc gia đơn lẻ mà nó là cuộc chiến cần có sự chung tay của toàn cầu.

MỚI - NÓNG