Việt Nam - Campuchia: Định hướng lớn cho giai đoạn mới

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hội đàm với Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni. Ảnh: TTXVN.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hội đàm với Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni. Ảnh: TTXVN.
TP - Trong chuyến thăm cấp nhà nước đến Campuchia, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã cùng các nhà lãnh đạo Campuchia nhìn lại quá trình phát triển quan hệ hai nước trong 50 năm qua và trao đổi về những định hướng lớn phát triển quan hệ hai nước trong thời kỳ mới.  

Hôm qua, Lễ đón chính thức dành cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam được tổ chức trọng thể tại Hoàng cung theo nghi thức cao nhất dành cho nguyên thủ quốc gia, do Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni chủ trì. Sau lễ đón, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Quốc vương Norodom Sihamoni tiến hành hội đàm.

Dấu mốc lịch sử đặc biệt quan trọng

Quốc vương Norodom Sihamoni khẳng định, chuyến thăm lần này của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một dấu mốc lịch sử đặc biệt quan trọng trong quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện Việt Nam - Campuchia, diễn ra đúng vào dịp hai nước tổ chức trọng thể nhiều hoạt động kỷ niệm 50 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao. Hai nhà lãnh đạo khẳng định trước sau như một sẽ cùng nhau làm hết sức mình để giữ gìn, phát huy và truyền tiếp cho các thế hệ mai sau tình đoàn kết hữu nghị truyền thống và sự hợp tác toàn diện Việt Nam - Campuchia mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững. 

Chiều 20/7, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hội kiến Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia, Thủ tướng Hun Sen. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Hun Sen khẳng định, dù thế giới có nhiều chuyển biến, nhưng tình đoàn kết, hữu nghị giữa hai dân tộc Việt Nam - Campuchia là không thể chia rẽ. Hai nhà lãnh đạo nhất trí cho rằng, bên cạnh việc tăng cường, duy trì thường xuyên, hiệu quả các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc giữa lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước, cần mở rộng hợp tác rộng rãi giữa các bộ, ngành, tổ chức nhân dân, địa phương, nhất là các địa phương có chung biên giới…

Trên lĩnh vực hợp tác quốc phòng, an ninh, hai nhà lãnh đạo tái khẳng định nguyên tắc không để bất cứ lực lượng chính trị, quân sự nào sử dụng lãnh thổ nước này để đe dọa an ninh nước kia; nhấn mạnh tăng cường phối hợp trong các hoạt động nhân đạo; phối hợp quản lý dân cư, tuần tra, kiểm soát chặt chẽ trên tuyến biên giới, các cửa khẩu, hoạt động trên biển, đấu tranh phòng, chống hiệu quả các loại tội phạm xuyên biên giới. Hai nhà lãnh đạo nhất trí tiếp tục tăng cường tìm kiếm, cất bốc và hồi hương hài cốt liệt sỹ quân tình nguyện Việt Nam hy sinh tại Campuchia và trùng tu, tôn tạo các Đài Hữu nghị Việt Nam-Campuchia, Campuchia-Việt Nam tại mỗi nước. 

Về kinh tế, hai nhà lãnh đạo nhất trí đẩy mạnh kết nối hai nền kinh tế Việt Nam - Campuchia phát triển bền vững, lâu dài trên nguyên tắc bổ sung, tương trợ lẫn nhau và cùng có lợi. Theo đó, cần thực hiện tốt các hiệp định, thỏa thuận hợp tác giữa tất cả các cấp của hai nước; có các giải pháp, biện pháp cụ thể, đồng bộ để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách; coi trọng kết nối hạ tầng giao thông, năng lượng, du lịch, thị trường nông-lâm-hải sản…

Về vấn đề biên giới giữa hai nước, hai nhà lãnh đạo tái khẳng định tôn trọng và thực hiện đầy đủ các hiệp ước hoạch định biên giới, các hiệp định biên giới liên quan đã ký giữa hai nước, đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành công tác cắm mốc phụ, cọc dấu, tiến tới ký kết văn kiện pháp lý để ghi nhận kết quả 84% phân giới cắm mốc đã hoàn thành; tiếp tục tìm giải pháp công bằng, hợp lý giải quyết dứt điểm các đoạn biên giới còn tồn đọng nhằm hoàn thành toàn bộ công tác phân giới, cắm mốc trên đất liền; xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển bền vững giữa hai nước; kiên quyết phối hợp chặt chẽ đấu tranh với những luận điệu và hành động lợi dụng vấn đề biên giới để phá hoại quan hệ hai nước. Thủ tướng Hun Sen khẳng định Campuchia sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho kiều dân Việt Nam có cuộc sống ổn định và được đối xử công bằng như các ngoại kiều khác tại Campuchia, phù hợp với luật pháp và các quy định của Campuchia. 

Trao đổi về hoạt động tại các tổ chức quốc tế và khu vực, diễn đàn đa phương, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Hun Sen nhất trí sẽ tăng cường trao đổi thông tin, phối hợp hiệu quả tại các diễn đàn đa phương; cùng các nước trong khu vực tìm kiếm giải pháp hữu hiệu bảo đảm giữ vững môi trường hòa bình, an ninh và phát triển ở khu vực; cùng nhau nỗ lực xây dựng Cộng đồng ASEAN đoàn kết, vững mạnh. Về hợp tác Tiểu vùng Mekong, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, cần thực hiện hiệu quả các sáng kiến hợp tác trên cơ sở bảo vệ môi trường, không làm ảnh hưởng tiêu cực đến người dân sinh sống dọc sông Mekong; tích cực xây dựng khu vực Tam giác phát triển giữa ba nước Campuchia, Việt Nam và Lào thành khu vực hữu nghị, ổn định và phát triển bền vững.

Về vấn đề biển Đông, hai bên nhất trí tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các nước có liên quan thúc đẩy giải quyết tranh chấp ở biển Đông bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, và các cam kết khu vực, thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông, sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông.

Tặng Campuchia công trình 25 triệu USD

Chiều 20/7, tại Trụ sở Quốc hội Campuchia, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hội kiến Chủ tịch danh dự Đảng Nhân dân Campuchia, Chủ tịch Quốc hội Campuchia Heng Samrin. Tổng Bí thư đề nghị Chủ tịch Quốc hội Heng Samrin tiếp tục chỉ đạo để tăng cường hơn nữa sự  phối hợp, hợp tác giữa các ủy ban của Quốc hội hai nước, nhất là trao đổi kinh nghiệm, chuyên môn nghiệp vụ trong lĩnh vực lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề lớn của đất nước; tăng cường phối hợp kiểm tra, đôn đốc, thúc đẩy các bộ, ngành, địa phương, kể cả các doanh nghiệp tích cực triển khai thực hiện có hiệu quả các hiệp ước, hiệp định, thỏa thuận đã ký kết giữa hai nước. 

Nhân dịp này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thông báo với Chủ tịch Quốc hội Heng Samrin về việc Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam quyết định tặng Quốc hội Campuchia công trình nhà làm việc của Ban Thư ký và các ủy ban của Quốc hội Campuchia. Dưới sự chứng kiến của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch Quốc hội Heng Samrin, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu và Phó Chủ tịch thứ hai Quốc hội Campuchia đã ký bản ghi nhớ về công trình quà tặng này. 

Cùng ngày, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hội kiến Phó Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia, Chủ tịch Thượng viện Campuchia Say Chhum. Hai nhà lãnh đạo nhất trí hai bên sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác, trao đổi kinh nghiệm về hoạt động lập pháp; đôn đốc việc triển khai có hiệu quả các hiệp ước, hiệp định, thỏa thuận đã ký kết giữa hai nước, góp phần làm sâu sắc hơn nữa, thiết thực hơn nữa quan hệ đoàn kết hữu nghị truyền thống và sự hợp tác toàn diện Việt Nam-Campuchia… 

Ký Tuyên bố chung và các thỏa thuận hợp tác

Hôm qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Campuchia Hun Sen chứng kiến lễ ký Tuyên bố chung về tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác Việt Nam-Campuchia và các văn bản thỏa thuận hợp tác giữa hai nước, bao gồm: Khung thỏa thuận giữa hai chính phủ về kết nối hai nền kinh tế Việt Nam - Campuchia;  Nghị định thư về hợp tác cứu hộ, cứu nạn thường xuyên khu vực biên giới trên đất liền giữa hai Bộ Quốc phòng; Bản ghi nhớ về việc hợp tác phát triển dự án các nhà máy thủy điện, đấu nối hệ thống điện và mua - bán điện giữa Việt Nam và Campuchia; Biên bản hợp tác giữa Công ty Metfone Viettel với Viện Công nghệ thông tin, truyền thông quốc gia, Bộ Bưu chính viễn thông Campuchia về việc xây dựng Chính phủ điện tử Campuchia.

MỚI - NÓNG