Việt Nam, Iceland hợp tác thủy sản, năng lượng sạch

Việt Nam, Iceland hợp tác thủy sản, năng lượng sạch
TP - Hội đàm với Tổng thống Iceland Ólafur Ragnar Grímsson ngày 4/11 tại Hà Nội, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đề nghị hai bên hỗ trợ các doanh nghiệp hai nước tìm hiểu cơ hội kinh doanh và kết nối, nhất là trong lĩnh vực đánh bắt, chế biến hải sản, năng lượng tái tạo. 

Chủ tịch nước cảm ơn Iceland và các nước khối thương mại tự do châu Âu công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường; mong Iceland thúc đẩy đàm phán hiệp định thương mại tự do giữa hai bên, có tính đến chênh lệch trình độ phát triển, và kết thúc đàm phán trong thời gian sớm nhất. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng đề nghị hai nước nghiên cứu khả năng đàm phán, ký kết các văn bản hợp tác về giáo dục-đào tạo, giúp Việt Nam đào tạo chuyên gia về thủy sản, năng lượng, môi trường; đồng thời trao đổi kinh nghiệm về đẩy mạnh an sinh xã hội, bình đẳng giới, chăm sóc trẻ em, người khuyết tật Việt Nam.

Tổng thống Ólafur Ragnar Grímsson cho biết, mục đích chuyến thăm Việt Nam lần này là để mở rộng hợp tác trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là để chia sẻ với Việt Nam kinh nghiệm đánh bắt thủy sản bền vững, khai thác và sử dụng năng lượng sạch, thúc đẩy học thuật giữa các trường đại học của hai nước. Iceland đặc biệt quan tâm việc ký kết hiệp định khung về biến đổi khí hậu toàn cầu, trong đó có đề cập hiện tượng tan băng làm nước biển dâng, ảnh hưởng nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Iceland sẵn sàng giúp Việt Nam về phát triển năng lượng tái tạo như một trong những cách ứng phó biến đổi khí hậu, vì môi trường. Tổng thống Iceland cho biết, trong chuyến thăm, sẽ tổ chức hai hội thảo tại Việt Nam về đánh bắt hải sản và năng lượng tái tạo, điện nhiệt. Ông khẳng định sẽ cung cấp thêm học bổng cho sinh viên Việt Nam về các lĩnh vực này cùng với việc tận dụng các chương trình đào tạo hiện có của Liên Hợp Quốc (LHQ) tại Iceand về thủy sản và địa nhiệt.

Về vấn đề biển Đông, hai nhà lãnh đạo chia sẻ quan ngại về những diễn biến gần đây, nhấn mạnh sự cần thiết phải giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp luật pháp quốc tế, Hiến chương LHQ, đặc biệt là Công ước LHQ về Luật Biển 1982. Các bên liên quan cần sớm thỏa thuận Bộ quy tắc ứng xử có tính chất rằng buộc, coi đây là phương thức hữu hiệu để đảm bảo hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không và giao thương tại biển Đông.

Sau hội đàm, hai nhà lãnh đạo chứng kiến lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực địa nhiệt giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Ngoại giao Iceand, Bản ghi nhớ hợp tác giữa ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Reykjavík.

MỚI - NÓNG