Việt Nam, Indonesia ký nhiều văn kiện hợp tác

 Tổng thống Indonesia Joko Widodo đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: TTXVN.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: TTXVN.
TP - Trưa 23/8, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Indonesia, tại Phủ Tổng thống ở thủ đô Jakarta, ngay sau khi kết thúc hội đàm cấp cao, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Indonesia Joko Widodo chứng kiến Lễ ký kết các văn kiện hợp tác giữa hai nước.

Các văn kiện được ký kết bao gồm Bản ghi nhớ về hợp tác giữa Bộ Tư pháp Việt Nam với Bộ Tư pháp và Nhân quyền Indonesia; Bản ghi nhớ về hợp tác phát triển thông tin giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam với Bộ Phát triển làng xã các vùng khó khăn và nhập cư Indonesia; Bản ghi nhớ về hợp tác sử dụng khí gas tại khu vực biên giới giữa Bộ Công Thương Việt Nam với Bộ Năng lượng và Tài nguyên khoáng sản Indonesia.

Ngoài ra, còn có Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực than giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Năng lượng và Tài nguyên khoáng sản Indonesia; Ý định thư về tăng cường hợp tác giữa cảnh sát biển Việt Nam và Indonesia; và Bản ghi nhớ về hợp tác giáo dục giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Indonesia.

Phát biểu tại cuộc họp báo ngay sau lễ ký kết, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Indonesia Joko Widodo bày tỏ hài lòng về kết quả hội đàm giữa hai bên. Trên tinh thần cởi mở, thẳng thắn, hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, hai bên cùng nhìn lại mối quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện giữa hai nước thời gian qua và trao đổi sâu rộng về các định hướng, các biện pháp làm sâu sắc hơn nội hàm quan hệ đối tác chiến lược, đưa quan hệ hai nước ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả và thực chất trên tất cả các lĩnh vực.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo nêu rõ, Việt Nam là đối tác chiến lược của Indonesia từ năm 2013. Indonesia và Việt Nam đều là thành viên của ASEAN. Việt Nam hiện là Chủ tịch của APEC 2017 và là nước chủ nhà của Hội nghị Cấp cao APEC vào tháng 11 tới. Indonesia luôn ủng hộ vai trò Chủ tịch APEC của Việt Nam. Tổng thống cho biết, trong cuộc hội đàm, hai bên đã đi sâu vào 3 vấn đề chính: hàng hải, thủy sản; thương mại, đầu tư và các vấn đề khu vực. Hai nước thống nhất đẩy nhanh quá trình đàm phán phân định vùng đặc quyền kinh tế; tiếp tục đối với việc đạt được vùng đánh bắt và hạn chế việc đánh bắt trái phép.

Hai bên đã thảo luận về các biện pháp và sáng kiến mới để đạt được mục tiêu kim ngạch thương mại 10 tỷ USD trong thời gian tới. Là nhà sản xuất và xuất khẩu chủ chốt các sản phẩm cà phê, hạt tiêu trên thế giới, Indonesia nhất trí đưa ra các biện pháp cụ thể trong việc quản lý, giữ vững sự ổn định về giá và nâng cao chất lượng của hai sản phẩm này.

Hai bên đã trao đổi về các vấn đề khu vực cùng quan tâm, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giữ gìn đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN, việc hợp tác và hình thành tầm nhìn Cộng đồng ASEAN vào năm 2025. Indonesia chúc mừng những thành tựu đạt được về Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở biển Đông, coi đây là cơ sở mạnh mẽ cho giải quyết các vấn đề tại biển Đông, tiếp tục duy trì sự ổn định, hòa bình và phồn vinh trong khu vực.

Chân thành, cầu thị sẽ đồng thuận

Chiều 23/8, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đến thăm Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Indonesia (CSIS), một cơ quan nghiên cứu hàng đầu của Indonesia và khu vực, thành viên mạng lưới các viện nghiên cứu quốc tế của ASEAN. Tại CSIS, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có bài nói chuyện với chủ đề: “ASEAN: 50 năm hình thành, phát triển và chặng đường phía trước” trước hàng trăm học giả, nhà nghiên cứu của Indonesia và các đại sứ, đại diện cơ quan ngoại giao một số nước tại Jakarta. 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ những bài học đã giúp ASEAN thành công trong suốt 50 năm qua. Đó là bài học về giữ vững “độc lập, tự cường,” “đoàn kết, thống nhất,” giữ được “vai trò trung tâm” trong các cơ chế hợp tác khu vực, kiên trì “phương thức ASEAN” - tham vấn và đồng thuận. Một ASEAN đoàn kết, thống nhất, vững mạnh, tăng cường liên kết nội khối và mở rộng quan hệ với bên ngoài là lợi ích lớn nhất của tất cả các nước. Đồng thời, ASEAN có thể đóng vai trò “trung gian tích cực” giúp giải quyết những mâu thuẫn lợi ích, duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực. 

Để hiện thực hóa “Tầm nhìn ASEAN 2025”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, ASEAN cần nỗ lực thực hiện 3 điểm: xây dựng thành công Cộng đồng ASEAN thực sự gắn kết, vững mạnh và phát triển thịnh vượng; duy trì và củng cố hòa bình, ổn định của khu vực; tăng cường quan hệ với các đối tác bên ngoài, đồng thời củng cố, phát huy hiệu quả vai trò trung tâm của ASEAN trong các cấu trúc đang định hình ở khu vực. 

Tại cuộc nói chuyện, nhà nghiên cứu của CSIS đề cập vấn đề: ASEAN có hai nguyên tắc cơ bản là tham vấn và đồng thuận, nhưng hiện nay nguyên tắc đồng thuận khó đạt được khi các quốc gia trong khu vực có lợi ích khác nhau. Vậy ASEAN cần phải làm gì để thúc đẩy các vấn đề khu vực mà các bên cùng quan tâm? Trao đổi về vấn đề này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, phương thức ASEAN bắt nguồn từ cách tiếp cận văn hóa tham vấn và đồng thuận, đồng thuận tạo ra sự đoàn kết của ASEAN và nguyên tắc này đã được ghi trong Hiến chương ASEAN. Nhiều vấn đề của ASEAN đã được giải quyết trên nguyên tắc đồng thuận. Đồng thuận tạo ra sự đoàn kết và đoàn kết thì đồng thuận càng cao. Cả lý luận và thực tế cho thấy, ASEAN cần tiếp tục kiên trì thực hiện phương châm này. 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, các bên liên quan cần tham vấn, trao đổi để đi đến đồng thuận, nếu không đồng thuận được thì khó đoàn kết. Để đạt được đồng thuận có hai yếu tố, bản thân từng nước phải chân thành, cầu thị, đồng thời phải có cơ chế, quy tắc, quy định. Tổng Bí thư nhấn mạnh, chân thành và cầu thị, đặt lợi ích của mình trong lợi ích chung của khu vực, đồng thời với việc xây dựng các cơ chế, quy chế, quy định thì chắc chắn sẽ đạt được đồng thuận.

Chiều 23/8, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có cuộc gặp thân mật với Chủ tịch Đảng Dân chủ Đấu tranh Megawati Sukarnoputri tại nhà riêng. Tổng Bí thư nhấn mạnh, Đảng Cộng sản Việt Nam coi trọng và mong muốn mở rộng quan hệ với Đảng Dân chủ Đấu tranh. 

MỚI - NÓNG