Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh:

Việt Nam kiên trì đường lối làm bạn với tất cả các nước

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh trả lời báo chí ngày 5/1 tại Hà Nội. Ảnh: Trúc Quỳnh
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh trả lời báo chí ngày 5/1 tại Hà Nội. Ảnh: Trúc Quỳnh
TP - Năm 2016 có thể tổng kết là năm bất ổn, khó lường, với sự trỗi dậy của tư tưởng chống toàn cầu hóa, liên kết kinh tế; chủ nghĩa dân tộc, dân túy gia tăng. Năm 2017 sẽ còn có nhiều thay đổi, có những tình huống khó dự báo.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhận định như vậy trong cuộc trả lời báo chí hôm 5/1 để nói về kết quả hoạt động đối ngoại của Việt Nam năm 2016 và phương hướng năm 2017.

Phó Thủ tướng cho rằng, dù tình hình năm nay vẫn phức tạp, khó lường, thế giới còn chứng kiến nhiều thay đổi, Việt Nam vẫn sẽ kiên trì đường lối làm bạn với tất cả các nước, đa dạng hóa, đa phương hóa… để phát triển lợi ích chung với các nước, tiếp tục duy trì hòa bình, ổn định.

Đánh giá về sự thay đổi chính trị ở Mỹ, Philippines… sẽ gây ra những thách thức như thế nào đối với Việt Nam, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nói rằng, sự thay đổi chính quyền ở các nước là chuyện diễn ra định kỳ vài năm. Điều quan trọng là chúng ta không thúc đẩy quan hệ với một chính quyền nhất định, mà ta thiết lập khuôn khổ quan hệ với những nước đó. Vì thế, khi các nước thay đổi chính quyền, Việt Nam vẫn tiếp tục thúc đẩy quan hệ với họ, dù cần có điều chỉnh trong những hoàn cảnh cụ thể.

Đánh giá về tình hình biển Đông, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nói rằng, biển Đông năm 2016 vẫn chứng kiến nhiều diễn biến phức tạp với các hoạt động bồi đắp, mở rộng, xây dựng đảo nhân tạo, thiết lập cơ sở quân sự… Năm qua chứng kiến Tòa Trọng tài quốc tế đưa ra phán quyết cho vụ kiện mà Philippines đệ trình nhằm xác định quy chế của các thực thể trên biển Đông và làm rõ những yêu sách chủ quyền dựa trên luật pháp quốc tế. ASEAN trong năm 2016 cũng ra tuyên bố tại hội nghị bộ trưởng bày tỏ lo ngại trước các diễn biến trên biển Đông, kêu gọi giải quyết hòa bình các tranh chấp dựa trên luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, sử dụng các tiến trình ngoại giao và pháp lý…

Đối với Việt Nam, chủ trương của ta là giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, dựa trên luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982. Khi Tòa trọng tài tiếp nhận vụ kiện, ta đã có tuyên bố công nhận thẩm quyền của Tòa, đồng thời bác bỏ yêu sách “đường lưỡi bò”. Khi Tòa ra phán quyết, Việt Nam đã hoan nghênh. Đó là những quan điểm chính thức của chúng ta. Phó Thủ tướng cho biết, Việt Nam đang đàm phán với Trung Quốc về phân định ngoài cửa vịnh Bắc bộ, thương lượng với Indonesia và đàm phán với Malaysia về biên giới trên biển.

Mời ông Trump thăm Việt Nam

Nói về một trong những sự kiện đối ngoại chính trong năm 2017 là Hội nghị cấp cao APEC (Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương), Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết, Việt Nam đã mời lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC đến tham dự hội nghị và thăm song phương. Việt Nam cũng đã chuyển lời đến Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump. Ông Trump sẽ chính thức nhậm chức ngày 20/1 tới. Ngay sau khi có kết quả bầu cử tổng thống Mỹ, Việt Nam đã gửi điện mừng đến ông Trump. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng sớm có cuộc điện đàm với ông Trump ngày 4/12 và đã chuyển lời mời ông đến thăm Việt Nam vào tháng 11 năm nay. Phó Thủ tướng cho biết, APEC là hội nghị quan trọng của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, và lãnh đạo các nền kinh tế sẽ tham dự hội nghị này vì lợi ích của họ.

Đánh giá về ASEAN một năm sau khi Cộng đồng ASEAN ra đời, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nói rằng, hành trình xây dựng Cộng đồng vẫn tiếp diễn; Việt Nam cùng các nước thành viên về cơ bản đã hoàn thành các tiêu chí xây dựng Cộng đồng. Năm 2016, ASEAN đã tạo ra sự thống nhất về thị trường, với việc dỡ bỏ các hàng rào thuế quan, tạo thuận lợi cho liên kết, sản xuất… ASEAN đã bắt đầu tính đến sự phát triển của Cộng đồng sau năm 2025. Nhưng đối với Việt Nam, sau một năm hội nhập thị trường chung rộng lớn, ta thấy còn nhiều vấn đề chưa được như mong muốn của những người xây dựng Cộng đồng. Việt Nam được hưởng lợi từ sự thống nhất về chính trị, sự thuận lợi hơn trong di chuyển nội khối…, nhưng thương mại thụt lùi. Trao đổi thương mại của Việt Nam với ASEAN giảm 8% trong năm 2016, trong khi các nước khác như Thái Lan tranh thủ được nhiều cơ hội từ thị trường chung. Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho rằng, điều này cho thấy sự nhạy bén của doanh nghiệp Việt Nam chưa cao. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn hướng vào những thị trường bên ngoài và chưa tận dụng thị trường ASEAN, hoặc hàng hóa Việt Nam vẫn chưa tạo được khác biệt so với hàng hóa các nước khác trong khối.

Tuần sau, Ngoại trưởng Mỹ thăm Việt Nam

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh hôm qua cho biết, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry sẽ thăm Việt Nam trong tuần tới. Ông Kerry dự kiến thăm Việt Nam trong tháng 12, nhưng do nhiều vấn đề nên phải hoãn. Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nói rằng, Ngoại trưởng Kerry là người rất quan tâm đến quan hệ Việt - Mỹ và ông đã có nhiều đóng góp tích cực thúc đẩy quan hệ song phương từ trước khi ông làm ngoại trưởng. Chuyến thăm của ông Kerry lần này cho thấy quan hệ Việt - Mỹ phát triển tích cực theo đúng khuôn khổ mà hai nước đã thiết lập.

MỚI - NÓNG