Việt Nam nêu quan điểm việc Mỹ đưa 2 tàu chiến vào Trường Sa

Việt Nam nêu quan điểm việc Mỹ đưa 2 tàu chiến vào Trường Sa
TPO - Ngày 15/2, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng trả lời câu hỏi phóng viên về việc tàu hải quân Mỹ vừa qua đã đi qua khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam

Bà Hằng nêu rõ, lập trường của Việt Nam về vấn đề chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán ở biển Đông là rõ ràng, phù hợp với luật pháp quốc tế và đã được nhấn mạnh nhiều lần.

Quan điểm đó là, với tư cách là quốc gia thành viên Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và là quốc gia ven Biển Đông, Việt Nam luôn tôn trọng quyền tự do hàng hải, hàng không ở biển Đông của các quốc gia, phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế, cụ thể là Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Những yêu sách biển và hành động liên quan của các quốc gia ven biển cần phù hợp với luật pháp quốc tế như được phản ánh trong Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982. 

“Việt Nam đề nghị các nước tiếp tục có đóng góp tích cực, thiết thực vào việc duy trì hòa bình, ổn định, tôn trọng và thực hiện các nghĩa vụ pháp lý quốc tế liên quan, thượng tôn pháp luật trên các vùng biển và đại dương”, bà Hằng nói.

Hôm 11/2, báo Japan Times dẫn lời phát ngôn viên Hạm đội 7 cho biết 2 tàu khu trục Mỹ là USS Spruance và USS Preble đã “triển khai các chiến dịch tự do hàng hải trên biển Đông” bằng chuyến đi vào vùng 12 hải lý của quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Chuyến tuần tra này được thực hiện “nhằm thách thức những đòi hỏi chủ quyền trên biển quá mức và duy trì khả năng tiếp cận các tuyến hàng hải như quy định của luật quốc tế”, Phát ngôn viên Hạm đội 7 Joe Keiley nói.

Hạm đội 7 không nói cụ thể hai tàu khu trục đã tiến gần cấu trúc nào của quần đảo Trường Sa. Reuters dẫn lời một quan chức Mỹ giấu tên cho biết hai tàu Mỹ đã vào gần đá Vành Khăn. 

Cấu trúc này đã bị Trung Quốc cải tạo quy mô lớn và xây dựng một đường băng cấp độ quân sự. Các báo cáo gần đây cho biết Trung Quốc đã đưa ra đây tên lửa, xây dựng các kho chứa quy mô lớn và hệ thống theo dõi vệ tinh, hoạt động quân sự và thông tin liên lạc của nước ngoài.

Trung Quốc luôn nói những hạ tầng đó cũng như trên các thực thể khác mà nước này chiếm đóng trên biển Đông là vì mục đích phòng vệ, nhưng các chuyên gia quốc tế khẳng định đó là một phần của nỗ lực nhằm kiểm soát thực tế vùng biển quan trọng này.

MỚI - NÓNG