Việt Nam phấn đấu vượt qua các rào cản gia nhập WTO

Việt Nam phấn đấu vượt qua các rào cản gia nhập WTO
(TPO) Việt Nam đang đề ra các biện pháp cụ thể để khắc phục những khó khăn nảy sinh sau khi gia nhập Tổ chức Thương Mại Thế giới WTO. Bài phân tích và bình luận của Tân Hoa xã đăng tải hôm nay (18/7).
Việt Nam phấn đấu vượt qua các rào cản gia nhập WTO ảnh 1
Chủ tịch nước Trần Đức Lương và Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào duyệt đội danh dự trong chuyến thăm chính thức Trung Quốc ngày hôm nay (18/7/2005). Ảnh : Reuters.

"Việt Nam đã đi được 1/3 chặng đường. Nếu quá trình đàm phán diễn ra suôn sẻ như kế hoạch, chúng tôi sẽ gia nhập WTO vào cuối năm nay", bộ trưởng Thương mại Việt Nam Trương Đình Tuyển cho biết.

Việt Nam đã hoàn tất các cuộc đàm phán song phương với 10 trên tổng số 27 đối tác thương mại là EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Argentina, Brazil, Cuba, Chilê, Uruguay và Columbia kể từ khi bắt đầu đàm phán song phương và đa phương vào năm 1998.

Theo Bộ trưởng Trương Đình Tuyển, các cuộc thảo luận với Mỹ là một trong những phần đàm phán song phương quan trọng nhất và cho tới nay, hai bên đã đạt được thoả thuận về 60% yêu cầu mở cửa thị trường. Chỉ còn lại một số vấn đề nhỏ trước khi hai bên có thể đạt đến thoả thuận cuối cùng.

Việt Nam và Trung Quốc đã tiến hành sáu vòng đàm phán song phương về việc Việt Nam gia nhập WTO. Hai bên đang hoàn tất những nội dung cuối cùng để có thể ra tuyên bố chung trong chuyến sang thăm Trung Quốc lần này của Chủ tịch nước Trần Đức Lương.

Với hy vọng kết thúc tất cả các cuộc đàm phán song phương về việc gia nhập WTO trước tháng 9 này, Việt Nam đang tích cực chuẩn bị cho vòng đàm phán đa phương thứ 10, dự kiến diễn ra vào giữa tháng 9.

Trở thành một thành viên chính thức của WTO sẽ mang đến cho Việt Nam thêm nhiều cơ hội, đặc biệt là trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư và chuyển giao công nghệ. Nhưng đồng thời Việt Nam cũng sẽ gặp không ít thử thách trong việc phát triển kinh tế, bởi phải tuân thủ những quy định của WTO như hạ thấp hàng rào thuế quan, mở cửa thị trường dịch vụ và bảo vệ sở hữu trí tuệ.

Để có thể đối phó với sự cạnh tranh khắc nghiệt, Việt Nam đã vạch ra những biện pháp hết sức cụ thể để nâng cao sản lượng cũng như khả năng cạnh tranh cho các ngành nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ nội địa. Về nông nghiệp, Việt Nam sẽ tập trung điều chỉnh lại cơ cấu nông nghiệp, nâng cao khả năng cạnh tranh cho các mặt hàng nông sản, phát triển cơ sở hạ tầng sản xuất, hệ thống hoá chính sách nội địa với thực tiễn kinh doanh quốc tế, chú trọng đào tạo nguồn lực con người.

Việt Nam nên khuyến khích thành lập các hợp tác xã và trang trại nông nghiệp quy mô lớn với quy trình sản xuất khép kín, từ nuôi trồng, thu hoạch cho đến chế biến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn  Diệp Kỉnh Tần cho biết. Phần lớn hoạt động nông nghiệp tại Việt Nam hiện nay vẫn chỉ dừng lại ở quy mô hộ gia đình nên rất khó ứng dụng đại trà các công nghệ hiện đại.

Bên cạnh đó, nhiều lĩnh vực nông nghiệp cũng cần phải cái tổ một cách cấp thiết, chẳng hạn như hệ thống phân phối nông sản và cơ sở hạ tầng. Hệ thống phân phối hiện tại đang hoạt động chưa hiệu quả. Trong khi đó, phí thuê nhà kho và vận chuyển tại Việt Nam vẫn cao hơn so với các nước khác trong khu vực.

Nông dân địa phương cần phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp để xây dựng các khu vực nguyên liệu ổn định, đảm bảo giống chính gốc và nâng cao thương hiệu, chất lượng, vệ sinh cho sản phẩm để tăng sức cạnh tranh.

Ngoài ra, Việt Nam cần phải cải thiện hệ thống phúc lợi xã hội và hỗ trợ đào tạo hướng nghiệp mạnh sâu sát hơn cho nông dân địa phương, bởi chắc chắn, nhiều vùng nông nghiệp có sức cạnh tranh kém sẽ không cầm cự được khi tự do hoá thương mại, dẫn đến một lượng dân số nông thôn không nhỏ thất nghiệp.

Nông nghiệp - ngành kinh tế chiếm tới 20,4% tổng sản phẩm quốc nội của Việt nam năm ngoái, giữ vai trò quyết định trong việc đảm bảo ổn định xã hội và nâng cao mức sống cho người dân, khi có tới hơn 70% dân số Việt Nam đang sinh sống tại nông thôn.

Trong lĩnh vực công nghiệp, Việt Nam sẽ khuyến khích phát triển các doanh nghiệp tư nhân, đẩy nhanh tiến trình cổ phần hoá các doanh nghiệp nhà nước, Bộ trưởng Trương ĐÌnh Tuyển cho biết. Gần đây, Việt nam đã đề ra mục tiêu tái cơ cấu 1154 doanh nghiệp nhà nước trong thời gian từ 2005 đến giữa 2006.

Bên cạnh đó, các mặt hàng có tính cạnh tranh cao như dệt may, than đá ... sẽ được đầu tư phát triển. Việt Nam dự định đầu tư tới 2,5 - 2,7 tỷ USD cho ngành dệt may từ nay cho đến năm 2010. Ngành than sẽ tập trung đầu tư làm mới thiết bị và ứng dụng các công nghệ mới, gắn liền phát triển sản xuất với bảo vệ môi trường.

Liên quan đến ngành dịch vụ, Việt Nam cần phải đề ra lộ trình hội nhập thích hợp, xây dựng khung hành lang pháp lý chặt chẽ hơn và nâng cao chất lượng dịch vụ. Những lĩnh vực trọng yếu như viễn thông và ngân hàng cần được ưu tiên hơn nữa. Theo Phó thủ tướng Vũ Khoan, ngành viễn thông Việt Nam cần học tập kinh nghiệm từ Trung Quốc trong việc xây dựng các chuẩn kỹ thuật và công nghệ - vừa phù hợp với cam kết quốc tế, vừa đáp ứng nhu cầu phát triển của doanh nghiệp trong nước.

Đối với ngành ngân hàng, Việt Nam nên hỗ trợ gián tiếp cho các tổ chức tài chính địa phương, giúp đỡ họ cải thiện cơ sở hạ tầng, quảng bá thương mại và đối phó các vụ kiện tụng với doanh nghiệp nước ngoài, đa dạng hoá dịch vụ, nâng cao chất lượng dịch vụ, phát triển các loại hình dịch vụ mới và nâng cao bằng cấp - trình độ của đội ngũ nhân lực.

MỚI - NÓNG