Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự WEF Davos 2019:

Việt Nam 'phát triển 3 trong 1'

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch WEF Borge Brende tại buổi đối thoại ảnh: TTXVN
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch WEF Borge Brende tại buổi đối thoại ảnh: TTXVN
TP - Trong khuôn khổ Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế thế giới năm 2019 (WEF Davos 2019), sáng 24/1, đã diễn ra phiên Đối thoại giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch WEF Borge Brende với chủ đề “Việt Nam và thế giới.” Việt Nam đặt ra yêu cầu “phát triển 3 trong 1” bao gồm: kinh tế, xã hội và môi trường, kiên quyết không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng.

Đây là lần đầu tiên WEF tổ chức một phiên riêng về Việt Nam để quảng bá phát triển và hội nhập của Việt Nam. Phiên đối thoại được truyền hình trực tiếp trên hệ thống truyền thông của WEF với hàng triệu lượt người xem, theo tường thuật của TTXVN.

Trong phát biểu mở đầu, Chủ tịch WEF Borge Brende nhấn mạnh đến thành công từ sự kiện WEF ASEAN 2018 do Việt Nam tổ chức với sức lan tỏa mạnh mẽ những thông điệp quan trọng và ý nghĩa đối với khu vực và thế giới. Chủ tịch Borge Brende cho rằng thành công của WEF ASEAN 2018 thể hiện không chỉ tầm quan trọng của ASEAN mà còn góp phần mạnh mẽ vào việc nâng cao vị thế của Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ năm 2018, mặc dù thế giới trải qua nhiều biến động, tăng trưởng GDP của Việt Nam vẫn đạt gần 7,1%, nằm trong nhóm nước tăng trưởng cao nhất trên thế giới, chất lượng tăng trưởng cải thiện rõ rệt. Năm 2018 mở ra một hướng mới cho sự phát triển của Việt Nam, trong đó có thành công của sự kiện WEF ASEAN.

Thủ tướng khẳng định kinh tế Việt Nam sẽ nỗ lực để tiếp tục phát triển mạnh mẽ theo hướng bền vững và bao trùm, không ai bị bỏ lại phía sau; trong đó có đổi mới thể chế, ứng dụng công nghiệp 4.0.

Cùng với đó, Việt Nam tiếp tục đổi mới mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh sự kết hợp đầu tư trong nước và nước ngoài, chú trọng hơn nữa vào đào tạo nguồn nhân lực hướng tới phát triển bền vững hơn, nâng cao hơn nữa đời sống người dân.

Thủ tướng khẳng định với quan điểm hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới, Việt Nam ủng hộ thương mại tự do đa phương và Việt Nam biết nhìn nhận những va chạm thương mại trên thị trường quốc tế để tổ chức sản xuất phù hợp, hiệu quả nhằm giữ vững đà tăng trưởng.

Do đó, Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển nhanh, bền vững và bao trùm theo các trụ cột: Ổn định kinh tế vĩ mô tốt hơn, bởi đây là nền tảng quan trọng để làm yên lòng các nhà đầu tư. Nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế; phát huy thế mạnh về du lịch, nông nghiệp và công nghệ thông tin.

Cùng với đó, Việt Nam sẽ đẩy mạnh cải cách thể chế, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa hiện đại phù hợp với thông lệ quốc tế và cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia; tăng cường hội nhập quốc tế và khu vực để phát huy tiềm năng sẵn có.

Tranh thủ công nghiệp 4.0

Về công nghiệp 4.0, Thủ tướng Chính phủ khẳng định Việt Nam chủ động đón bắt để nâng cao năng suất lao động với tinh thần đổi mới, sáng tạo. Tranh thủ công nghiệp 4.0 là con đường tốt nhất để Việt Nam phát triển nhanh và bền vững.

Thủ tướng đánh giá mặc dù phải vượt qua nhiều khó khăn, song Việt Nam có những lợi thế khi tham gia công nghiệp 4.0, trong đó, lợi thế lớn nhất là cơ cấu dân số trẻ, năng động, sáng tạo, con người và dân tộc Việt Nam luôn khao khát vươn lên, được thể hiện rõ nhất ở lực lượng lao động trẻ.

Thủ tướng nhấn mạnh Chính phủ đang xây dựng Chiến lược quốc gia về công nghiệp 4.0, trong đó, tập trung xây dựng và hoàn thiện các thể chế khuyến khích mạnh mẽ đổi mới sáng tạo, tập trung phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, xây dựng thành công Chính phủ điện tử, thành phố thông minh và phát triển kinh tế số, có chính sách để phát triển mạnh doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo…

Song song với đó, Việt Nam cũng sẽ thu hút mạnh mẽ động lực từ kinh tế số và đổi mới sáng tạo, sẵn sàng chấp nhận công nghệ mới, phát triển bứt phá hạ tầng công nghệ số và không ngừng hội nhập quốc tế sâu rộng.

Việt Nam đã có 12 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký, trong đó có các FTA thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), FTA với nhiều thị trường quan trọng như ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản, Liên bang Nga và tới đây là Liên minh châu Âu (EU).  Đề cập yêu cầu về phát triển bền vững, Thủ tướng nêu rõ Việt Nam đặt ra yêu cầu “phát triển 3 trong 1” bao gồm: kinh tế, xã hội và môi trường, kiên quyết không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng.

Liên quan đến cải cách doanh nghiệp Nhà nước trong bối cảnh công nghiệp 4.0, Thủ tướng nêu rõ đây là lĩnh vực mà Đảng, Nhà nước Việt Nam đã xác định bước đi với lộ trình rõ ràng, cụ thể. Việt Nam chủ trương đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước để các nhà đầu tư, trong đó có nhà đầu tư nước ngoài ngày càng có nhiều cơ hội đầu tư vào Việt Nam.

Thủ tướng nói: “Đây cũng chính là giải pháp tăng trưởng mạnh mẽ ở Việt Nam; đồng thời chống tham nhũng, tiêu cực và độc quyền”. Trả lời câu hỏi của Chủ tịch WEF Borge Brende: “Việt Nam sẽ gây bất ngờ cho thế giới như thế nào trong 5 năm tới,” Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam sẽ duy trì một tinh thần, khát vọng trong phát triển.

Theo đó, trước hết là duy trì đà tăng trưởng, nâng cao đời sống nhân dân và là địa chỉ tin cậy cho các nhà đầu tư nước ngoài. Việt Nam sẽ đổi mới mạnh mẽ hơn xây dựng pháp luật, thể chế, đẩy mạnh hơn nữa cải cách thể chế, tăng cường đối thoại. Việt Nam “coi thành công của các nhà đầu tư là thành công của Chính phủ”.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.