Việt Nam - Trung Quốc: 3 trọng tâm tăng cường hữu nghị, hợp tác

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc duyệt Đội danh dự Quân đội Nhân dân Việt Nam ngày 12/11 tại Hà Nội. Ảnh: Mạnh Thắng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc duyệt Đội danh dự Quân đội Nhân dân Việt Nam ngày 12/11 tại Hà Nội. Ảnh: Mạnh Thắng.
TP - Hội đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chiều 12/11 tại Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh một số trọng tâm tăng cường hữu nghị và hợp tác giữa hai Đảng, hai nước.

Hai Tổng Bí thư thông báo cho nhau về tình hình mỗi Đảng, mỗi nước; đi sâu trao đổi và đạt được nhiều nhận thức chung quan trọng về những định hướng và biện pháp lớn thúc đẩy quan hệ hai Đảng, hai nước trong thời gian tới.

Thúc đẩy giao lưu, hợp tác nhiều mặt

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh một số trọng tâm tăng cường hữu nghị và hợp tác giữa hai Đảng, hai nước.

Thứ nhất, tăng cường trao đổi cấp cao, đẩy mạnh giao lưu, hợp tác giữa các ngành, các cấp. Đề nghị hai bên duy trì thường xuyên truyền thống tốt đẹp giao lưu, tiếp xúc cấp cao; đẩy mạnh giao lưu, nâng cao hiệu quả hợp tác và phát huy vai trò kênh Đảng để góp phần tăng cường tin cậy chính trị, định hướng tổng thể và thúc đẩy quan hệ song phương; tổ chức tốt cuộc gặp đại diện hai Bộ Chính trị, Hội thảo lý luận, triển khai hiệu quả kế hoạch hợp tác đào tạo cán bộ, đi sâu trao đổi kinh nghiệm xây dựng Đảng và quản lý đất nước; tăng cường giao lưu, trao đổi giữa Quốc hội Việt Nam và Nhân đại Trung Quốc, giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Chính hiệp Trung Quốc và giữa các ngành, các cấp, giữa các đoàn thể nhân dân, nhất là thế hệ trẻ hai nước để tiếp tục bồi đắp, xây dựng nền tảng xã hội hữu nghị cho quan hệ hai Đảng, hai nước. Phát huy hơn nữa vai trò điều phối của Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương trong việc giám sát, đôn đốc triển khai các thỏa thuận đã đạt được, nhất là thỏa thuận cấp cao; kịp thời xử lý những khó khăn, vướng mắc trong quan hệ hợp tác giữa các ngành, các cấp.

Đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực ngoại giao, quốc phòng, an ninh, thực thi pháp luật; thực hiện tốt Tuyên bố tầm nhìn hợp tác quốc phòng đến năm 2025, tổ chức tốt Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới, đối thoại chiến lược quốc phòng, các cơ chế giao lưu hợp tác giữa bộ đội biên phòng, hải quân, cảnh sát biển, tăng cường giao lưu sỹ quan trẻ, chia sẻ kinh nghiệm công tác Đảng, công tác chính trị, y học, hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc; tăng cường trao đổi kinh nghiệm về an ninh, phối hợp phòng, chống các loại tội phạm; duy trì tốt các cơ chế tham vấn, trao đổi giữa hai Bộ Ngoại giao trong việc thúc đẩy quan hệ hai nước cũng như tại các diễn đàn đa phương. Chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí tăng cường giao lưu, hợp tác, đẩy mạnh tuyên truyền về đất nước, con người, những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của mỗi nước và quan hệ Việt - Trung, góp phần tăng cường hơn nữa hiểu biết và hữu nghị trong nhân dân, củng cố nền tảng xã hội vững chắc cho quan hệ hai nước.

Thứ hai, đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hợp tác kinh tế và trên các lĩnh vực khác, đề nghị hai bên tiếp tục phát huy kết quả đạt được, triển khai hiệu quả các thỏa thuận và nhận thức chung cấp cao, tập trung vào một số trọng tâm: tăng cường hợp tác đầu tư, mở rộng quy mô thương mại song phương, áp dụng các biện pháp hữu hiệu cải thiện hơn nữa tình trạng nhập siêu của Việt Nam; tăng cường hợp tác cùng có lợi trên các lĩnh vực Trung Quốc có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu như nông nghiệp, môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, khoa học công nghệ, giao thông vận tải; phấn đấu tạo tiến triển hơn nữa trong hợp tác lai tạo giống lúa, cây trồng thích nghi hạn mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long; xử lý ổn thỏa vấn đề tàu cá, ngư dân; quản lý, bảo vệ và sử dụng bền vững nguồn nước sông suối biên giới, hợp tác phòng ngừa, ứng phó lũ lụt, an toàn hạt nhân; tạo thuận lợi cho hợp tác kết nối giao thông đường bộ, đường sắt, hàng không.

Tiếp tục hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương triển khai hiệu quả nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước về tăng cường các lĩnh vực hợp tác thực chất, cùng có lợi; phát huy hiệu quả vai trò của các cơ chế hợp tác hiện có, góp phần thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt - Trung phát triển ổn định, lành mạnh và bền vững.

Thứ ba, duy trì hòa bình, ổn định, xử lý tốt vấn đề trên biển. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, việc bảo đảm hòa bình, ổn định bền vững, giảm thiểu các nguy cơ bất ổn, xây dựng lòng tin đối với vấn đề biển Đông giữa các nước liên quan là rất cần thiết, có lợi cho các bên, cho khu vực và thế giới. Các bên liên quan cần kiềm chế, không có hành động làm phức tạp tình hình hoặc mở rộng tranh chấp, tôn trọng các quyền lợi hợp pháp, chính đáng của nhau, tập trung nỗ lực duy trì hòa bình, ổn định trên biển để ưu tiên nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị, hai bên cần thực hiện đầy đủ và hiệu quả Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc, Tuyên bố ứng xử của các bên tại biển Đông (DOC); sớm tiến hành đàm phán thực chất để xây dựng Bộ quy tắc ứng xử (COC) hiệu lực và hiệu quả. Tích cực xem xét thúc đẩy các hình thức hợp tác phù hợp tại một số khu vực thực sự có chồng lấn phù hợp với luật pháp quốc tế; tập trung thực hiện lộ trình đã thống nhất, phát huy kinh nghiệm về phân định biển và hợp tác trong Vịnh Bắc Bộ để cố gắng đạt tiến triển đối với việc phân định và hợp tác tại vùng biển ngoài cửa vịnh Bắc Bộ.

Đồng thời, nghiên cứu khả năng và các phương án hợp tác giữa các bên liên quan, giữa ASEAN và Trung Quốc trên một số lĩnh vực có lợi ích chung và ít nhạy cảm, như quản lý đánh bắt cá và bảo vệ môi trường sinh thái trên biển, nhằm củng cố lòng tin, duy trì hòa bình, ổn định bền vững, lâu dài trên biển Đông vì lợi ích chung của tất cả các bên.

6 đề nghị từ phía Trung Quốc

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình đề nghị hai bên: (i) duy trì tiếp xúc cấp cao thường xuyên, tăng cường trao đổi chiến lược và tin cậy chính trị; (ii) làm sâu sắc giao lưu kênh Đảng; tăng cường giao lưu hợp tác về ngoại giao, an ninh, quốc phòng; (iii) thúc đẩy hợp tác thiết thực, phục vụ công cuộc đổi mới, cải cách mở cửa tại mỗi nước, phát huy vai trò điều phối tổng thể các lĩnh vực hợp tác của Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương; phát huy hiệu quả các cơ chế hợp tác về thương mại, cơ sở hạ tầng, tài chính tiền tệ và kết nối chiến lược phát triển giữa sáng kiến “Vành đai và Con đường” với “hai hành lang, một vành đai kinh tế”, thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại phát triển cân bằng, bền vững, đạt mục tiêu 100 tỷ USD trong năm 2017; ủng hộ, tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác giữa các địa phương và khu vực biên giới hai nước; (iv) tăng cường giao lưu hữu nghị nhân dân, thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực về an sinh xã hội, đem lại lợi ích, cải thiện đời sống của nhân dân. Trung Quốc sẽ tiếp tục cung cấp khoản viện trợ không hoàn lại trị giá 600 triệu nhân dân tệ trong ba năm để cải thiện an sinh xã hội các tỉnh phía Bắc Việt Nam; (v) nỗ lực kiểm soát tốt bất đồng trên biển, duy trì hòa bình, ổn định ở biển Đông; khẳng định Trung Quốc mong muốn cùng ASEAN thực hiện toàn diện, hiệu quả DOC, đàm phán, xây dựng COC; (vi) đề nghị hai bên tăng cường phối hợp tại các cơ chế đa phương như Liên Hợp Quốc, APEC, Trung Quốc - ASEAN, Lan Thương - Mekong, góp phần duy trì hòa bình, thịnh vượng và phát triển của khu vực và thế giới.

Sau cuộc hội đàm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chứng kiến lễ ký các văn kiện hợp tác giữa hai bên. Trước đó, Lễ đón Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình diễn ra với các nghi lễ trọng thể nhất dành cho nguyên thủ quốc gia, trong đó có nghi thức bắn 21 phát đại bác chào mừng.

MỚI - NÓNG