Việt Nam - Úc nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Malcolm Turnbull ký Tuyên bố chung về thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược giữa Chính phủ Việt Nam và Úc. Ảnh: VGP.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Malcolm Turnbull ký Tuyên bố chung về thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược giữa Chính phủ Việt Nam và Úc. Ảnh: VGP.
TP - Sau cuộc hội đàm sáng 15/3 tại Canberra, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull ký Tuyên bố chung về thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược.

Tuyên bố chung khẳng định, hai bên sẽ tăng cường sự tin cậy và hiểu biết lẫn nhau nhằm làm sâu sắc quan hệ song phương, góp phần vào hòa bình, ổn định và thịnh vượng tại khu vực. Đặc biệt, hai bên cam kết cùng nỗ lực hợp tác nhằm duy trì một khu vực hòa bình, tự cường và bảo đảm các quy tắc, chuẩn mực đã tồn tại nhiều thập kỷ qua.

Tìm kiếm thêm hình thức hợp tác quốc phòng

Để phát triển quan hệ trên mức độ mới, Tuyên bố chung vạch ra phương hướng hợp tác song phương trên các lĩnh vực chính trị; kinh tế và phát triển; quốc phòng, pháp luật và tư pháp, tình báo và an ninh; giáo dục, khoa học và công nghệ, lao động, xã hội, văn hóa và giao lưu nhân dân; khu vực và quốc tế.

Việt Nam và Úc khẳng định quan hệ chiến lược và các lợi ích chung ở khu vực của hai bên ngày càng gia tăng, đồng thời tái khẳng định cam kết hợp tác chặt chẽ hơn nữa về quốc phòng, pháp luật và tư pháp, tình báo và an ninh nhằm đóng góp vào hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực. Hai bên tái khẳng định cam kết tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng thường niên nhằm thúc đẩy đối thoại ở cấp cao về các vấn đề quốc phòng trên cơ sở Bản ghi nhớ về hợp tác quốc phòng đã ký năm 2010. Đây là cơ hội tìm kiếm thêm các hình thức hợp tác quốc phòng, kể cả trong lĩnh vực đào tạo và huấn luyện, an ninh hàng hải và hàng không, đào tạo và hỗ trợ các hoạt động gìn giữ hòa bình, chống khủng bố, giải quyết hậu quả chiến tranh và các lĩnh vực khác.

Việt Nam và Úc hoan nghênh hợp tác giữa cảnh sát, các cơ quan chức năng về quản lý biển và biên giới của hai nước, nhất trí cùng đẩy mạnh hợp tác về an ninh và thực thi pháp luật, kể cả thông qua Đối thoại an ninh thường niên cấp thứ trưởng, tăng cường trao đổi thông tin tình báo và hỗ trợ nâng cao năng lực. Hai bên cam kết tiếp tục tăng cường hợp tác song phương và tham gia các nỗ lực khu vực nhằm giải quyết các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống, đặc biệt là tội phạm xuyên quốc gia, bao gồm buôn bán người và đưa người di cư trái phép, buôn lậu ma túy, rửa tiền, khủng bố, tội phạm mạng, cũng như thu hồi tài sản thất thoát từ các tội phạm này.

Hai bên sẽ phối hợp chặt chẽ nhằm duy trì một trật tự khu vực mở, bao trùm và dựa trên luật lệ, coi đây là nền tảng của hòa bình, an ninh, ổn định và thịnh vượng ở khu vực. Hai bên chia sẻ mục tiêu củng cố và phát triển các thể chế khu vực và quốc tế nhằm thúc đẩy các lợi ích chung về chính trị, kinh tế và an ninh. Việt Nam và Úc ủng hộ ASEAN; tiếp tục thúc đẩy quan hệ Đối tác Chiến lược ASEAN - Úc và đánh giá cao Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN - Úc mang tính lịch sử, với nhiều sáng kiến thực chất về tăng cường hợp tác. Hai bên nhấn mạnh vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình và cam kết tăng cường hợp tác để củng cố các cơ chế do ASEAN dẫn dắt.

 Tiếp tục quan ngại tình hình biển Đông

Hai bên tái khẳng định cam kết thúc đẩy an ninh và an toàn, tự do hàng hải và hàng không, thượng tôn pháp luật, bao gồm tuân thủ và thực thi nghiêm túc các nghĩa vụ pháp lý quốc tế; giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) và thông qua các cơ chế thích hợp do ASEAN dẫn dắt. Theo đó, hai bên tiếp tục quan ngại về tình hình biển Đông và khẳng định tiếp tục phối hợp tích cực nhằm thúc đẩy hòa bình và ổn định tại khu vực. Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) và sớm hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử (COC) hiệu quả và ràng buộc giữa ASEAN và Trung Quốc, phù hợp với luật pháp quốc tế.

Trong cuộc hội đàm, hai Thủ tướng đánh giá cao hợp tác hiệu quả và thực chất trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, thể hiện sự tin cậy ở tầm chiến lược, thông qua các hoạt động đào tạo nâng cao năng lực, đào tạo tiếng Anh, huấn luyện chung, chia sẻ thông tin, hợp tác giữa các binh chủng, đặc biệt là hải quân và các chuyến thăm của tàu Hải quân Hoàng gia Úc đến Việt Nam.

Thủ tướng Turnbull khẳng định, Úc sẽ mở rộng đào tạo và hỗ trợ Việt Nam trong tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc, trước mắt là hỗ trợ trang thiết bị, hậu cần cho phái bộ Việt Nam tại Nam Sudan. Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trong đối phó với các thách thức an ninh chung, trong đó có chống khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, buôn bán người và đưa người di cư trái phép… nhằm bảo đảm an ninh ở mỗi nước, cũng như đóng góp chung vào hòa bình, ổn định ở khu vực. 

Tạo điều kiện cho nông sản Việt Nam

Hai nhà lãnh đạo nhất trí tạo điều kiện tối đa cho quan hệ kinh tế phát triển sâu rộng, toàn diện, tăng cường lợi ích kinh tế trong hợp tác song phương trên cơ sở phát huy tính bổ trợ lẫn nhau của nền kinh tế hai nước. Thủ tướng Turnbull khẳng định, Úc luôn hoan nghênh và hỗ trợ các mặt hàng nông thủy sản tươi, hoa quả nhiệt đới của Việt Nam đạt đủ điều kiện tiếp cận thị trường Úc, khuyến khích hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, hiệp hội và doanh nghiệp hai nước trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, đẩy nhanh các quy trình, thủ tục cấp phép nhập khẩu, trước mắt là với tôm tươi nguyên con, trái thanh long của Việt Nam và tiếp tục mở rộng sang các loại quả khác như nhãn tươi, chôm chôm, vú sữa...

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị chính phủ Úc khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư tại Việt Nam vào các ngành năng lượng, hạ tầng, viễn thông, kinh tế tri thức, khoa học-công nghệ, chuyển giao công nghệ-kỹ thuật tiên tiến cho Việt Nam. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao ODA của Úc đã hỗ trợ, đặc biệt đánh giá cao dự án cầu Cao Lãnh sẽ được hoàn tất và khánh thành trong năm 2018 nhân kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Úc tiếp tục cung cấp ODA cho Việt Nam, tập trung vào các dự án hạ tầng cơ sở, phát triển nông nghiệp, nông thôn, chống biến đổi khí hậu, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và xây dựng chính phủ điện tử.

Hai bên nhấn mạnh sự kết nối ngày càng sâu đậm giữa nhân dân hai nước thông qua hợp tác giáo dục, giao lưu văn hóa và phát triển du lịch là nền tảng vững chắc của Đối tác Chiến lược hiện nay và trong tương lai.

Ký 4 văn kiện

Kết thúc hội đàm ngày 15/3, hai Thủ tướng ký Tuyên bố chung về thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược giữa hai chính phủ và chứng kiến ký 4 văn kiện quan trọng trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo; khoa học - công nghệ; nông nghiệp, lâm nghiệp và nghề cá. Sáng cùng ngày, lãnh đạo Bộ Quốc phòng hai nước ký Bản ghi nhận ý định về tăng cường hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam và Úc.

MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.
Bà Rịa - Vũng Tàu căng mình ngăn lửa giữ rừng
Bà Rịa - Vũng Tàu căng mình ngăn lửa giữ rừng
Ảnh hưởng của El Nino khiến hơn 28.000 ha rừng ở Bà Rịa – Vũng Tàu đang ở cấp báo động cháy “cực kỳ nguy hiểm” (cấp 5). Người dân, cơ quan chức năng cũng như lực lượng bảo vệ rừng của tỉnh đang trong trạng thái cảnh giác cao, căng mình giữ rừng, không lơ là, chủ quan với lửa.