Việt - Nhật đặt mục tiêu kết nối kinh tế

Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Fukada Hiroshi
Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Fukada Hiroshi
TP - Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Fukada Hiroshi vừa trả lời phỏng vấn báo chí về ý nghĩa chuyến thăm Nhật Bản của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ ngày 15 đến 18/9 và triển vọng quan hệ hai nước.

Xin Đại sứ cho biết ý nghĩa chuyến thăm Nhật Bản sắp tới của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng?

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ thăm chính thức Nhật Bản từ ngày 15/9 tới theo lời mời của chính phủ Nhật Bản. Bản thân Ngài Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến Nhật Bản tổng cộng 4 lần, gần đây nhất vào năm 2008 khi còn là Chủ tịch Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam và lần này là chuyến thăm đầu tiên trên cương vị Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam sau khi nhậm chức vào năm 2011…

Nhân chuyến thăm Nhật Bản của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang vào tháng 3 năm ngoái, hai bên đã nhất trí nâng cấp quan hệ Việt Nam - Nhật Bản lên tầm cao mới “Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á”. Trên cơ sở đó, quan hệ hai nước đã phát triển một cách thực chất hơn nữa. Trong bối cảnh đó, hai nước thường xuyên trao đổi đoàn các cấp, nhất là các đoàn cấp cao...

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã sang Nhật Bản tham dự Hội nghị cấp cao Mekong - Nhật Bản vào tháng 7 và Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã đồng chủ trì Ủy ban Hợp tác Việt Nam - Nhật Bản diễn ra tại Nhật Bản vào cuối tháng 7. Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã sang thăm Nhật Bản tham dự Hội nghị Hội đồng Toàn cầu vì phụ nữ. Qua đây có thể thấy, trong vòng một năm nay, hai bên đã thường xuyên trao đổi nhiều đoàn cấp cao.

Trong thời điểm quan hệ hai nước đang được tăng cường một cách thực chất, chuyến thăm Nhật Bản lần này của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ mang ý nghĩa tổng hợp của một chuỗi hoạt động đối ngoại cấp cao giữa hai nước. Tôi hy vọng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sẽ trao đổi ý kiến thẳng thắn và đạt được kết quả to lớn nhằm phát triển quan hệ hai nước Nhật Bản - Việt Nam hướng tới tương lai.

Hiện nay, quan hệ giữa Nhật Bản và Việt Nam đang phát triển hết sức tốt đẹp. Trong bối cảnh đó, nhân chuyến thăm lần này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sẽ trao đổi ý kiến thẳng thắn về rất nhiều lĩnh vực như chính trị, an ninh, kinh tế và hợp tác phát triển, phối hợp hơn nữa tại các diễn đàn khu vực và quốc tế... Tôi hy vọng hai bên sẽ đạt được nhiều kết quả cụ thể nhằm xây dựng quan hệ Nhật - Việt hướng tới tương lai như tôi đã nói trước đây.

Đối tác tốt nhất của nhau

Ông nhận định như thế nào về triển vọng quan hệ Việt Nam - Nhật Bản thời gian tới và Nhật Bản hy vọng điều gì ở Việt Nam?

Việt - Nhật đặt mục tiêu kết nối kinh tế ảnh 1

Phía Nhật Bản đã và đang hỗ trợ ngư dân Việt Nam về kỹ thuật đánh bắt nâng cao chất lượng cá ngừ đại dương, đẩy mạnh xuất khẩu sang Nhật Bản, Mỹ và châu Âu. Ảnh: Ngọc Chung      

Trong những năm gần đây, hai nước đã cùng hợp tác và phát huy vai trò của mình một cách tích cực vì hòa bình, an ninh và phồn vinh của khu vực châu Á và thế giới. Có thể nói điều này là biểu hiện của việc cụ thể hóa quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng giữa hai nước. Tôi hy vọng, trong thời gian tới, hai nước sẽ vừa phát triển quan hệ song phương, đồng thời trên cơ sở đó, hai nước sẽ cùng phổ quát giá trị chung ra khu vực và quốc tế, có nghĩa là hai nước sẽ trở thành đối tác tốt nhất của nhau.

Cụ thể hơn, về mặt chính trị, tôi hy vọng, thông qua hợp tác trong các lĩnh vực như nâng cao thượng tôn pháp luật trong an ninh biển, đảm bảo tự do và an toàn hàng hải và hàng không, nhìn tổng quan tình hình châu Á, ví dụ hòa bình và ổn định ở bán đảo Triều Tiên hoặc rộng hơn nữa trên các diễn đàn quốc tế như hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc, hai nước sẽ giữ vai trò định hướng một cách tích cực trong các trao đổi liên quan đến lĩnh vực khu vực và quốc tế. Tôi mong rằng, hai nước sẽ trở thành đối tác như vậy.

Về mặt kinh tế, những năm vừa qua, trong bối cảnh thực hiện quá trình toàn cầu hóa và tự do hóa thương mại thông qua Cộng đồng Kinh tế ASEAN hay Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)…, tôi hy vọng Việt Nam xúc tiến hơn nữa cải cách kinh tế, bao gồm hoàn thiện môi trường đô thị và cải cách doanh nghiệp nhà nước, đồng thời phát triển hơn nữa kinh tế và công nghiệp thông qua các ngành công nghiệp hỗ trợ, nông ngư nghiệp, công nghiệp công nghệ thông tin, hướng tới phát triển kinh tế một cách bền vững và tự chủ.

Trong bối cảnh nói trên, Nhật Bản đã hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng và đào tạo nguồn nhân lực thông qua viện trợ ODA. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Nhật Bản cũng tích cực đầu tư vào Việt Nam và đóng góp cho sự phát triển  kinh tế của Việt Nam. Trong thời gian tới, tôi hy vọng Việt Nam sẽ sử dụng một cách hiệu quả những khuôn khổ hợp tác giữa hai chính phủ thông qua viện trợ ODA của Nhật Bản, đồng thời cải thiện các môi trường nhằm xúc tiến đầu tư từ các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp Nhật Bản vào Việt Nam để đảm bảo tăng trưởng kinh tế một cách bền vững. Ngoài ra, tôi cho rằng, trong lĩnh vực kinh tế, Nhật Bản và Việt Nam cần nâng cao hơn nữa quan hệ bổ trợ lẫn nhau về mặt kinh tế như là một sự kết nối kinh tế Việt Nam - Nhật Bản. Trên cơ sở đó, hai nước sẽ xây dựng quan hệ hai bên cùng phát triển.

Cảm ơn ông.

Trong bài viết vừa đăng trên báo Nhật Bản Japan Times, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Đảng Hoàng Bình Quân cho rằng, sự tin cậy về chính trị, tương đồng về văn hóa, chia sẻ về lợi ích, kết nối về kinh tế, giao lưu nhân văn là những giá trị xác định tầm nhìn quan hệ Việt Nam - Nhật Bản. Ông Hoàng Bình Quân cho rằng, chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sắp tới chắc chắn sẽ là một dấu mốc quan trọng, mở ra tầm nhìn mới, thúc đẩy toàn diện và làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á.

MỚI - NÓNG