Vĩnh biệt phóng viên ảnh chiến tranh Việt Nam C. Leroy

Vĩnh biệt phóng viên ảnh chiến tranh Việt Nam C. Leroy
Từng vượt qua mưa bom, bão đạn trên chiến trường Việt Nam, nhưng Catherine Leroy đã không chống nổi bệnh ung thư. Bà qua đời đêm 8/7 tại một bệnh viện ở Mỹ khi mới 60 tuổi.
Vĩnh biệt phóng viên ảnh chiến tranh Việt Nam C. Leroy ảnh 1
Catherine Leroy ở chiến trường Việt Nam.

Những hình ảnh sắc nhọn mà nữ phóng viên chiến trường người Pháp chớp được trong thập kỷ 1960 trên các tạp chí lớn thế giới đã giúp kể lại cho hàng triệu người đọc sự thật về cuộc chiến tranh VN.

Năm 1966, mới 21 tuổi, quá trẻ, cô gái Leroy rời Paris đến Lào để từ đó sang VN. Cô đi bằng tấm vé một chiều bởi biết mình đang đến rất gần cái chết, chỉ mang theo một chiếc máy ảnh Leica mua được bằng số tiền dành dụm, và ý chí sắt đá muốn ghi lại những hình ảnh chiến trường.

Nhờ một sự giới thiệu tình cờ, cô có thẻ phóng viên chiến tranh của tạp chí Life và tiến thẳng đến vùng chiến sự ác liệt, tìm trong đó máu lửa, cái chết, và cả sự nhân bản.

Một năm sau đó, cô trở thành phóng viên duy nhất tham gia một chiến dịch nhảy dù đêm của đơn vị 173 Mỹ trong vùng chiến. Trong chiến dịch tấn công Tết Mậu Thân 1968, Leroy rơi vào tay "quân Bắc Việt".

Cô giải thích nhiệm vụ phóng viên của mình và cuối cùng đã có những hình ảnh "quân Bắc Việt" đang chiến đấu đăng trên trang nhất tờ tạp chí Life - hình ảnh mà hầu như chẳng phóng viên chiến trường nào có được.

Vĩnh biệt phóng viên ảnh chiến tranh Việt Nam C. Leroy ảnh 2

Một trong những bức ảnh nổi tiếng nhất của Leroy ở VN.

Hai năm làm việc ở VN, Leroy đã chớp được những khoảnh khắc sâu sắc nhất, gai góc nhất của cuộc chiến trên những khuôn hình đen trắng. Cô tiến sát những trận đánh rồi biến mất, để những câu chuyện bằng hình tự lên tiếng.

"Cô ấy thật nhỏ bé và chẳng biết sợ là gì" - Jonathan Randal, một phóng viên kỳ cựu của tờ Washington Post, nhớ lại. Randal gặp Leroy cuối năm 1965 và làm việc cùng bà một thời gian dài.

Một trong những bức ảnh nổi tiếng nhất của Leroy là "Corpsman in anguish", trong đó bà ghi lại hình ảnh một lính thuỷ đánh bộ trẻ tuổi, gương mặt nhăn lại vì đau đớn, bò qua xác bạn mình, khói súng nghi ngút phía sau họ. Đó là thời kỳ ở chiến trường Khe Sanh ác liệt.

Sau hai năm, Leroy trở về với những bức ảnh và những trải nghiệm sâu sắc, cùng với 40 mảnh đạn pháo trong người. Bà phải mất 2 năm ở Paris để phục hồi lại.

Năm 1972, bà quay và đạo diễn bộ phim "Operation last patrol" về Ron Kovic và các cựu binh Mỹ phản chiến. Bà không bao giờ mong những kinh nghiệm chiến tranh đó lặp lại, nhưng sau VN, Catherine Leroy lại tiếp tục phản ánh các cuộc chiến tranh ở nhiều nước khác, từ Bắc Ireland đến Cyprus, từ Somalia đến Afghanistan, từ Iraq, Iran đến Libya.

Năm ngoái, đúng dịp kỷ niệm 30 năm kết thúc chiến tranh VN, hai triển lãm ảnh của Leroy đã được mở tại Washington D.C.

Theo Vĩnh Nguyên

Lao động

MỚI - NÓNG