Vợ chồng muốn hạnh phúc thì phải sống xa nhau?!

Vợ chồng muốn hạnh phúc thì phải sống xa nhau?!
TP - “Tôi có cuộc sống của tôi, anh ấy có cuộc sống của anh ấy. Chúng tôi rất yêu nhau, cả thể xác và tâm hồn đều thuộc về nhau, nhưng lại độc lập với nhau”. Judie, một phụ nữ 44 tuổi, mô tả về cuộc sống của mình với chồng là Steven.
Vợ chồng muốn hạnh phúc thì phải sống xa nhau?! ảnh 1
Vợ chồng Woody Allen - Tống Nghi, điển hình của hôn nhân kiểu LAT

Họ cưới nhau đã 14 năm và có 2 con trai, nhưng thật lạ là ngay sau ngày cưới họ đã không sống cùng dưới một mái nhà.

Hiện nay ở Mỹ, kiểu sống như vợ chồng Judie không phải là cá biệt. Một cuộc điều tra dân số tiến hành năm 2006 cho thấy: có hơn 3 triệu cặp vợ chồng kết hôn hợp pháp không sống cùng một nhà.

Chính vì vậy, các nhà xã hội học Mỹ đã sáng tạo ra một từ mới để nói về những cặp vợ chồng kiểu này, đó là “living apart together” (LAT) - tạm dịch là “sống chung tách rời nhau”.

Khi trả lời các nhà báo, Judie cho biết, Steven chồng chị là một giáo viên dạy nhạc trường trung học ở ngọai ô San Francisco. “Trong nhà anh ấy có 2 chiếc piano và nhiều nhạc cụ khác”, còn chị, một nhà báo tự do thì sống trong một căn hộ chung cư nhỏ ở nội thành.

Đối với vợ chồng họ, sống tách rời nhau một phần là do hạn chế về điều kiện thực tế. “Thuê một căn hộ có thể đặt được 2 cái đàn piano trong nội thành phải mất một khoản tiền không nhỏ. Chúng tôi lại là những người không muốn có sự thay đổi nên đã chọn kiểu sống hiện nay từ hơn 10 năm nay” – Judie nói.

Kết quả của Cục Điều tra dân số Mỹ cho thấy, có nhiều nguyên nhân khiến các cặp vợ chồng lựa chọn kiểu sống LAT. Ví dụ sống xa nhau thì mỗi khi gặp lại đều tràn ngập nỗi thương nhớ và tất cả đều mới mẻ.

“Trong ngôi nhà của riêng mình, tôi không cần phải trưng cầu ý kiến của ai, tuỳ ý giải quyết mọi chuyện. Vợ tôi lại có thói quen khác hẳn. Cô ấy muốn mọi thứ phải sạch bóng, còn tôi xưa nay chưa bao giờ chịu cúi nhặt dù một mảnh giấy dưới nền nhà. Nếu hai chúng tôi cùng sống dưới một mái nhà thì mọi chuyện chắc đã chấm dứt từ lâu rồi” – Woode – giám đốc Marketing một siêu thị, nói.

“Sự độc lập về kinh tế và chi tiêu khiến tranh cãi và thoả hiệp không còn là một phần của mâu thuẫn gia đình nữa. Nhờ vậy, tôi có thể tập trung cho công việc của mình, không lo bị phá rối khi đang cần tập trung cao độ vào điều gì đó” – đó là ý kiến của Ilian - một nhà thiết kế.

Đương nhiên, những cặp vợ chồng đó cũng phải đương đầu với nhiều vấn đề. Rõ nhất là những ánh mắt hiếu kỳ, lạ lẫm của những người không hiểu, thậm chí chưa nghe nói về LAT.

Judie kể: “Khi chị gái tôi tình cờ nghe con trai tôi nói vợ chồng tôi không sống cùng nhau, chị ấy lập tức phone cho tôi hỏi có phải hai vợ chồng xảy ra chuyện gì không? Tôi phải mất rất nhiều thời gian mới làm cho chị ấy hiểu được rằng vợ chồng tôi vẫn rất tốt với nhau”.

Nhiều người Mỹ cho rằng, kiểu hôn nhân sống xa nhau đó chỉ tồn tại trong những người trẻ, nhưng thực tế lại không phải vậy. Kết quả điều tra cho thấy, trong số các cặp vợ chồng LAT có một số lượng khá lớn ở trong độ tuổi từ 35 – 59 và 14% là trong độ tuổi 50 – 59.

Nhiều cặp vợ chồng nổi tiếng cũng lựa chọn kiểu hôn nhân này. Vợ chồng đạo diễn nổi tiếng Woody Allen sống ở hai đầu Công viên Trung tâm New York, còn vợ chồng đạo diễn Tim Boton thì sống trong hai căn hộ ở ngay cạnh nhau thay vì chung một nơi.

Các nhà xã hội học Mỹ cho rằng, phương thức hôn nhân LAT đang trở thành một cơ cấu xã hội mới. Hiện nay chưa có sự nghiên cứu hay khảo sát kỹ về ảnh hưởng của phương thức sống này đối với hôn nhân, nhưng nhiều người cho rằng nó không có lợi cho việc giáo dục con cái.

Mặt khác, vợ chồng liên tục xa nhau, không đảm bảo được đời sống tình dục bình thường cũng ảnh hưởng xấu đến đời sống tình cảm vợ chồng. Chính vì vậy nhiều người cho rằng không nên tuyên truyền, quảng bá cho LAT một cách mù quáng.

Thu Thuỷ
Theo Thời báo Hoàn cầu

MỚI - NÓNG