Vỡ đập tại Lào, hàng trăm người chết và mất tích

Nước dâng lên tới mái nhiều ngôi nhà trong vùng. Ảnh: EPA.
Nước dâng lên tới mái nhiều ngôi nhà trong vùng. Ảnh: EPA.
TP - Giấc mơ trở thành trung tâm điện năng ở châu Á của Lào đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi một con đập thủy điện bị vỡ trong giai đoạn xây dựng khiến hàng trăm người thiệt mạng hoặc mất tích.

Tai nạn xảy ra đêm thứ Hai tại một con đập ở huyện San Sai, tỉnh Attapeu, đông nam Lào.

Vỡ đập tại Lào, hàng trăm người chết và mất tích ảnh 1

Toàn cảnh đập Xenam Noy. Ảnh: Business Korea.

Dòng thác 5 tỷ m3 nước

5 tỷ m3  nước bất ngờ được giải phóng, tạo nên dòng nước lũ kinh hoàng “giết chết nhiều người và hàng trăm người còn mất tích”, Thông tấn xã Lào nói.

Nhiều ngôi nhà đã bị cuốn trôi, sau khi con đập vỡ lúc 20h đêm. Quan chức địa phương đã phải kêu gọi cứu hộ.

Gần 24 giờ sau thảm họa, các quan chức địa phương nói họ vẫn đang vật lộn để đánh giá mức độ thiệt hại. “Chúng tôi chưa có bất cứ thông tin gì về số lượng người chết và mất tích”, một quan chức Attapeu nói và cho biết thêm ở vùng này không có sóng điện thoại.

Các đoạn video mà tờ ABC Laos đưa lên Facebook cho thấy một vùng rộng lớn đã bị ngập nặng. Nhiều gia đình phải trèo lên mái nhà chờ cứu hộ.

Theo Bangkok Post, con đập trị giá 1,2 tỷ USD là một phần dự án do công ty điện lực Xepien-Xenam Noy (PNPC), một liên doanh thành lập năm 2012, thực hiện. Công ty có trụ sở ở thủ đô Vientiane.

Một công ty Thái tham gia dự án xác nhận rằng con đập phụ dài 770m có chức năng nắn dòng chảy (để thi công đập chính) đã đổ sập sau một đợt mưa lớn.

“Nguyên nhân của sự cố là mưa lớn liên tục, khối lượng nước đổ về hồ chứa của dự án là rất lớn”, công ty phát điện Ratchaburi (Thái Lan) nói trong một văn bản. Theo Thông tấn xã Lào, công ty Ðiện lực Korea Western của Hàn Quốc và Lao Holding State Enterprise của chính phủ Lào cũng tham gia dự án. Theo Reuters, công ty SK Engineering & Construction (Hàn Quốc), được nói là một bên tham gia liên doanh, phụ trách việc xây dựng.

Theo các điều khoản đã ký kết, PNPC nói họ sẽ vận hành và quản lý dự án trong 27 năm kể từ khi bắt đầu phát điện thương mại.

Con đập có năng lực phát điện 410MW dự kiến bắt đầu phát điện vào năm 2019, theo trang web của liên doanh PNPC.  Dự án của PNPC bao gồm việc xây dựng một loạt đập thủy điện bao gồm Houaymakchan, Xenam Noy và Xepian.

Dự án của PNPC sẽ bán 90% lượng điện năng sản xuất được cho Thái Lan, số còn lại phục vụ lưới điện của Lào.

Trong nhiều năm qua, các nhóm hoạt động vì môi trường đã bày tỏ quan ngại về tham vọng thủy điện của Lào, gồm cả những lo lắng về tác động tiêu cực của các con đập đối với sông Mekong, hệ động thực vật và cộng đồng nông thôn, cộng đồng kinh tế phụ thuộc vào con sông quan trọng này.

Một dự án thủy điện lớn tại Xayaburi, do tập đoàn CH Karnchang của Thái Lan thực hiện, là tâm điểm kế hoạch trở thành “viên pin của Ðông Nam Á”- một trung tâm xuất khẩu điện năng. Dự án trị giá 3,5 tỷ USD, công suất 1.285 MW này đã gây ra rất nhiều lo ngại đối với các cộng đồng ở hạ nguồn do khả năng tác động xấu đến hệ sinh thái.

Lào hiện có khoảng 10 đập thủy điện đang hoạt động, 10-20 đang xây dựng và hàng chục đập trong quá trình lập dự án.

Theo Reuters, đại diện SK Engineering & Construction (SK E&C), nói qua điện thoại: “Chúng tôi đã phái đi  các đội cứu hộ để di tản dân sống xung quanh con đập”.

Hơn 6.600 người mất nhà cửa

Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith đã phải hoãn các cuộc họp của chính phủ để tới vùng bị ảnh hưởng thảm họa. Quân đội và cảnh sát cùng các lực lượng khác đã được huy động cứu hộ.

Khi tai nạn xảy ra, con nước lớn đã quét qua các làng Yai Thae, Hinlad, Mai, Thasengchan, Tha Hin, và Samong, cuốn đi hàng ngàn ngôi nhà. Hơn 6.600 người mất nhà cửa. Cả một vùng ngập trong nước và bùn.

Theo một bài báo của tờ Business Korea xuất bản đầu tháng 4/2017, tại thời điểm đó, SK E&C đã tổ chức chặn dòng cho con đập Xenam Noy. Ðập này cao 74m, rộng 1.600m, có thể chứa 1 tỷ tấn nước, lớn hơn so với hai con đập còn lại của dự án là Xepian và Houaymakchan. “Ðể sẵn sàng với các nguy cơ không ngờ tới trong tương lai, chúng tôi đã hoàn tất xây dựng con đập trước  tiến độ bốn tháng và bắt đầu cho đập nhận nước”, một quan chức của SK E&C nói. “Chúng tôi đã đặt nền móng  vững chắc cho sự thành công của việc phát triển thủy điện ở Lào”, ông này nói thêm. Vào ngày 18/3/2017, SK E&C hoàn tất xây dựng một đường nước dài 15,7km nối nhà máy phát điện và đập Xenam Noy, trong đó có một đường ống ngầm dài 11,5km.

Business Korea cho hay, dự án này đặt mục tiêu sản xuất và bán điện thông qua việc xây dựng ba con đập Houaymakchan, Xenam Noy và Xepian nhằm chặn một nhánh của dòng Mekong chia tách cao nguyên Bolaven, tận dụng một thác nước tự nhiên cao 690m. 

Lãnh đạo Việt Nam gửi điện thăm hỏi Lào

Ngay sau khi có thông tin đập thủy điện ở tỉnh Attapeu, Lào bị vỡ, ngày 24/7, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trần Ðại Quang và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có điện thăm hỏi gửi Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Bounnhang Vorachith và  Thủ tướng Thongloun Sisoulith; Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có điện thăm hỏi gửi Bộ trưởng Ngoại giao Lào Saleumxay Kommasith. Trao đổi với Tiền Phong chiều 24/7, đại diện đại sứ quán Việt Nam tại Lào cho biết, công tác quyên góp giúp đỡ người dân tại vùng bị ảnh hưởng đang được tiến hành khẩn trương. 

L.A

MỚI - NÓNG