Vụ '20 tỷ euro' ở Nga là có thật

Vụ '20 tỷ euro' ở Nga là có thật
TP - Trước những luồng thông tin cho rằng vụ 20 tỷ euro ở sân bay Shermetievo, Nga là bịa đặt, tờ Komsomolskaja Pravda (KP) của Nga tiếp tục điều tra và phát hiện ra nhiều chi tiết ly kỳ.

> Sự thật về chiếc máy bay chở 20 tỷ euro ở Nga
> Bí ẩn chủ nhân 200 tấn tiền bỏ quên tại sân bay

20 tỷ euro là có thật

Một nhân viên an ninh mà KP liên lạc được (đề nghị được giấu tên) cho biết hồi năm ngoái đã được giao nhiệm vụ kiểm tra xem một khoản tiền euro ở Sheremetievo là thật hay giả.

Anh đã nhìn thấy ở Sheremetievo những khối lớn bọc nilon, bên trong chất đầy tiền. Chính anh đã cầm trong tay những đồng tiền ấy và nhờ một thiết bị chuyên dụng, xác định được đấy là euro thứ thiệt.

Anh không thể xác định được khoản tiền đó là bao nhiêu (việc này ngoài thẩm quyền của anh) nhưng khẳng định chắc như đinh đóng cột đó là một khoản tiền rất lớn.

Không cần chiếc máy bay khổng lồ

Theo những tài liệu mà KP thu nhận được, khoản tiền bí ẩn đó được sân bay Sheremetievo tiếp nhận từng phần và đưa vào kho bảo quản. Tài liệu còn cho biết nhiều chuyến “hàng” - mỗi chuyến trên dưới một tỷ euro - được đưa đến từ Ngân hàng Đức Deutsche Bank ở Frankfurt và số tiền tổng cộng lên tới 20 tỷ euro.

Vì “hàng” vận chuyển nhiều chuyến nên không cần đến loại máy bay khổng lồ có thể chở ngay một lần 200 tấn (trọng lượng của 20 tỷ euro), mà chỉ cần vài chiếc máy bay vận tải Boeing.

Nguồn tin mà KP tiếp cận được cũng cho biết 20 tỷ euro nói trên lúc đầu được lưu giữ tại sân bay, sau đó được đưa đến kho lưu trữ của Kho bạc Liên bang Nga.

Giấy gửi “hàng” đến sân bay Sheremetievo có ghi rõ tên người gửi là Farzin Motlagh
Giấy gửi “hàng” đến sân bay Sheremetievo có ghi rõ tên người gửi là Farzin Motlagh .

Nhân vật Motlagh bí ẩn

Trên một tài liệu còn ghi rõ tên người gửi những chuyến “hàng” nói trên là một người Iran tên là Farzin Motlagh. Nhưng tất nhiên Motlagh không phải là chủ nhân món “hàng” đặc biệt đó mà chỉ là người gửi.

Ông ta gửi “hàng” đến Mátxcơva với hy vọng tại Mátxcơva sẽ có “nhân vật cần thiết” đón nhận “hàng”. Nhưng nhân vật này chắc hẳn đến phút cuối thì sợ một chuyện gì đó nên không dám xuất hiện. Ngay cả Motlagh cũng không dám đến Mátxcơva. Vậy ông ta là ai?

Số tiền 18,5 tỷ USD chuyển từ Thổ Nhĩ Kỳ- Đức- Nga rồi sang Iran ít hơn so với số tiền 20 tỷ euro tại sân bay Sheremetievo. Ngày tháng cũng không khớp. Nhưng sẽ chẳng có gì lạ nếu số tiền 20 tỷ euro được chở làm nhiều chuyến đến Mátxcơva và vào những thời điểm khác nhau.

Motlagh có trang riêng trên mạng xã hội Facebook. Ông ta cho biết, hiện đang sinh sống ở Tehran (thủ đô Iran), biết tiếng Anh và tiếng Ba Tư.

Còn theo hồ sơ của Interpol, Motlagh là một tay chuyên làm ăn bất chính cỡ quốc tế. Ông ta có tên trong một số vụ tội phạm có liên quan đến hoạt động tài chính bất hợp pháp diễn ra cùng một lúc tại nhiều nước.

Cách đây ít lâu, ông ta muốn nhận lại tiền. Nhưng vì không dám xuất hiện ở Mátxcơva nên ông ta phái người tin cẩn của mình là Hossein đến.

Nhưng phía Nga không giao “hàng” cho người này, đòi gặp đích thân Motlagh. Lý do chính thức phía Nga đưa ra là nghi ngờ tính chân thực của giấy uỷ quyền do Hossein xuất trình. Hossein đành phải làm giấy ký gửi “hàng” ở sân bay Sheremetievo.

Tài liệu này (hiện trong tay KP) cho biết tiền ký gửi là hơn 160 triệu rúp (tương đương 5 triệu USD). Số tiền ký gửi lớn như vậy chứng tỏ “hàng” chính là khoản tiền 20 tỷ euro kia.

Dấu vết Thổ Nhĩ Kỳ

Các phóng viên nước ngoài của KP bất ngờ lần được dấu vết một trong những đại diện của Farzin Motlagh. Nhân vật này là một người Iran có tên là Esmael Nasab. Ông ta cũng là một tay chuyên làm ăn bất chính cỡ quốc tế và có liên quan đến những khoản tiền khổng lồ.

Theo lời luật sư của Nasab, vào tháng 10 năm 2008, Nasab gửi một khoản tiền và vàng trị giá 18,5 tỷ USD từ Iran sang Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng những chiếc xe chở món “hàng” quý giá đó vừa vượt qua biên giới Thổ thì biệt tăm.

Đến đầu năm 2009, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan lớn tiếng tuyên bố: “Đức A- la thật vĩ đại và hùng mạnh. Vào thời điểm khó khăn này Người ban cho nền kinh tế chúng ta 18,5 tỷ USD”.

Đáng chú ý là “thời điểm” mà ông Erdogan nói đến. Đó là vào quãng cuối năm 2008 - đầu năm 2009, khi Thổ Nhĩ Kỳ trên bờ vực phá sản và cần khoảng 15 – 20 tỷ USD đầu tư cho nền kinh tế. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ quyết định, bất kỳ người nào đem được tiền từ nước ngoài về đều không bị điều tra nguồn gốc số tiền ấy.

Nhưng đúng lúc đó Nasab xuất hiện. Thông qua luật sư của mình, ông ta tuyên bố bị mất đúng 18,5 tỷ USD trên biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và thủ phạm chính là các nhân viên hải quan Thổ Nhĩ Kỳ. Ngay sau khi nghe được tin đó, Bộ Ngoại giao Iran lập tức tiến hành đàm phán với phía Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng chỉ ít lâu sau, cuộc đàm phán lặng lẽ chấm dứt.

Theo giả thuyết đáng tin cậy hơn hết, dưới sức ép của Iran, Thổ Nhĩ Kỳ đã buộc phải trả lại tiền và vàng cho phía Iran, chính xác là cho Chính phủ Iran (bởi vì Nasab chỉ là kẻ thừa hành). Iran liền chuyển “thành quả” sang Đức để đổi ra đồng euro (loại tiền tương đối ổn định hơn đồng USD) rồi từ Đức chuyển sang Mátxcơva, coi Mátxcơva là điểm trung chuyển. Cuộc điều tra của KP vẫn đang tiếp tục.

 VŨ VIỆT
Theo Komsomolskaja Pravda

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG