Vụ bắt giữ tướng Mladic và những câu hỏi

Vụ bắt giữ tướng Mladic và những câu hỏi
TP - Mặc dù lãnh đạo Serbia bác bỏ những đồn đoán rằng việc bắt giữ tướng Ratko Mladic nhằm nhanh chóng trở thành thành viên của Liên minh châu Âu (EU), nhưng nhiều nhà phân tích không dễ dàng tin vào điều đó.

Thêm nữa, họ cho rằng việc chính quyền của Tổng thống Boris Tadic bắt cựu tư lệnh quân đội Bosnia gốc Serbia sẽ tạo ra chia rẽ trong xã hội nước này.

Tổng thống Boris Tadic nói với các phóng viên rằng với việc tóm cổ Mladic, người bị cáo buộc là tội phạm chiến tranh và chịu trách nhiệm chính về việc giết hại nhiều người Hồi giáo trong cuộc chiến Nam Tư, chính phủ của ông muốn “tạo không khí hữu hảo giữa các nước vùng Balkans”.

Ratko Mladic bị bắt hôm thứ năm vừa rồi tại một ngôi làng hẻo lánh cách thủ đô Belgrade khoảng 100km, sau 16 năm sống ẩn dật dưới một cái tên giả. Tuy nhiên, người ta nói thỉnh thoảng vẫn thấy ông này ung dung đến ăn uống ở một vài nhà hàng sang trọng.

Tướng Mladic đã bị tòa án hình sự quốc tế về chiến tranh Nam Tư (ICTY) truy lùng gắt gao từ năm 1996. Từ bấy đến nay, Serbia luôn chịu sức ép từ phương Tây phải bắt giữ Mladic, cũng như các tướng lĩnh và chính trị gia liên quan đến cuộc nội chiến, nổ ra sau khi liên bang Nam Tư sụp đổ, đổi lại là tấm vé gia nhập EU. Tuy nhiên, để đi đến quyết định này, chính quyền Boris Tadic chắc chắn đã phải trải qua không ít cơn đau đầu. Bởi vì, đối với người Serbia, Mladic và đồng đội của ông ta đại diện cho sự đấu tranh vì sự thống nhất của Serbia, vả lại, những người bên kia chiến tuyến (những người Bosnia theo Hồi giáo) cũng bị cáo buộc gây ra tội ác với người Bosnia gốc Serbia. Bắt giữ Mladic, do vậy, không phải điều dễ chịu.

Tất nhiên, khi bắt giữ Mladic, Serbia có vẻ đã bước thêm một nhịp tới cánh cổng EU. Tuy nhiên, chưa ai rõ, để được gia nhập, chính quyền của ông Boris Tadic sẽ còn phải làm những gì. Có thể là thêm vài vụ bắt giữ kế tiếp.

Đã có tin đề cập đến cái tên tiếp theo: Goran Hadzic, cựu tổng thống nước cộng hòa Krajina tự phong của người Serbia. Có vẻ như để khuyến khíc Serbia thực hiện tiếp các vụ bắt giữ, cựu trưởng công tố ICTY, Carla Del Ponte đã lên tiếng mô tả vụ bắt tướng Mladic là “một tuyên ngôn về ý chí chính trị”.

Tuy nhiên, bà Del Ponte không thúc giục lãnh đạo Bosnia và Herzegovina và Croatia làm điều tương tự Serbia, dù ở những nước này nhiều khả năng còn chứa chấp những kẻ bị coi là đã tàn sát người Serbia.

Dù trong năm 2008, bà Del Ponte đã xuất bản một cuốn sách với những bằng chứng nói rằng những người Bosnia gốc Albania ở Kosovo (tỉnh ly khai khỏi Serbia năm 2008) đã bắt cóc nhiều người Serbia rồi bán nội tạng của họ, sau khi cuộc chiến Kosovo kết thúc năm1999.

Ratko Mladic hồi còn nắm quyền lực
Ratko Mladic hồi còn nắm quyền lực.

Cựu đại sứ Nam Tư tại Nga, Borislav Milosevic, em trai cố tổng thống Slobodan Milosevic (bị ICTY cáo buộc là tội phạm chống lại loài người và đã chết trong trại giam) nói rằng ICTY không phải là nơi “giàu lòng trắc ẩn".

“Ở đó chỉ có các lợi ích. Họ (ICTY) phục vụ NATO và Mỹ. Họ là tội phạm vì đã ném bom Nam Tư. Và Mladic là một tướng lĩnh quân đội trong một cuộc nội chiến. Khi ấy, chẳng ai vô tội cả, dù bên này hay bên kia. Phía nào cũng phải chịu trách nhiệm”.

Tóm lại, việc có được tư cách thành viên EU, Serbia có thể phải trả một cái giá khá đắt. Ít nhất thì đến thời điểm này, đã có những cuộc xuống đường của người Serbia phản đối việc bắt giữ Ratko Mladic. Chính vì vậy, những nước cờ tiếp theo mà ông Boris Tadic sẽ vận dụng là gì, chắc chắn thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế và hứa hẹn không ít gay cấn.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG